HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀNH

Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - người đi kiến tạo những mùa xuân

2024-12-20 19:47:35
Sứ quán Việt Nam tặng quà gia đình gốc Việt sau vụ hoả hoạn ở Phnom Penh
Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại Việt Nam: Trở lại Quảng Trị chuộc lỗi
Thiếu tá Đông (thứ 2 từ phải sang) làm phiên dịch viên trong buổi làm việc của phái đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng dẫn đầu với Phó Tổng thống Nam Sudan James Wani Igga

Giây phút chia tay dù không nói nên lời nhưng họ đều hiểu chuyến đi này mang theo sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và quân đội đã tin tưởng giao phó. Họ gói lại niềm riêng, động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Hậu phương vững chắc

Chiều 20/11/2018, Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước về việc cử 2 sĩ quan quân đội lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan. Theo quyết định này, cùng với một đồng đội khác, đại úy (nay là thiếu tá) Nguyễn Phúc Đông công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) được cử làm quan sát viên quân sự tại Nam Sudan. Anh vinh dự là sĩ quan đầu tiên người Hải Dương được nhận nhiệm vụ quan trọng này.

Anh Đông sinh năm 1986, ở thôn Lang Can, xã Thanh Lang (Thanh Hà, Hải Dương). Ngay từ nhỏ, anh mơ ước được phục vụ trong quân đội. Năm 2004, anh thi đỗ vào Học viện Hậu cần. Năm 2009, với thành tích học tập tốt, anh được giữ lại làm giảng viên của trường. Sau thời gian công tác, anh được trường cử đi đào tạo chỉ huy tham mưu và thạc sĩ tại Hoa Kỳ.

Với mong muốn cống hiến nhiều hơn cho quân đội và được làm việc, tiếp xúc với môi trường quốc tế, năm 2017 anh Đông đã thi tuyển và vào làm việc tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng). Sau gần một năm công tác tại đơn vị mới, anh Đông đăng ký, thi tuyển và được lựa chọn là một trong hai sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan vào cuối năm 2018.

Làm việc trong môi trường quốc tế, thành thạo ngoại ngữ là điều rất quan trọng. Mặc dù không theo học chuyên ngành ngoại ngữ nhưng trình độ tiếng Anh của anh Đông luôn được chỉ huy các cấp đánh giá cao. Ngoài việc nỗ lực tự học, bên cạnh anh luôn có một người "thầy" chính là vợ anh-giảng viên dạy môn tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngày anh lên đường sang Nam Sudan cũng là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chia tay gia đình với tâm trạng ngổn ngang, bởi anh hiểu vợ sẽ phải vất vả hơn nhiều. Ngày đi, đứa con lớn của anh Đông mới 5 tuổi, còn đứa nhỏ vừa tròn 6 tháng. Vợ anh vừa phải hoàn thành nhiệm vụ “trồng người”, vừa làm mẹ, thay trách nhiệm của người cha.

Nhiệm vụ nguy hiểm

Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông (đứng giữa), sĩ quan quân đội đầu tiên người Hải Dương thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (Ảnh: Baohaiduong)

Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông (đứng giữa), sĩ quan quân đội đầu tiên người Hải Dương thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới, được tuyên bố độc lập vào năm 2011. Tình hình chính trị tại đây không ổn định do sự bất đồng giữa một bên là lực lượng quân chính phủ của Tổng thống đương nhiệm và một bên là phe đối lập của Phó Tổng thống. Nguy cơ xung đột vũ trang, bạo lực, nạn cướp bóc gia súc là những vấn đề an ninh nổi cộm ở đất nước châu Phi này. Không những thế, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Thời tiết nắng nóng có thể lên tới 50 độ C, còn những ngày mưa thì trắng trời, lở đất.

“Mặc dù đã tìm hiểu nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng khi đặt chân đến đất nước này. Khung cảnh tan hoang, hạ tầng, phương tiện giao thông không có. Nhà ở của người dân là những mái lều tạm bợ, lụp xụp giữa đồng không mông quạnh. Quốc gia non trẻ đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc nội chiến”, anh Đông kể.

Sau khi hoàn tất các thủ tục tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ (UNMISS), thiếu tá Nguyễn Phúc Đông được đảm nhiệm vai trò Trưởng bộ phận tác chiến phòng quan sát viên quân sự, đồng thời kiêm chức danh sĩ quan liên lạc cấp cao làm việc tại Trung tâm Tác chiến hỗn hợp thực địa phân khu đông thuộc bang Jonglei của Nam Sudan. Kinh tế ở bang Jonglei chủ yếu phụ thuộc vào chăn thả gia súc và trồng một số cây lương thực ngắn ngày. Người dân sống trong cảnh thiếu lương thực, phải trông chờ nguồn hỗ trợ từ LHQ và ở nhờ trong các trại bảo vệ thường dân. Phần lớn trẻ em không được đến trường và bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Nhiệm vụ của người lính gìn giữ hòa bình LHQ là bảo vệ thường dân; kiến tạo môi trường thuận lợi cho hỗ trợ nhân đạo; giám sát, điều tra vi phạm nhân quyền và hỗ trợ thực thi tiến trình hòa bình. Trong thời gian làm việc tại Nam Sudan, anh Đông đã tham gia nhiều cuộc tuần tra dài ngày bằng đường không, đường bộ và đường sông với chiều dài vài trăm km mỗi lần.

