HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH

2025-01-15 20:09:36

Chiều 1/10, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã có các cuộc tiếp và làm việc với Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, Đại sứ Belarus tại Việt Nam Uladzimir Baravikou.

Tiếp Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Shovgi Kamal Oglu, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh năm nay đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước khi hai nước kỷ niệm 65 năm chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Baku; khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Azerbaijan.

Cảm ơn sự giúp đỡ chân tình và quý báu mà Nhà nước và nhân dân Azerbaijan đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sâu sắc quan hệ giữa hai đảng cầm quyền tại hai nước, góp phần củng cố và phát triển quan hệ truyền thống hữu nghị song phương Việt Nam-Azerbaijan.

Giới thiệu về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Thắng mong muốn Đại sứ Shovgi Kamal Oglu Mehdizade sẽ kết nối để các cơ sở giáo dục của Azerbaijan và Học viện triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi sinh viên, các khóa học ngắn hạn và dài hạn; đề nghị Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam quan tâm kết nối hợp tác giữa Học viện với Học viện hành chính công trực thuộc Tổng thống Azerbaijan, cũng như tìm kiếm thêm các đối tác, đơn vị, cơ quan của Azerbaijan có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của Học viện để thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng bày tỏ mong muốn Học viện và các đối tác Azerbaijan tăng cường các hoạt động hợp tác trao đổi lý luận để tìm tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế.

Cảm ơn Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Shovgi Kamal Oglu Mehdizade cho biết, Azerbaijan rất tự hào về mối quan hệ hữu nghị và những di sản lịch sử mà hai quốc gia cùng nhau thiết lập.

Đại sứ hy vọng, cùng với những hoạt động hợp tác về kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật, hai bên có thể phát triển hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời mong muốn, các cơ sở giáo dục của Azerbaijan, đặc biệt là Học viện hành chính công trực thuộc Tổng thống Azerbaijan và các đơn vị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sẽ tìm hiểu về cơ hội hợp tác, sang thăm, thực tế, nghiên cứu, làm việc, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Azerbaijan đi vào chiều sâu, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước.

Tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Belarus Uladzimir Baravikou, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, hai nước Việt Nam-Belarus có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, luôn không ngừng củng cố, phát triển.

Giới thiệu về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết Học viện hiện có mối quan hệ hợp tác với hơn 200 đối tác quốc tế trong chia sẻ tri thức toàn cầu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Học viện với các đối tác Belarus ở hai lĩnh vực trên.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đề nghị Đại sứ quán Belarus quan tâm kết nối hợp tác giữa Học viện với các đối tác là các đại học, học viện, các viện nghiên cứu khoa học xã hội, quốc tế của Belarus để thiết lập các cơ chế hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi lý luận liên quan đến các vấn đề thế giới và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Chia sẻ với các ý kiến đề xuất hợp tác của Giám Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ Uladzimir Baravikou khẳng định Đại sứ quán Belarus sẵn sàng tham gia hỗ trợ, kết nối các chương trình hợp tác nghiên cứu, trao đổi lý luận và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa hai nước, trong đó có Viện Nghiên cứu chiến lược Belarus với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh./.

Hợp tác thương mại Việt Nam-Belarus: Bắt đầu từ những chiếc Minsk, gạo, cao su

Người dân Việt Nam đã quen thuộc với xe Minsk đã xuất hiện từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Trong khi đó, người dân Belarus cũng quen thuộc với gạo, cao su, thiết bị điện tử từ Việt Nam.

(TTXVN/Vietnam+)
Top