Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vừa chủ trì cuộc họp với Bộ phận Thường trực của Tổ Biên tập để cho ý kiến đối với dự thảo Đề cương Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030.
Dự thảo Đề cương Báo cáo được xin ý kiến gồm 3 phần: đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; tổ chức thực hiện.
Trong số đó, phần thứ nhất về đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 dự kiến bao gồm các nội dung như: tổ chức thực hiện Chiến lược; kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém; đánh giá tổng quát, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Phần thứ hai, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 dự kiến gồm các nội dung: dự báo bối cảnh, tình hình; quan điểm phát triển; mục tiêu phát triển; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, trao đổi, chia sẻ của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá về cơ bản dự thảo đã bám sát Chiến lược cũng như những vấn đề cốt lõi của 5 năm qua và các nội dung tập trung trong 5 năm tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị đơn vị được giao chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện Đề cương báo cáo để xin ý kiến các thành viên Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 xác định 3 đột phá chiến lược gồm: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Theo đó, phải tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ.
Do vậy, việc xây dựng dự thảo đề cương đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược này cần bám sát các đột phá đã được xác định; các nội dung đánh giá cần phải có dẫn chứng, số liệu, kết quả cụ thể.Cùng với đó, bám sát tình hình, bối cảnh thực tiễn của quốc tế và trong nước; các xu hướng mới; tập trung phân tích, đánh giá kết quả về tình hình kinh tế vĩ mô; hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực; giáo dục và đào tạo; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển văn hóa, xã hội; quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế…
Đối với dự thảo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị bên cạnh chỉ ra các kết quả nổi bật, cần tập trung đánh giá được các tồn tại, hạn chế; đưa ra bài học kinh nghiệm. Từ đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn tới thông qua các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội, môi trường.
Đặc biệt, bên cạnh các lĩnh vực đã được xác định cần nghiên cứu các ngành, lĩnh vực theo xu thế như tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; chuyển đổi số; công nghệ cao.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 12/3/2024.
Tổ Biên tập gồm 63 người và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Tổ trưởng Tổ Biên tập; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương là Tổ phó Tổ Biên tập. Bộ phận Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu Ban gồm 18 người./.
Với 53 thành viên, Tiểu ban được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm (2026-2030).
Nguồn bài viết : BNG Điện Tử