Ngành phần mềm phải là hạt nhân để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế số

2025-01-17 18:45:17
ictnews Kêu gọi các doanh nghiệp phần mềm nghĩ lớn, nghĩ khác để góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc, người đứng đầu Bộ TT&TT cho rằng ngay với vị trí, sứ mệnh của ngành cũng cần nghĩ khác: phần mềm phải là hạt nhân để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế số.
Doanh nghiệp phần mềm cần quay về cái nôi Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam | Ngành phần mềm phải là hạt nhân để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế số

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm thay vì chủ yếu gia công phần mềm xuất khẩu, cần quay về dùng công nghệ giải những bài toán thực tế tại Việt Nam, từ đó mang sản phẩm đã làm tốt ở Việt Nam ra thế giới (Ảnh minh họa)

Sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để sáng tạo sản phẩm

Tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ TT&TT lần đầu tiên tổ chức ngày 9/5/2019, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT&TT đã thêm một lần nữa khẳng định cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, xu thế chuyển đổi số chính là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hoá khát vọng hùng cường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. “Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì điều đầu tiên là phải làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao”, Thủ tướng nói

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Sau 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc Việt Nam có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo làm ra các sản phẩm công nghệ Việt. Việt Nam cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để phát triển doanh nghiệp công nghệ. "Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất” chính là tuyên bố của chúng ta”.

Tinh thần, định hướng phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với slogan “Make in Vietnam” cũng đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong phát biểu khai mạc Diễn đàn. Theo Bộ trưởng, công nghệ chính là câu trả lời chung cho những trăn trở về tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

“Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp phần mềm cần quay về dùng công nghệ giải các bài toán Việt Nam

Trước đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) mở rộng đầu xuân 2019 được tổ chức hồi cuối tháng 2, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng muốn giải được bài toán Việt Nam, muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc thì chúng ta phải dám nghĩ lớn và có ước mơ lớn.

Doanh nghiệp phần mềm cần quay về cái nôi Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam | Ngành phần mềm phải là hạt nhân để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang kinh tế số

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam mở rộng đầu Xuân 2019 (Ảnh: mic.gov.vn)

Nhấn mạnh thay đổi đất nước chính là các doanh nghiệp,  Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp có nguồn lực lớn hãy nghĩ mình có thể thay đổi Việt Nam. “Khi doanh nghiệp nghĩ mình có một sứ mạng lớn lao, mình sẽ thay đổi Việt Nam để Việt Nam không nhược tiểu và trở thành cường quốc, những cản trở nhỏ doanh nghiệp có thể vượt qua khá dễ dàng”, Bộ trưởng nói.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng, ai cũng cho rằng doanh nghiệp phần mềm là những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo nhưng trên thực tế lại không bằng doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản đó (Vingroup - PV) khi chuyển sang làm công nghệ đã có cách tiếp cận khác hẳn, rất cách mạng về công nghệ. Đã đến lúc thay vì tiếp tục đi xin các cơ chế ưu đãi thuế, doanh nghiệp phần mềm cần chọn những việc giá trị cao mà làm, đóng thuế để xây dựng đất nước. Và vì chúng ta phải đóng thuế như bất kỳ doanh nghiệp nào khác nên chúng ta bắt buộc phải nâng cao năng suất lao động.

Nhấn mạnh triết lý: ai lớn lên, trưởng thành cũng phải đi từ một cái nôi mà nôi tốt nhất chính là nhà mình, nước mình, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, các doanh nghiệp phần mềm cần đi từ câu chuyện làm sản phẩm trong nước, giải bài toán Việt Nam, coi Việt Nam là cái nôi để từ đó đi ra quốc tế.

Nhận định việc các doanh nghiệp tìm việc dễ để làm là hoàn toàn đúng, song Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Qua 20, 30 năm mà vẫn tiếp tục đi làm cái dễ thì lại không đúng nữa. FPT trưởng thành rồi mà vẫn tiếp tục làm thuê, vẫn tiếp tục làm gia công phần mềm thì không còn đúng. FPT hãy mang tri thức tích lũy được trong 20 năm vừa qua về Việt Nam, giải bài toán Việt Nam, tạo thành giải pháp, sản phẩm Việt Nam và từ đấy đi ra thế giới. Ra đi là để quay về. Đó là cách chúng ta giải bài toán trưởng thành, bài toán thương hiệu”.

Đối với doanh nghiệp phần mềm, theo Bộ trưởng, để giải quyết câu chuyện “What to do” mà chỉ nghĩ đến coding, gia công phần mềm cho nước ngoài thì dễ bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Hiện giờ là lúc doanh nghiệp phải nghĩ đến sản xuất ra các sản phẩm của Việt Nam, dùng để giải quyết vấn đề của Việt Nam, coi Việt Nam là cái nôi để từ đó đưa sản phẩm Việt Nam ra quốc tế.

“Chúng ta phải tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ nghĩa là dùng công nghệ để giải các bài toán, công nghệ ở đây là công nghệ số, trong đó có CMCN 4.0. Việt Nam ở đây nghĩa là sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam để đưa ra quốc tế. Một ví dụ cụ thể, khi chuyển hướng từ gia công phần mềm lên phát triển sản phẩm Việt Nam thì doanh thu trên mỗi một lập trình viên sẽ tăng vọt từ 25.000 USD lên 57.000 USD”, Bộ trưởng lý giải.

Bộ trưởng cũng cho rằng, muốn vậy chúng ta cần có những suy nghĩ khác và cách làm khác mang tính cách mạng về công nghệ để làm sao hội tụ tinh hoa thế giới về đây, đưa Việt Nam trở thành hub kết nối, làm sao để công nghệ số hội tụ về với Việt Nam. Nếu Việt Nam tạo ra việc có giá trị cao, tạo cảm hứng và trả lương cao thì Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của thế giới.

Ngay với vai trò, sứ mệnh của ngành phần mềm, theo Bộ trưởng, giờ cũng cần phải nghĩ khác. Phần mềm giờ không phải là phần mềm quản trị nhân sự mà chính là con chip, là bộ não của bất cứ thiết bị công nghệ nào. Hay trước đây, chúng ta thường nghĩ công nghiệp phần mềm là một bộ phận của ngành ICT và ngành ICT là một bộ phận của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng công nghiệp phần mềm sẽ là hạt nhân để chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế số thì chúng ta không còn là một bộ phận của nó nữa, khi đó chúng ta sẽ thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, thay đổi toàn bộ cơ cấu nền kinh tế. “Sứ mạng khác, nhiệm vụ khác, tầm nhìn khác và công việc cũng sẽ khác”, Bộ trưởng nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng chia sẻ: “Chúng tôi đã đúc kết, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của sự sáng tạo không giới hạn. Sự sáng tạo không giới hạn thì chỉ phụ thuộc vào cái bạn nghĩ. Bạn dám nghĩ như thế nào và bạn thực hiện nó. Cách làm sẽ phải bài bản và sẽ phải tập trung vào cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Còn nếu như doanh nghiệp chỉ tập trung vào thương mại để kiếm lợi nhuận thì sẽ không thể tạo ra nhân lực về R&D”.

Trao đổi với ICTnews, đại diện Công ty Tinh Vân nhận định chiến lược Bộ TT&TT đưa ra cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm thay vì chú trọng làm gia công phần mềm xuất khẩu cần quay về dùng công nghệ giải những bài toán thực tế tại Việt Nam là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đại diện Tinh Vân cũng cho rằng: “Để thực hiện chiến lược, định hướng mới này Nhà nước cần có chính sách thu hút người tài về Việt Nam”.

Nguồn bài viết : TK giải đặc biệt

Top