Các địa phương của Việt Nam và Nhật Bản kết nối xử lý môi trường | Vietnam+ (VietnamPlus)

2025-01-20 17:43:02
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ngày 30/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Đoàn công tác tỉnh Hiroshima, Nhật Bản về vấn đề kết nối doanh nghiệp xử lý môi trường giữa thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tỉnh Hiroshima trong thời gian tới.

Theo ông Kazuki Matsubara, phụ trách đối ngoại và thương mại tỉnh Hiroshima, Trưởng đoàn Nhật Bản, biến đổi khí hậu hiện là vấn đề mang tính toàn cầu và Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất, đặc biệt là về nguồn nước và tình trạng xâm nhập mặn. Những ưu điểm về tự nhiên của vùng bị thay đổi dẫn đến mô hình sản xuất và tập quán sinh hoạt của cư dân nơi đây bị ảnh hưởng, đe dọd đến quá trình phát triển của vùng.

Với mong muốn góp một phần sức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại, nhiều năm qua, tỉnh Hiroshima đã tích cực chia sẻ công nghệ và các thành tựu khoa học mới liên quan đến xử lý môi trường của Nhật Bản ra thế giới. Việc này được thực hiện thông qua việc thực hiện mở rộng quan hệ hợp tác; kết nối doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh có liên quan môi trường của tỉnh với các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam.

Thành phố Cần Thơ với vị thế là trung tâm phát triển động lực của khu vực Tây Nam bộ được lựa chọn là đối tác chính của tỉnh Hiroshima trong hợp tác cải thiện môi trường tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Matsubara hy vọng thành phố Cần Thơ sẽ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ nhân rộng và phát triển các mô hình công nghệ cao ứng phó biến đổi khí hậu đến với các tỉnh, thành phố trong vùng. Qua đó, lựa chọn được giải pháp tối ưu và phù hợp với điều kiện thực tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý môi trường.

[Việt Nam kêu gọi Nhật Bản hỗ trợ xử lý môi trường ô nhiễm dioxin]

Tại buổi làm việc, chuyên viên thuộc Đoàn công tác tỉnh Hiroshima đã giới thiệu với đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ nhiều thành tựu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý môi trường của tỉnh như quy trình sản xuất nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ sử dụng dung dịch vỏ trấu lên men làm phân bón cho cây trồng; công nghệ thu gom, tái chế rác thải; công nghệ tái chế nhựa phế thải thành các sản phẩm có ích; công nghệ quan trắc khí thải trong nhà máy nhiệt điện; mô hình phần mềm quản lý, thiết kế đường ống cống trực quan cho hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước mưa và nước thải công nghiệp...

Đoàn Hiroshima lưu ý với thành phố Cần Thơ một vấn đề trọng tâm trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đó là, thay vì tiêu tốn nguồn tài lực, nhân lực có hạn để chiến đấu thì nên sử dụng các mô hình công nghệ mới nhằm học cách sống chung với nó. Chẳng hạn như tìm cách khai thác sử dụng hiện trạng nhiễm mặn ở vùng ven biển, hoặc khôi phục khả năng trữ nước ở thượng nguồn. Đồng thời, điều chỉnh thực tế sử dụng đất, các hệ thống sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng liên quan để cải thiện tình trạng thu hẹp đất nông nghiệp. Điều này không thể thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ của riêng một ngành hay một địa phương nào mà đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phố và liên kết nhiệm vụ của các ban, ngành hữu quan. Đây là mục tiêu mà tỉnh Hiroshima mong muốn đạt được trong dự án hợp tác lần này.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết các vấn đề về môi trường đang là vấn đề được các cấp lãnh đạo cũng như doanh nghiệp thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt quan tâm. Việc kết nối lần này với tỉnh Hiroshima mang ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường của khu vực. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, trao đổi công nghệ và các thành tựu khoa học mới liên quan đến xử lý môi trường của các doanh nghiệp tỉnh Hiroshima (Nhật Bản).

Phó Chủ tịch Đào Anh Dũng cam kết thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai địa phương giao lưu kinh tế, xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ xử lý môi trường. Cùng đó, hỗ trợ nhập khẩu máy móc, thiết bị khi dự án đầu tư được triển khai thực hiện; giải quyết thủ tục đầu tư vào thành phố nhanh, gọn. Ngoài ra, doanh nghiệp thành phố Cần Thơ ưu tiên tuyển nhân viên biết tiếng Nhật để việc trao đổi, hợp tác được thuận lợi hơn...

Theo kế hoạch, tại hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ năm 2018 được tổ chức vào tháng Tám tới sẽ có sự tham gia của tám doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường của tỉnh Hiroshima gồm các công ty Aina, Ogawa Econos, Futaba Sankyo, Chugai Technos, Furukawa, Hinomaru Sangyo, Mikuniya Nhật Bản và Tromso.

Chính quyền tỉnh Hiroshima sẽ tích cực vận động thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến tham dự sự kiện nhằm khảo sát, tìm hiểu về nhu cầu và tiềm năng của thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; giao lưu với doanh nghiệp địa phương, từ đó lập ra phương hướng hợp tác phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : Thuật toán cờ bạc online

Top