HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH

Cuộc thi Kỷ vật kể chuyện: Nhiều câu chuyện xúc động về tình nghĩa Việt - Lào

2024-12-20 19:26:33
Phát động cuộc thi “kỷ vật kể chuyện” nhân kỷ niệm 60 năm hữu nghị Việt Nam - Lào
Tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia: Lời kể của những hiện vật

Được phát động từ ngày 9/5/2022, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân hai nước. Trên Diễn đàn của nhóm Cựu chiến binh sư đoàn 968, cựu chiến binh Bùi Thượng Toản nhắn nhủ: |

“Các đồng đội thân mến!

Chúng ta từng có thời gian gắn bó với đất nước Lào anh em, có nhiều hiện vật của những năm tháng đó đang được nâng niu cất giữ. Chúng ta hãy để chúng lên tiếng, bằng việc tham gia Cuộc thi Kỷ vật kể chuyện”.

Bạn đọc Minh Quế (Câu lạc bộ Tình Việt Lào anh em) cho rằng:“Kỷ vật kể chuyện là cuộc thi thiết thực, sâu sắc, hấp dẫn. Cuộc thi không chỉ gợi nhắc câu chuyện của riêng những người lính mà còn của mọi người dân Việt Nam và Lào, đặc biệt là những người có kỷ vật, kỷ niệm sâu sắc về mối quan hệ Việt – Lào”.

Trên kênh fanpage Cuộc thi, https://www.facebook.com/60namvietlaothoidai/, các bài đăng đều nhận được hàng nghìn lượt like, share của người dân hai nước chỉ sau thời gian ngắn đăng tải. Ảnh chụp màn hình fanpage Cuộc thi.

Sau gần 2 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được hàng trăm bài dự thi của các tác giả người Việt Nam và người Lào ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiều lực lượng, lứa tuổi... Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động về tình nghĩa Việt Nam - Lào, về tình cảm thủy chung, son sắt, nồng ấm và gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc.

Tấm bằng khen chưa kịp trao của Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam dự kiến tặng cho ông Bounma Xaiyakoung (Bounma) -Nguyên Chánh văn phòng UB huyện Sê Pôn, Savannakhet, Lào. Ảnh: NVCC.

Tác giả Vũ Trình Tường, Trưởng Ban lịch sử truyền thống, Hội Trường Sơn Việt Nam (Hội) kể: Năm 2014, Chủ tịch Hội quyết định tặng Bằng khen cho ông Bounma do đã có nhiều thành tích trong giúp đỡ Hội Trường Sơn khảo sát, bảo vệ các Di tích Đường Trường Sơn. Ông và Phó Chủ tịch Hội – Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Tòng đã mang tấm bằng khen sang Sê Pôn định trao cho Bounma. Tuy nhiên, theo quy chế ở Lào, cán bộ muốn nhận khen thưởng phải xin phép lãnh đạo tỉnh. Khi gặp Phó Chủ tịch tỉnh Savannakhet là ông Khăm Phới, ông nói: “Bounma tốt lắm, rất xứng đáng được khen thưởng. Nhưng Bounma vừa được bổ nhiệm làm Phó Bí thư đảng ủy huyện Se Pôn, đang trong thời gian thử thách. Hãy chờ một thời gian, khi các di tích Đường Hồ Chí Minh được tôn tạo hãy giao một thể". Từ đó đến nay ông Vũ Trình Tường vẫn chưa có dịp trao tấm bằng khen đó.

Các Huân chương được Đảng, Nhà nước Lào,Việt Nam trao trặng ông Phạm Văn Chuyên, người lái xe Đoàn 959. Ảnh: Trường Hùng.

