HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH

Nhiều tư liệu, hình ảnh quý về ông Lê Văn Hiến - vị Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Lào

2024-12-20 19:44:11

Ra mắt sách “Lê Văn Hiến- Đại sứ Việt Nam tại Lào”.

Cuốn sách gồm 132 trang, ghi lại một phần hoạt động ngoại giao của ông Lê Văn Hiến trong giai đoạn 15 năm (1962-1976 ) trên cương vị là Đại sứ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước CHXHCN Việt Nam tại Lào. Cuốn sách gồm 3 phần, nội dung giới thiệu về cuộc đời Đại sứ Lê Văn Hiến, thời gian hoạt động và những thông tin liên quan quá trình Đại sứ Lê Văn Hiến ở Lào.

Đặc biệt trong đó có nhiều tư liệu quý, là ghi chép riêng của Đại sứ Lê Văn Hiến về các sự kiện xảy ra trong 15 năm ông hoạt động tại Lào mà phần nhiều chưa được công bố rộng rãi. Cuốn sách cũng đăng một số bài viết, những đánh giá, nhận xét của nguyên lãnh đạo cấp cao Lào, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, liên quan đến cuộc đời hoạt động và những đóng góp của Đại sứ Lê Văn Hiến đối với cách mạng Việt Nam, cách mạng Lào và mối quan hệ hai nước Việt Nam - Lào.

Cuốn sách cung cấp những tư liệu quý về giai đoạn lịch sử đầy biến động của Lào những năm 1960 - 1975 của thế kỷ trước, khi lực lượng cách mạng yêu nước Lào do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo và Hoàng thân Souphanouvong là người đại diện, kiên trì con đường đấu tranh thống nhất đất nước.

Tác giả đã dày công nghiên cứu nhiều tư liệu, hình ảnh quý về vị Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đầy đủ tài năng, đức độ, đảm nhiệm vai trò cầu nối củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, tình đồng chí anh em gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Bên cạnh đó, cuốn sách đã dựa vào những tư liệu, tài liệu thu thập được tại các trung tâm lưu trữ tư liệu, bảo tàng của cả hai nước Việt Nam và Lào liên quan đến lịch sử về quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cùng với những tác phẩm của các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao trong giai đoạn Đại sứ Lê Văn Hiến nhận nhiệm vụ ở Lào.

Tiến sĩ Singthong Singhabannha tác giả cuốn sách.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, TS Singthong Singhapanya cho biết, trong quá trình biên soạn cuốn sách, đã phỏng vấn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, bà Sunthon Saynhachac, Uỷ viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư Đảng NDCM Lào…, tất cả đều đánh giá cao về vai trò, kết quả, đóng góp của Đại sứ Lê Văn Hiến đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam.

Việc phát hành cuốn sách sẽ giúp cho người dân Lào hiểu thêm về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước Lào, có những điều mà Lào không thể tự làm được mà cần có sự giúp đỡ của bên ngoài như các nước bạn bè, đặc biệt là Việt Nam đã giúp đỡ Lào giành thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào. Những thông tin này sẽ góp phần làm cho các thế hệ sau hiểu kỹ hơn và tiếp tục có những đóng góp vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Lào và Việt Nam.

- Ông Lê Văn Hiến sinh năm 1904 và mất năm 1997, quê ở Đà Nẵng.

- Năm 1928, ông tham gia tổ chức Hội Thanh niên Cách mạng Đồng chí và Tỉnh uỷ đầu tiên của tổ chức này cùng vợ là Thái Thị Bôi. Sau đó, 2 vợ chồng Lê Văn Hiến đi tù với tội danh “hoạt động cộng sản”.

- 1936 ông ra tù và tham gia Đảng Xã hội của Pháp chi nhánh Đông Dương.

- Ông bị bắt vào tháng 2/1938, ra tù đầu năm 1945, sáng suốt đưa ra chủ trương “thương lượng” với Nhật để tạo cơ hội cho cách mạng thành công.

- Ông là Bộ trưởng Bộ Lao động trong 6 tháng của Chính phủ Lâm thời (8/1945 - 3/1946), Bộ trưởng Bộ Tài chính trong 12 năm liên tục (1946-1958)

- Ông từng mang hàm bộ trưởng, đại sứ, phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Quốc gia (tiền thân của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Kế hoach và Đầu tư); được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội các hoá I,II,III và cuối đời được các bậc lão thành tín nhiệm đứng đầu Câu lạc bộ Thăng Long.

- Ông là Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Lào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vương Quốc Lào vào năm 1962.

Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực từ 15/2
Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, VUFO, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào thăm Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Top