5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo trong năm 2022 |
Suy ngẫm về "văn hóa ngoại giao Việt Nam" |
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến 53 điểm cầu trên toàn quốc.
Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có bà Lê Thị Thu Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao; ông Đoàn Công Huynh - Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT); ông Nguyễn Văn Hay - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại Trung ương.
Về phía Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, có Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện lãnh đạo các hội hữu nghị Trung ương, các tỉnh, thành phố.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hải An |
Bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, tuyên truyền, đối ngoại của Đảng
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại luôn là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, được tiến hành thường xuyên thông qua các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân quốc tế, vận động phi chính phủ nước ngoài và hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Thông qua hoạt động thông tin đối ngoại, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thông tin tới bạn bè quốc tế về thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm, phát huy quyền con người và hội nhập quốc tế, chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phản bác các luận điệu xuyên tạc về tình hình ở Việt Nam, góp phần tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Hải An |
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động hơn trong hợp tác với các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin về kế hoạch hoạt động, xây dựng các chương trình truyền thông, phóng sự, phim tài liệu chuyên sâu về đối ngoại nhân dân, cung cấp cho các cơ quan báo chí những bài viết, bình luận, dư luận của bạn bè quốc tế, giới thiệu nhân vật đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để báo chí khai thác, phỏng vấn sâu, góp phần giúp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu thêm về công tác đối ngoại nhân dân và tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thông tin đối ngoại và yêu cầu đặt ra đối với công tác thông tin đối ngoại trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Văn Hay - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương khẳng định, công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng của công tác tư tưởng, tuyên truyền, đối ngoại của Đảng. Trong thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại cần có sự đổi mới về mục tiêu, phương châm, đối tượng và các nhiệm vụ tương ứng.
“Công tác thông tin đối ngoại cần đáp ứng có trọng tâm, trọng điểm với nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu và xu hướng quan tâm của các nhóm đối tượng, từng khu vực, từng địa bàn khác nhau, gia tăng tính thuyết phục, hấp dẫn của nội dung”, ông Nguyễn Văn Hay nhấn mạnh.
Đánh giá trong ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân thì thông tin đối ngoại qua kênh đối ngoại nhân dân làm được rất nhiều việc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương mong muốn triển khai nhiều hơn, hiệu quả hơn các kênh thông tin đối ngoại qua đối ngoại nhân dân.
Bà Lê Thị Thu Hằng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, hoạt động thông tin đối ngoại phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại.
bà Lê Thị Thu Hằng - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Ảnh: Hải An |
Bà Lê Thị Thu Hằng chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của thông tin đối ngoại là góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thông qua việc nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước, tạo sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, nhiệm vụ của công tác thông tin nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng chính là "làm được, nói được": "Quan trọng là phải nói được với nhân dân thế giới, các giới ở bên ngoài để họ hiểu về Việt Nam, ủng hộ Việt Nam, ủng hộ công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của chúng ta. Nhiệm vụ này, ngoại giao nhân dân, đối ngoại nhân dân, các tổ chức hữu nghị đóng vai trò rất quan trọng".
Hiến kế nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại
Kiến nghị phương hướng, nhiệm vụ thông tin đối ngoại đối ngoại nhân dân với công tác chung của ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai tất cả các hoạt động chính trị, đối ngoại trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao chính trị, ngoại giao an ninh, cho đến ngoại giao phát triển, ngoại giao văn hóa, đặc biệt là thông tin đối ngoại. Các đề án, kế hoạch tuyên truyền luôn phải phân vai, trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò của đối ngoại nhân dân và công tác vận động dư luận của đối ngoại nhân dân.
Thứ hai, cần giải thích cho bạn bè, nhân dân thế giới tin tưởng vào lập trường của Việt Nam, tình cảm của nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ này đối ngoại nhân dân làm rất tốt.
Thứ ba, đối với công tác nghiên cứu, trong thời gian qua, từ các câu chuyện của tình hình thế giới, khu vực, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động trong việc nắm bắt thông tin dư luận, quan điểm của các tổ chức mà Liên hiệp có quan hệ và có báo cáo, tham mưu đóng góp hữu ích cho công tác tham mưu chung của đối ngoại, kể cả thông qua Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, nhờ đó Đảng, Nhà nước có tính toán, bước đi phù hợp, hiệu quả và thành công.
