Hội nhập quốc tế

Hợp tác tư pháp Việt - Lào mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hai nước

2024-12-20 19:22:36
Tiếp tục vun đắp và không ngừng củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt -Lào
Giáo dục các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt -Lào

Những con số "biết nói"

Năm 2019, Quảng Bình là tỉnh đầu tiên trong mười tỉnh biên giới Việt Nam - Lào hoàn thành các nội dung của Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới, đồng thời là địa phương đầu tiên được Chủ tịch nước ký quyết định cho phép công dân Lào được nhập quốc tịch Việt Nam.

Những năm qua cũng đã có hàng trăm di dân tự do từ Lào tại các địa bàn biên giới được nhập quốc tịch Việt Nam. Sau khi có quốc tịch Việt Nam, công dân mới được cán bộ tư pháp hướng dẫn làm các thủ tục như: Đăng ký khai sinh, kết hôn, đồng thời được giải quyết các chế độ, chính sách, ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống tại địa bàn cư trú.

Đó là một trong những kết quả thiết thực từ mối quan hệ hợp tác giữa bộ, ngành Tư pháp hai nước. Quan hệ hai bên được thiết lập vào năm 1982 - một năm sau khi Bộ Tư pháp Việt Nam được tái lập, với việc ký kết Hiệp định Hợp tác về mặt pháp lý và tư pháp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây là văn kiện quan trọng, là nền tảng, cơ sở chính trị - pháp lý để bộ, ngành Tư pháp hai nước cùng nhau thực hiện các hoạt động hợp tác về pháp luật và tư pháp.

Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào không ngừng được vun đắp, phát triển đạt được nhiều kết quả tích cực. Hai Bộ đã trao đổi hơn 30 đoàn cấp lãnh đạo bộ; hơn 80 đoàn cấp vụ và chuyên viên để tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau, phục vụ công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở cả hai nước.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật và Tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào ngày 24/8, bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Phó trưởng Ban thường trực Ban Đối ngoại Trung ương: 40 năm qua quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào nói chung và hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng ngày càng gắn bó mật thiết phát triển sâu rộng, ngày càng hiệu quả. Hai bộ ngành tư pháp quan hệ hợp tác với nhau không chỉ giải quyết vấn đề vĩ mô mà còn xử lý, giải quyết các vấn đề cụ thể như quốc tịch, hộ tịch người dân sinh sống ở vùng biên giới, thúc đẩy công tác thi hành án dân sự…

Bộ Tư pháp Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào nghiên cứu và trình thông qua một số văn bản pháp luật quan trọng như: Hiến pháp đầu tiên năm 1991, Bộ luật Dân sự 2019, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2019, Luật Thi hành án dân sự 2022 và hiện đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phá sản doanh nghiệp...

Bộ Tư pháp Việt Nam (thông qua Trường Đại học Luật Hà Nội) đã đào tạo 193 lưu học sinh Lào trình độ cử nhân, 166 lưu học sinh Lào trình độ thạc sĩ và đặc biệt có 4 lưu học sinh Lào được nhận bằng tiến sĩ. Trường Cao đẳng Luật miền Trung (tiền thân là Trường Trung cấp Luật Đồng Hới) đã đào tạo trên 300 sinh viên cho các địa phương của Lào.

Ngoài ra, Dự án ODA do Chính phủ giao Bộ Tư pháp Việt Nam chủ trì hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào (Học viện Tư pháp quốc gia Lào) cũng đang đi vào giai đoạn tổng kết. Thông qua cơ chế hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới được tổ chức từ năm 2011, hai Bộ đã phối hợp xử lý được nhiều công việc cụ thể, như phía Việt Nam đã giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với số người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú là 1.516/1.836 trường hợp (82,6%); phía Lào giải quyết nhập quốc tịch Lào đạt 2.726/6.571 trường hợp (41,5%); tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân hai nước ở vùng biên, góp phần xây dựng biên giới Việt - Lào hòa bình, ổn định.

Tăng cường quan hệ hợp tác

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Phayvy Siboualypha, truyền thống 40 năm hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam – Lào đã đưa đến nhiều hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp nhân dân các bản hai bên biên giới ổn định cuộc sống, cùng bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia mà còn góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt, thuỷ chung son sắt giữa hai dân tộc.

Đại diện Cục Hợp tác quốc tế (thuộc Bộ Tư pháp hai nước) ký kết Chương trình hợp tác năm 2023 (Ảnh: Thu Hằng).

Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, nhiều vấn đề tiếp tục đặt ra cho Bộ, ngành Tư pháp hai nước như công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ở các địa phương vùng biên; phổ biến, giáo dục và trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên giới Việt Nam-Lào; phối hợp đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp...

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới hai Bộ Tư pháp tiếp tục đưa các hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hai bên sẽ sớm hoàn tất việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, nâng cao hiệu quả thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự, tăng cường phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực, trong đó có việc phối hợp triển khai thực hiện Sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự trong ASEAN.

Bộ Tư pháp Lào sẽ tiếp tục tăng cường cử sinh viên sang Việt Nam học luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Cao đẳng Luật miền Trung, cử cán bộ sang Việt Nam học tập theo suất học bổng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ luật.

Hai cơ quan cũng sẽ tăng cường trao đổi, thảo luận để đẩy mạnh hợp tác trong giải quyết các vụ việc về quốc tịch có liên quan đến công dân Việt Nam và Lào. Về dự án ODA hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào, hai Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ để để kết thúc dự án vào tháng 12/2022 theo đúng quy định của Văn kiện Dự án, đảm bảo hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phía Lào.

Các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo nhằm giúp công dân hai nước sinh sống ở khu vực đường biên nắm bắt và hiểu biết đầy đủ nội dung các điều ước Quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa hai nước có liên quan đến khu vực biên giới, từ đó tự giác tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh, không vi phạm pháp luật để phải bị xử lý, biết vận dụng, sử dụng pháp luật để tham gia các quan hệ xã hội và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Tư pháp Lào Phayvy Siboualypha ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào trong 40 năm qua, đóng góp không nhỏ vào công cuộc hoàn thiện pháp luật, hướng tới cải cách pháp luật của hai Bộ Tư pháp nói riêng và giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai Chính phủ Việt Nam-Lào nói chung; khẳng định Việt Nam luôn coi công tác hoàn thiện thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược theo đúng tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Lào trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, nhất là thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, phía Lào tăng cường cử thêm sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh sang đào tạo luật tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hoàn thiện thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cộng đồng người Việt tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) đoàn kết, cùng phát triển
Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào): Hợp tác phát triển thương mại biên giới
Top