Giá trị đặc sắc của "ngoại giao cây tre Việt Nam" |
"Ngoại giao cá" làm sâu sắc quan hệ Nhật Bản - Indonesia |
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Bắc Kinh đã coi gấu trúc là biểu tượng của tình bạn và thiện ý khi nước này bước ra thế giới. Lần đầu tiên, Trung Quốc chọn gấu trúc làm quà ngoại giao là vào năm 1957. Bắc Kinh đã tặng một cá thể mang tên Ping Ping cho Liên Xô khi đây là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
Hai năm sau, Trung Quốc gửi thêm một chú gấu khổng lồ An An sang Liên Xô để Ping Ping có cặp.
Tháng 1/1972, vài tháng sau khi Tổng thống Richard Nixon tới thăm Trung Quốc để bình thường hoá quan hệ song phương, Bắc Kinh đã gửi tặng Mỹ cặp gấu Hsing Hsing và Ling Ling. Đáp lại cử chỉ ngoại giao này, Tổng thống Nixon đã tặng Trung Quốc cặp bò xạ hương.
Tháng 9/1973, hai chú gấu trúc khác là Yen Yen và Li Li được tặng cho Pháp nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Georges Pompidou.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau với cặp gấu trúc song sinh Jia Thumper và Jia Yueyue tại Vườn thú Toronto, tháng 3/2017(Ảnh:Twitter/Justin Trudeau). |
Trung Quốc tiếp tục đưa gấu trúc vào nghệ thuật ngoại giao theo hình thức tặng đến năm 1980. Trong thời gian này, ước tính có 23 con gấu trúc đã được gửi tới 9 quốc gia bao gồm Pháp, Anh, Nhật Bản…
Từ đầu năm 1980, Trung Quốc không thể tiếp tục duy trì chính sách trao tặng vì số lượng cá thể gấu trúc giảm mạnh, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Chính phủ Trung Quốc đã chuyển từ hình thức tặng quà sang cho mượn.
Theo Channel New Asia, mỗi cặp gấu thường được cho mượn theo thời hạn 10 năm/một lần. Các quốc gia nhận gấu trúc của Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chăm sóc, nuôi dưỡng đồng thời chi trả tới 1 triệu USD/năm cho đặc quyền này.
Đó là chưa kể nhiều loại phí đáng kể khác nếu cặp gấu trúc sinh con trong thời gian còn thỏa thuận. Nhìn chung, các cặp gấu trúc thường được đưa về nước sau khi hết hạn 10 năm còn các chú gấu con sẽ được đưa về ngay trong 4 năm đầu tiên để tham gia vào chương trình nhân giống quốc gia.
Qua chương trình cho mượn ngoại giao, gấu trúc đã được đưa tới 20 quốc gia. Lần gần đây nhất là tới công viên Copenhagen của Đan Mạch năm 2019. Các quốc gia nhận quà cũng được hưởng lợi lớn qua việc mở cửa cho khách tham quan gấu trúc.
Trong những năm gần đây, theo Channel New Asia, những thoả thuận tặng/cho mượn gấu trúc không chỉ phản ánh mối quan hệ ngoại giao song phương tốt đẹp mà còn trùng vào thời điểm Bắc Kinh và nước đối tác đạt những sự kiện/kết quả thương mại lớn.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã tặng gấu trúc tới Canada, Pháp và Australia sau khi đạt được thoả thuận song phương với các nước này về xuất khẩu Uranium.
Hay khi Trung Quốc gia hạn thoả thuận cho mượn gấu trúc với Thái Lan sau thời điểm hoàn tất thoả thuận thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc vào năm 2010.
Đặc biệt, số lượng gấu trúc được cho mượn tăng cao kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức cũng như khi Bắc Kinh tăng cường tham vọng “bước ra thế giới”.
Nhà văn và học giả Lin Wen-cheng đánh giá: “Các sinh vật đáng yêu này có thể dễ dàng thuyết phục trái tim của người nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng như tạo thiện cảm tốt hơn cho Trung Quốc”.
Hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã có nhiều chính sách bảo vệ gấu trúc. Trong đó 13 khu bảo tồn đã được phân định trên diện tích 2,58 triệu ha với việc trồng lại rừng và trồng tre ồ ạt. Ngoài ra, nông dân sống gần những nơi này nhận được trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc, đổi lại họ cam kết không sử dụng phân bón hóa học hoặc thuốc trừ sâu. Thống kê của Bộ Môi trường Trung Quốc công bố vào năm 2021 cho biết, có 1.864 con gấu trúc đang sống trong môi trường tự nhiên. So với năm 1980 khi chỉ có 1.114 cá thể trong tự nhiên được quan sát thấy ở Tứ Xuyên, con số này đã tăng nhẹ. Năm 2021, Trung Quốc xếp gấu trúc khổng lồ vào danh sách “loài dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), nơi có biểu tượng là gấu trúc, tiếp tục khẳng định động vật khổng lồ này “vẫn là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới”. |
Nhà báo Indonesia đề cao chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam |
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Học Bác cách hóa giải “ca khó” trong ngoại giao |