HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH

2025-01-15 20:27:52

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2024), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có bài viết "79 năm Ngoại giao Việt Nam: Phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước."

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:

Mỗi khi tháng Tám về, chúng ta lại có dịp kỷ niệm những ngày thu cách mạng lịch sử của đất nước. Hòa chung không khí tươi vui đó, mỗi cán bộ, nhân viên ngành Ngoại giao đều tự hào hướng đến ngày thành lập ngành ngoại giao 28/8/1945.

Trong suốt 79 năm trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, ngoại giao Việt Nam luôn phát huy truyền thống vẻ vang, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ngoại giao phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc

Trong 79 năm qua, ngoại giao đã để lại những dấu ấn quan trọng trong những trang lịch sử hào hùng của đất nước.

Trong những buổi đầu lập quốc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối, trên cơ sở các nguyên tắc "dĩ bất biến ứng vạn biến" và với những sách lược táo bạo, khôn khéo như "hòa để tiến," "phân hóa kẻ thù," Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9 đã góp phần bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ, giúp cách mạng nước ta vượt qua những tình huống hiểm nghèo.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đối ngoại, ngoại giao đã tranh thủ sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo dựng mặt trận quốc tế rộng lớn ủng hộ sự nghiệp giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hội nghị Geneva về Đông Dương tại Thụy Sỹ (1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cùng với những thắng lợi trên mặt trận quân sự, những thắng lợi của mặt trận đối ngoại, ngoại giao trên bàn đàm phán ở Geneva năm 1954 và Paris năm 1973 là những mốc son trên chặng đường giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà.

Sau khi đất nước thống nhất, đối ngoại, ngoại giao là mặt trận tiên phong tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bị bao vây cấm vận về kinh tế và cô lập về chính trị.

Đồng thời đối ngoại, ngoại giao đi đầu trong việc khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng mở ra cục diện mới phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.

Ngoại giao trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, trong gần 40 năm đổi mới, công tác đối ngoại, ngoại giao đã đạt được "những kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" như đánh giá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tháng 12 năm 2023, góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại rộng mở, thành công của đất nước.

Quan hệ ngoại giao không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới.

Việt Nam được Liên hợp quốc ghi nhận vai trò tiên phong trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và thúc đẩy quyền con người. Việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt, quan trọng cùng các hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đã góp phần tạo nên tầm vóc chiến lược mới, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững của các mối quan hệ.

Đối ngoại, ngoại giao đa phương đã trưởng thành mạnh mẽ, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Không chỉ tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như ASEAN, APEC,… ngoại giao còn hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế tại các cơ chế quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO…

Đặc biệt đối ngoại, ngoại giao đã chủ động, tích cực đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến, tham gia vào giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới, tham gia ngày càng sâu vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ cứu nạn quốc tế.

Diễn tập đánh giá năng lực của quân nhân Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc

Trong phục vụ phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với việc huy động nguồn lực quan trọng cho phát triển như FDI, ODA, đối ngoại, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết, tham gia các thỏa thuận, khuôn khổ kinh tế quan trọng.

Đồng thời, ngành ngoại giao đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong thúc đẩy hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, xã hội, văn hóa, khoa học-công nghệ..., đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới.

Cùng với quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ngoại giao đã góp phần thực hiện nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên" là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình từ sớm, từ xa.

Chúng ta đã nỗ lực để cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chúng ta đã đấu tranh kiên quyết, kiên trì, kịp thời, hiệu quả đối với hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta trên biển; đồng thời chủ động, tích cực thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những vấn đề tồn tại, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tích cực tham gia xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã góp phần đưa "sức mạnh mềm" Việt Nam, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài góp phần thực hiện chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, củng cố đại đoàn kết dân tộc, huy động nhiều nguồn lực của cộng đồng cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta cũng đã thực hiện tốt việc bảo hộ công dân ta ở nước ngoài, nhất là khi xảy ra xung đột, chiến tranh, dịch bệnh trên thế giới.

Ngoại giao trong thời đại mới

Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến chuyển lớn, cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao thời gian tới là tranh thủ tối đa và tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, đưa đất nước vào dòng chảy của thời đại, tạo đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và 2045 mà Đại hội XIII đã đề ra.

Bước vào "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam," trên cơ sở nghiêm túc tổng kết những bài học đối ngoại của 40 năm đổi mới và trước bối cảnh tình hình mới và các vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, tham mưu, xây dựng những giải pháp mới bổ sung cho đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu là "bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên" [1].

Là động lực quan trọng cho đổi mới, ngành Ngoại giao xác định sẽ không ngừng phấn đấu để vừa phục vụ đắc lực các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, vừa góp phần xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta sẽ tiếp tục nâng tầm, nâng cấp và tranh thủ tối đa cơ hội từ các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương thức, các kênh đối ngoại như ngoại giao cấp cao, ngoại giao chuyên ngành, đối ngoại địa phương, các kênh học giả và doanh nghiệp…; tham gia chủ động, có trách nhiệm hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực; thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt của đối ngoại đa phương trong những vấn đề, cơ chế quan trọng có tầm chiến lược.

Đặc biệt chúng ta cũng sẽ dành ưu tiên cao cho công tác xây dựng ngành, xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và lý tưởng của Đảng.

Cùng với đó, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm đối ngoại, các trụ cột đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhân dân, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và lợi thế đặc thù của mỗi trụ cột trong chỉnh thể thống nhất của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp.

Phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn trong 79 năm qua và hướng tới mốc lớn kỷ niệm 80 năm thành lập ngành, tiếp bước tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

------

[1] Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại cuộc họp ngày 13/8/2024 của Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14 của Đảng.

Mốc son của ngoại giao Việt Nam

Cùng Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Geneva 1954 là mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

(TTXVN/Vietnam+)
Top