Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực Nghị quyết số 1013/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Gò Công, Nghị quyết nêu rõ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,36km2 và quy mô dân số là 10.228 người của phường 4 vào phường 1. Sau khi nhập, phường 1 có diện tích tự nhiên là 1,81km2 và quy mô dân số là 19.589 người. Phường 1 giáp phường 2, phường 5, phường Long Chánh và phường Long Hưng.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,09km2 và quy mô dân số là 9.992 người của phường 3 vào phường 2. Sau khi nhập, phường 2 có diện tích tự nhiên là 1,8km2 và quy mô dân số là 19.500 người. Phường 2 giáp phường 1, phường 5, phường Long Hưng và phường Long Thuận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập phường Long Chánh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,87km2 và quy mô dân số là 8.596 người của xã Long Chánh. Phường Long Chánh giáp phường 1, phường Long Hòa, phường Long Hưng, xã Bình Xuân, xã Tân Trung và huyện Gò Công Tây.
Thành lập phường Long Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,59km2 và quy mô dân số là 10.380 người của xã Long Hòa. Phường Long Hòa giáp Phường 5, phường Long Chánh, phường Long Thuận; huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây.
Thành lập phường Long Hưng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,51km2 và quy mô dân số là 11.201 người của xã Long Hưng. Phường Long Hưng giáp Phường 1, Phường 2, phường Long Chánh, phường Long Thuận, xã Tân Trung và huyện Gò Công Đông.
Thành lập phường Long Thuận trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,45km2 và quy mô dân số là 11.538 người của xã Long Thuận. Phường Long Thuận giáp Phường 2, Phường 5, phường Long Hòa, phường Long Hưng và huyện Gò Công Đông.
Thành lập thành phố Gò Công trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 101,69km2 và quy mô dân số là 151.937 người của thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Thành phố Gò Công giáp huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và tỉnh Long An.
Sau khi sắp xếp, thành phố Gò Công có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường: phường 1, phường 2, phường 5, Long Chánh, Long Hòa, Long Hưng, Long Thuận và 3 xã: Bình Đông, Bình Xuân, Tân Trung.
Tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 138 xã, 24 phường và 8 thị trấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập Tòa án Nhân dân thành phố Gò Công trên cơ sở kế thừa Tòa án Nhân dân thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang; thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Gò Công trên cơ sở kế thừa Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.
Nghị quyết nêu rõ Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng thẩm phán, kiểm sát viên, công chức khác và người lao động của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh các đơn vị hành chính được sắp xếp, thành lập mới phải hoàn thành việc đổi tên để hoạt động với tên gọi phù hợp với đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết này kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành./.
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, chiều 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Nguồn bài viết : Trực tiếp bóng đá hôm nay