Anh kể, có những cuộc tuần tra dài ngày, lương thực đem theo chỉ có hai can nước và đồ ăn sẵn. Cũng có những đợt tuần tra đường bộ, cả đoàn phải thay nhau đẩy xe vì đường đất gập ghềnh, không xe nào chạy được. Không những thế, hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan gặp nhiều khó khăn do các lực lượng thường xuyên bất hợp tác, thậm chí có hành động gây khó khăn, cản trở thực hiện nhiệm vụ. “Rất nhiều lần tôi cùng đồng đội đối mặt với nguy hiểm cận kề”, anh Đông nhớ lại.

Tháng 4/2019, trong cuộc tuần tra đường bộ, trên đường đi, đoàn bị một chiếc xe ô tô tải chắn ngang đường. Một người dân bản địa cầm khẩu súng AK đã lên đạn bước tới thông báo xe của anh ta hết xăng và yêu cầu được cung cấp xăng để đi tiếp. Sau khi trưởng đoàn thông báo không thể đáp ứng yêu cầu, khẩu súng AK của người kia đã chĩa thẳng vào lực lượng tuần tra, chỉ chờ bóp cò. Lúc này, nếu lực lượng gìn giữ hòa bình không khéo léo xử lý sẽ xảy ra xung đột vũ trang giữa hai bên.

Trước tình thế căng thẳng, anh Đông tiến đến gần người dân kia hỏi thăm tình hình. “Người đó chia sẻ rằng mình đang bị thế lực bản địa khác truy đuổi. Cuộc sống của anh ta gặp nhiều khó khăn. Tôi đã phân tích cho anh ta hiểu, nhiệm vụ, trách nhiệm của LHQ khi có mặt tại Nam Sudan. Đồng thời, giải thích xăng là mặt hàng rất hiếm ở đây, LHQ không thể cung cấp cho người dân. Sau đó, người dân ấy cũng hiểu ra và chủ động nhường đường cho đoàn tuần tra của LHQ”, anh Đông nhớ lại.

Đất nước Nam Sudan đã bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến (Ảnh: Baohaiduong)

- Có khi nào lực lượng gìn giữ hòa bình ở đây bị bắn không? - tôi hỏi.

- Có chứ - anh Đông trả lời rất nhanh rồi kể tiếp - Trước khi tôi sang nhận nhiệm vụ một tháng, đồng đội của tôi đã bị bắn tỉa và hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Người sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kết quả ra sao cũng sẽ làm tròn nhiệm vụ, trọng trách được giao phó.

Mặc dù luôn phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng mọi khó khăn chưa khi nào ngăn được quyết tâm cống hiến và trái tim khát khao gìn giữ hòa bình của người sĩ quan trẻ.

Kiến tạo những "mùa xuân"

Ngày 22/2/2020, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Nam Sudan đã được thành lập sau nhiều lần trì hoãn. Nam Sudan sẽ bước sang một trang sử mới với một Chính phủ đoàn kết. "Tôi cảm thấy thật ý nghĩa và vinh dự khi đã cùng đồng đội góp phần công sức nhỏ bé vào sự kiện trọng đại của đất nước Nam Sudan. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mai đây, người dân sẽ được sống trong môi trường hòa bình. Trẻ em sẽ được đến trường. Đất nước ấy sẽ không còn cảnh chia bè phái, tàn sát lẫn nhau. Cuộc sống sẽ tràn đầy yêu thương", anh Đông nói.

Việt Nam và Nam Sudan đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào tháng 2/2019. Sau đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam liên tiếp có hai chuyến thăm cấp cao tới Phái bộ UNMISS và Nam Sudan, đặt nền móng cho quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Cùng với thực hiện nhiệm vụ của LHQ, thiếu tá Đông cũng làm tròn trách nhiệm của Bộ Quốc phòng giao phó. Anh luôn chủ động nghiên cứu tình hình của Nam Sudan và Phái bộ UNMISS, từ đó có những tham mưu, đề xuất kịp thời về nước.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định: Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là nhiệm vụ đối ngoại quan trọng, góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với những chiến sĩ khác, thiếu tá Đông đã góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong thời gian làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, thiếu tá Đông đã thiết lập được các mối quan hệ tốt với một số cơ quan quan trọng trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nam Sudan, giúp bệnh viện dã chiến 2 của Việt Nam nhanh chóng được cấp phép an ninh, sớm hoàn tất các thủ tục kiểm hóa, thông quan, nhập cảnh.

Kết thúc nhiệm kỳ công tác, thiếu tá Nguyễn Phúc Đông đã được cấp trên đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được tặng huy chương Vì hòa bình, ổn định toàn cầu và bằng khen của Tư lệnh Lực lượng quân sự Phái bộ UNMISS tại Nam Sudan. Thiếu tá Đông là một trong hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam nhận được bằng khen này.

Mặc dù mới trở về từ đất nước nội chiến với bao nguy hiểm rình rập nhưng thiếu tá Đông vẫn luôn mong muốn được tiếp tục góp sức nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ hòa bình thế giới. “Tôi luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến những đất nước còn chiến tranh, bất ổn về chính trị để tiếp tục thực hiện sứ mệnh đã được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó”, anh nói.

Những sứ giả hòa bình luôn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đâu có họ, ở đó mùa xuân sẽ về!

Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại Việt Nam: Trở lại Quảng Trị chuộc lỗi

Chi hội Cựu chiến binh vì hòa bình tại Việt Nam vừa tổ chức một đoàn tham quan đến Quảng Trị với nhiều thành viên ...

Hơn 1.000 thí sinh tham gia Đại sứ hữu nghị vì hòa bình 2019

Tối 12/12, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, ...

Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam với công tác bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc

Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (Quỹ) là một tổ chức phi chính phủ, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động ĐNND, ...

Top