Trong khoảng hơn 10 năm lái xe hỗ trợ cách mạng Lào, ông Phạm Văn Chuyên (SN 1937, Tân Tiến, Hưng Hà, Thái Bình) không nhớ nổi số chuyến đi đã thực hiện. Ngoài đưa đón các chuyên gia người Việt từ các tỉnh thành Việt Nam sang hỗ trợ cách mạng Lào ở các tỉnh Thượng Lào (Xiêng Khoảng, Phongsaly, Hủa Phăn, Luông Pha Băng) và các tỉnh Nam Lào, ông Chuyên còn làm nhiệm vụ lái xe tải vận chuyển nhu yếu phẩm từ Việt Nam sang.

Với những đóng góp cho cách mạng Lào, ông đã được Đảng, Nhà nước Lào trao tặng những huân huy chương cao quý như: Huân chương Chiến thắng hạng Nhất (Xalalot); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ; Huy chương Anh dũng chống Mỹ. Trong đó, cao quý nhất là Huân chương Issara hạng Nhất (Huân chương Tự do). Về phía Nhà nước Việt Nam, ông được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất “Vì đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”... Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những kỷ vật này được ông Chuyên lưu giữ cẩn thận như vật báu trong một chiếc hòm gỗ vốn là hòm đựng đạn pháo, cũng là kỷ vật ông mang từ chiến trường Lào về.

Chiếc áo dài được một người mẹ Việt Nam tặng cho Xanita Savengxok Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Thế giới Lào 2019. Ảnh: NVCC

Xanita Savengxok chia sẻ: "Chiếc áo dài được một người mẹ Việt Nam tặng và trở thành sợi dây kết nối tình yêu của tôi với Việt Nam ngày càng sâu đậm hơn"...

Theo Ban tổ chức cuộc thi, tình hữu nghị Lào - Việt Nam đã trường tồn và không ngừng phát triển bởi ý nguyện của nhân dân hai nước. Tình hữu nghị đó được xây dựng và bồi đắp từ mạch nguồn văn hóa và tâm hồn của hai dân tộc, được nuôi dưỡng từ quá khứ đến hiện tại và không ngừng khát vọng vươn tới tương lai.

Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” có mục tiêu tìm lại và tập hợp những kỷ niệm, hiện vật đơn sơ, nhỏ bé hoặc xưa cũ nhưng chứa đựng, lưu giữ những giá trị vô giá của tình cảm và lịch sử quan hệ nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, đồng thời tạo một không gian hữu nghị chung của nhiều thế hệ...

Cuộc thi sẽ tiếp tục nhận bài tham gia dự thi của các tác giả.

CÁCH GỬI BÀI DỰ THI

- Đối với bản mềm (file word)

+ Tác giả gửi trực tiếp vào mục Gửi bài dự thi trên trang website cuộc thi http://60namvietlao.thoidai.com.vn/.

+ Gửi vào địa chỉ email tạp chí Thời Đại: [email protected].

- Đối với bản giấy:

+ Tác giả gửi tới địa chỉ: Tạp chí Thời Đại, số 61 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội; Điện thoại +84-24-39445396. Phong bì ghi rõ Tác phẩm tham dự cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện”.

- Tác giả muốn gửi kỷ vật đến Ban Tổ chức để trưng bày tại lễ trao giải thì gửi qua đường bưu điện hoặc các dịch vụ vận chuyển đến Ban Tổ chức theo địa chỉ: Số 61 Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội; Điện thoại 84-24-39445396; Hotline: 097.681.2201.

Thông tin liên hệ với Ban Tổ chức:

Tiếng Việt: Bà Phạm Thị Hưng - Trưởng ban Nội dung, tạp chí Thời Đại; điện thoại: +84.97.681.2201 hoặc bà Phạm Thị Hải, điện thoại: +84.96.634.7288.

Tiếng Lào: Ông Vũ Văn Sự, điện thoại: +84.96.962.1927.

Lưu học sinh Lào trải nghiệm Lào Cai: Ấn tượng khó phai
Tiếp tục vun đắp mối quan hệ vĩ đại Việt Nam - Lào
Top