2025-01-17 18:45:26

Ngày 11/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 131/CĐ-TTg về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Mục tiêu cải cách hành chính

Công điện nêu rõ: Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, trong đó chú trọng việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, thủ tục hành chính nội bộ, phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là việc triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tại 5 địa phương.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc đánh giá tác động quy định thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, ngành, địa phương còn hình thức.

Công tác tham vấn đối tượng chịu tác động chưa phát huy hiệu quả. Một số quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị được công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Những yêu cầu và giải pháp cụ thể

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các công việc.

Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

1. Đánh giá tác động chính sách: Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

2. Tăng cường tham vấn đối tượng chịu tác động: Nâng cao hiệu quả việc tham vấn đối tượng chịu tác động theo đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Rà soát và loại bỏ các thủ tục hành chính cản trở phát triển: Rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

4. Cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính: Khẩn trương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu tại văn bản số 6866/VPCP-KSTT ngày 26/9/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật và văn bản số 7575/VPCP-KSTT ngày 16/10/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản dưới luật.

5. Nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính: Các bộ, ngành, địa phương công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và phải liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thành việc nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trong năm 2025.

Người dân tìm hiểu thủ tục hành chính tại phường Hàng Gai, Hà Nội. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính sau khi được ban hành; kịp thời lắng nghe, phát hiện để sửa đổi, bổ sung những quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, làm cản trở phát triển kinh tế-xã hội.

Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.

Đảm bảo sự tham gia của các cơ quan và tổ chức liên quan

Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung nâng cao chất lượng thẩm định quy định về thủ tục hành chính tại các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp pháp, khả thi với chi phí tuân thủ thấp nhất.

Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, đề xuất ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được nêu tại văn bản số 6866/VPCP-KSTT ngày 26/9/2024 về việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các luật.

Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác) giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của bộ, cơ quan, địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Hội đồng tư vấn) phát huy vai trò tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách và chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân và đề xuất giải pháp (nếu có) để báo cáo Tổ công tác kịp thời tháo gỡ.

Cán bộ của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân cách kê khai các thủ tục cần thiết để làm các loại giấy tờ liên quan. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ tăng cường, phát huy vai trò thẩm tra, có ý kiến độc lập về quy định thủ tục hành chính tại các đề nghị, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025-2030, hoàn thành trong quý 1/2025; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025, hoàn thành trong tháng 1/2025.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng: tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính, kịp thời nắm bắt, phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Ngoài ra, cung cấp các biểu mẫu điện tử tương tác tự động điền thông tin để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính; hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo; cung cấp chức năng tham vấn trực tuyến các đối tượng chịu tác động; đánh giá nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương. Hoàn thành trong quý 4/2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các thành viên Tổ công tác, thành viên Hội đồng tư vấn tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Công điện này đến từng cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức thuộc phạm vi chức năng quản lý; định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện công Công điện này (lồng ghép trong báo cáo cải cách thủ tục hành chính hằng tháng gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ)./.

Bãi bỏ 354 thủ tục hành chính tại 251 văn bản quy phạm pháp luật

Chín tháng qua, các bộ, ngành ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành mới 280 thủ tục hành chính, sửa đổi 1.151 thủ tục, bãi bỏ 354 thủ tục hành chính tại 251 văn bản quy phạm pháp luật.

(Vietnam+)

Nguồn bài viết : Cá cược thể thao

Top