Chuyên đề cơ sở

2025-01-15 19:38:03

Thứ Năm, ngày 7/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười lăm (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Tại phiên thảo luận có 21 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trong dự án Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung, cụ thể như sau:

Về Luật Chứng khoán: hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; nhà đầu tư chuyên nghiệp; công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của mình; thành viên của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng; chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp; công ty đại chúng; quản trị rủi ro với thị trường cho vay, cầm cố chứng khoán; nâng hạng thị trường chứng khoán.

Về Luật Kế toán: mức xử phạt trong lĩnh vực kế toán; chế độ kế toán cho các tổ chức tín dụng; chế độ kế toán đơn giản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về Luật Kiểm toán độc lập: đối tượng được kiểm toán; xử lý vi phạm và thời hiệu xử lý vi phạm về kiểm toán độc lập; mức phạt đối với cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật kiểm toán; giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập; trách nhiệm của kiểm toán viên và vai trò của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; đăng ký hành nghề kiểm toán, đơn vị kiểm toán.

Về Luật Ngân sách nhà nước: việc thực hiện các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn; các nhiệm vụ chi được sử dụng nguồn chi đầu tư, chi thường xuyên; tỷ lệ % phân chia trong các khoản thu ngân sách cho địa phương; bố trí dự phòng ngân sách; nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách; nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngân sách cấp huyện và cấp xã; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; nhiệm vụ chi ngân sách các cấp; nguyên tắc và tiêu chí để xác định các khoản chi chưa được phân bổ chi tiết; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước; sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước cấp trên đóng trên địa bàn, các địa phương khác; thẩm quyền của địa phương trong việc thu các loại thuế, phí chưa được quy định trong luật thuế chuyên ngành; chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu ngân sách nhà nước.

Về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: phân cấp, phân quyền đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công; thẩm quyền phê duyệt việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; khấu hao, hao mòn tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Về Luật Quản lý thuế: thẩm quyền khoanh nợ; xử lý chậm nộp thuế.

Về Luật Dự trữ quốc gia: đề nghị nghiên cứu cơ chế phù hợp để quy định về dự trù thuốc dự trữ quốc gia.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1: Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp bằng hình thức biểu quyết điện tử với tỉ lệ tán thành cao.

Nội dung 2: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 25 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực hiện hành. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; chính sách phát triển điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển điện hạt nhân; chính sách ưu đãi phát triển năng lượng sạch; giấp phép kinh doanh điện lực; trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực; lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực không thực hiện theo đầu tư công và hợp tác công - tư; giá điện; phát triển thị trường điện cạnh tranh; góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tham gia dự án điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng điện; thời điểm thông qua dự án Luật. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ Sáu, ngày 08/11/2024:

Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)./.

Thông cáo báo chí số 14, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tại phiên thảo luận có 27 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật đầu tư công, đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật.

(TTXVN/Vietnam+)
Top