Về công tác đào tạo, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thường mời các cán bộ Bộ Ngoại giao chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến các công tác thông tin đối ngoại. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Bộ Ngoại giao luôn đồng hành và mong Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo hoặc cử cán bộ tham dự các chương trình đào tạo do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ TT&TT) đề xuất một số hướng đổi mới về thông tin đối ngoại, trong đó ngoại giao nhân dân chính là truyền thông cho chính phủ, chính quyền các cấp, truyền thông về đất nước, con người Việt Nam, cần mạnh dạn tiến hành. Phải tiếp cận truyền thông chủ động; quản lý truyền thông tích cực, kết hợp hài hòa giữa "xây" và "chống", giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại.
Tại tọa đàm, các đại biểu đại diện cho các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cơ quan báo chí đã thảo luận sôi nổi về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, như: tăng cường các sản phẩm, kênh thông tin bằng tiếng nước ngoài; đa dạng hóa, linh hoạt hóa phương thức thông tin nâng cao chất lượng nội dung các sản phẩm nội dung; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về thông tin đối ngoại; đẩy mạnh quan hệ giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với các tổ chức như VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp các tỉnh...
Phát biểu kết luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga cảm ơn các đại biểu đã tích cực tham gia tọa đàm, đóng góp nhiều ý kiến bổ ích không chỉ với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam mà với tất cả các cơ quan, bộ, ngành có liên quan đến công tác thông tin đối ngoại. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá cao thực tiễn triển khai phong phú, hiệu quả ở các địa phương, những kinh nghiệm quý báu của các hội thành viên. Các ý kiến nhất trí cao về nhận thức vai trò quan trọng của thông tin đối ngoại, đề xuấti nghiên cứu, nắm bắt được thông tin, quan tâm dư luận và giải tỏa được quan tâm của dư luận, đúng đối tượng.
Các ý kiến cũng lưu ý truyền thông phải chủ động, chú trọng cả "xây" và "chống", kết hợp hài hòa giữa thông tin đối nội - đối ngoại, tác động qua lại giữa nội dung thông tin đối nội và đối ngoại. Lực lượng làm thông tin đối ngoại phải quán triệt sâu sắc rằng đối tượng chúng ta thông tin đến cũng là lực lượng để triển khai công tác thông tin đối ngoại.
Ngoài ra, có nhiều kiến nghị về tăng cường gắn kết giữa các cơ quan làm thông tin đối ngoại, đặc biệt là báo chí Việt Nam, kết hợp làm được - nói được. Nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chia sẻ thông tin, cung cấp thông tin định hướng, chỉ đạo kịp thời của các cơ quan chức năng, tạo sự thống nhất trong thông tin tuyên truyền.
"Chúng tôi ghi nhận các kiến nghị và sẽ nghiên cứu triển khai trong thời gian tới để công tác thông tin đối ngoại của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thực sự hiệu quả, góp phần tích cực vào việc tạo đồng thuận xã hội, tạo nền tảng vững chắc để triển khai công tác đối ngoại cũng như xây dựng, phát triển đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước".
Nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân, một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã xác định định hướng chiến lược chính trong công tác thông tin đối ngoại của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam như sau: Thứ nhất, thông qua các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, vận động phi chính phủ nước ngoài tăng cường cung cấp thông tin cho bạn bè, đối tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam về tình hình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những thông tin về đảm bảo quyền con người, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ. Thứ hai, mở rộng các kênh thông tin đối ngoại, các hoạt động giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, chủ động tiếp cận các đối tác mới, nhất là bà con người Việt Nam ở nước ngoài, học giả, doanh nghiệp, và giới trẻ để quảng bá hình ảnh Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và đấu tranh với các thế lực thù địch, chống phá Việt Nam. Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu nắm bắt, quan tâm của dư luận, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đầu tư xây dựng các sản phẩm thông tin với hình thức phong phú, hấp dẫn về các chủ đề như con đường phát triển đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế, thành tựu mọi mặt của Việt Nam, đặc biệt là trong bảo đảm quyền con người, giải quyết hậu quả chiến tranh; vấn đề chủ quyền biển, đảo... phù hợp với từng nhóm đối tượng và từng địa bàn. Thứ tư, tiếp tục củng cố, hoàn thiện, hiện đại hóa mạng lưới phương tiện truyền thông trong toàn hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đặc biệt là các chuyên trang tiếng nước ngoài, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, hợp tác giữa các cơ quan truyền thông của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với các cơ quan báo chí của Việt Nam và của đối tác nước ngoài Thứ năm, nâng cao năng lực cán bộ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ chuyên trách về công tác thông tin đối ngoại. |
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thông tin đối ngoại |
Thông tin đối ngoại là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ quan đại diện ở nước ngoài |
Nguồn bài viết : HB Điện Tử