2025-01-17 18:45:28

Chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.”

Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có chuyển biến tích cực

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn thường trực cho biết, Đoàn giám sát thấy rằng, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải đã được triển khai tích cực, đồng bộ.

Theo đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm, nhất là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải được kiềm chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, đại diện Đoàn giám sát trình bày báo cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trình Quốc hội thông qua Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với quá trình chuẩn bị công phu, chu đáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập cũng như định hướng phát triển đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong thời gian tới.

Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt; rà soát, thống kê, phân loại lối đi tự mở và quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Từ năm 2019 đến năm 2023 đã thực hiện xóa bỏ 924/4.100 lối đi tự mở nguy hiểm (đạt 22,5%) trên địa bàn khu vực đông dân cư có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông đường sắt; không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt...

Công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy ngày càng được tăng cường. Công tác quản lý bảo trì trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia được thực hiện với 6.969,5 km, tổng số phao tiêu báo hiệu được lắp đặt là 26.419, đèn báo hiệu là 11.803...

Tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã được kiềm chế cả 3 tiêu chí, giảm sâu so với giai đoạn trước (2004-2014). Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người. Giai đoạn 2015-2023 xảy ra 662 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 418 người, bị thương 78 người.

“Trong những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ngày càng hoàn thiện, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội," ông Lê Tấn Tới cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế.

Công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch chưa sát với yêu cầu thực tiễn, áp dụng trong thời gian ngắn đã phải điều chỉnh hoặc thay thế.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông mặc dù đã được tăng cường, tuy nhiên kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn ở mức cao.

Công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả còn thấp, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai chiến lược, quy hoạch, dự án đầu tư chưa thực sự chặt chẽ.

Ý thức của một bộ phận người tham giao thông chưa tốt

Đồng tình với 6 hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Đoàn giám sát thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông có những tiêu cực gì?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN)

“Ví dụ như tiêu cực của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, thi bằng lái, sát hạch... Qua thực tế cho thấy những tiêu cực này đã ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông,” bà Nga dẫn chứng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, thành tích chúng ta đánh giá cao, nhưng tiêu cực cũng phải đề cập, đặc biệt trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bất kỳ người dân nào cũng phát hiện ra có rất nhiều tiêu cực.

Bộ Công an đã có cố gắng nhưng đến nay các tiêu cực còn tồn tại khá nhiều. Đoàn giám sát cần đánh giá sâu về mảng này để đảm bảo sau giám sát những hạn chế đó được khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh một trong những nguyên nhân của mất trật tự, an toàn giao thông và tai nạn giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông.

Bà so sánh, cũng là một người, đi ra nước ngoài chấp hành rất tốt quy định về trật tự, an toàn giao thông sở tại nhưng khi về Việt Nam thì vượt đèn đỏ, vi phạm rất nhiều. Điều này chứng tỏ luật của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm, chưa góp phần rèn giũa được ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, báo cáo cần nhấn mạnh thêm về ý thức chưa tốt của một bộ phận không nhỏ người tham giao thông.

Đề cập đến 5 giải pháp Đoàn giám sát nêu ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá các giải pháp rất hay, với 19 gạch đầu dòng, nội dung nào cũng tốt nhưng rất chung chung, không rõ ai làm, không rõ việc gì, không rõ bao giờ làm, bao giờ xong.

“Với cách viết như một số nghị quyết vừa rồi thì 5 giải pháp này phải cụ thể hơn,” nêu rõ điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ ra trong các lĩnh vực đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt, hàng hải thì lĩnh vực đường bộ là tai nạn nhiều nhất, phức tạp nhất, khó khăn nhất. Báo cáo cần gia công lại, tập trung đánh giá kỹ hơn lĩnh vực giao thông đường bộ và các giải pháp liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng báo cáo cần nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cần làm rõ kỷ cương pháp luật có thực hiện nghiêm không; cả hệ thống chính trị có vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cho an toàn giao thông hay chỉ hô khẩu hiệu mà không cụ thể./.

Thủ tướng: Mỗi tỉnh, thành phố an toàn giao thông thì cả nước an toàn giao thông

“Mỗi xã, phường đều an toàn giao thông; mỗi huyện, thị xã đều an toàn giao thông; mỗi tỉnh, thành phố đều an toàn giao thông thì cả nước an toàn giao thông,” Thủ tướng nhấn mạnh.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Điện toán 123

Top