Hội nhập quốc tế

Chân dung Lãnh tụ Fidel Castro: Bức tranh đan trọn nghĩa tình sắt son

2024-12-21 12:30:26
Dấu ấn sâu đậm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại Quảng Trị
Chuyến xe kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên của lãnh tụ Fidel Castro tới Việt Nam
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung bên bức tranh Lãnh tụ Fidel Castro do ông đan sau ngày trở về Việt Nam.

Dù đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng sự nhanh nhẹn, hoạt bát vẫn là điểm dễ dàng nhận ra ngay lần đầu gặp Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung. Chỉ vào bức ảnh chụp chung với những người bạn Cuba thời trẻ, ông Trung say sưa kể chuyện năm xưa: “Không phải lần đầu tiên vuốt mây đan tranh lãnh tụ, nhưng đó là lần đầu tiên tôi sáng tác một tác phẩm dành tặng Lãnh tụ Fidel Castro ngay trên đất Cuba, sử dụng nguyên liệu bản địa và bằng tài năng, sức sáng tạo của người Việt Nam.”

Theo đó, năm 1983, Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung được Ủy ban Khoa học Nhà nước và Bộ Đại học cử sang Cuba làm chuyên gia hỗ trợ nước bạn về kỹ thuật làm hàng thủ công mỹ nghệ và nghiên cứu cách xử lý cây thực vật làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công. Ngoài giờ giảng dạy và nghiên cứu, sẵn trong tim một niềm tôn kính Lãnh tụ Fidel Castro từ lâu, ông quyết định đan bức chân dung Lãnh tụ và dành tặng cho nhân dân Cuba anh em.

Bức ảnh chụp cùng bạn bè Cuba ngày còn trẻ được ông Trung giữ gìn cẩn thận.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Với những người thế hệ chúng tôi, Fidel Castro cũng như Bác Hồ vậy. Chúng tôi tôn kính Bác Hồ bao nhiêu, thì hâm mộ và yêu kính Fidel Castro bấy nhiêu. Vì thế, trong những tháng ngày ngắn ngủi được sang đất bạn nghiên cứu và giảng dạy, tôi muốn làm cái gì đó dành tặng Lãnh tụ Fidel Castro và người dân Cuba. Với cá nhân tôi, đó là đan một bức tranh”.

Nghĩ là làm, ông Trung nhờ bạn bè tìm giúp những bức ảnh của Fidel Castro để làm mẫu. Ông quyết định chọn bức chân dung Fidel đang bồng súng, bởi theo ông, bức ảnh đó thể hiện được khí phách của người anh hùng cách mạng và khí chất của người dân quốc đảo Carribe đầy hào sảng, yêu tự do.

Thế nhưng, cái khó là xưa nay ông thường dùng mây tre, nguyên liệu bản địa của Việt Nam để đan tranh – những thứ mà khó có thể tìm thấy trên đất bạn khi ấy. Và ông Trung nghĩ ngay đến việc phải tìm ra nguyên liệu thay thế.

Cũng may, nhiệm vụ của chuyên gia Nguyễn Văn Trung khi đó chính là nghiên cứu cách xử lý thực vật làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công. Vì thế, ông có cơ hội tìm hiểu các loại cây cỏ nơi đảo quốc xinh đẹp.

Lá cây Palma - hay còn được gọi là cây cau bụng (cau Sâm Panh) là "quốc cây" nơi đây, trở thành lựa chọn sáng giá nhất của ông. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông nhận thấy lá cây palma có nhiều đặc điểm có thể dùng làm nguyên liệu đan lát, hơn nữa đó lại là quốc cây của Cuba. Dùng lá cây Palma để đan thành bức tranh tặng vị Tổng tư lệnh tài ba nước bạn là điều rất ý nghĩa.

Loại cây thứ 2 ông chọn là cỏ pun-tê-rô (PV ghi lại theo cách đọc của nhân vật vì nhân vật không nhớ rõ cách viết tên loại cây này) - cũng là một loại thực vật bản địa. Cỏ pun-tê-rô mọc nhiều dưới các gốc mía, thân cứng, có thể thay cho tre, nhưng các cây cỏ lại không đồng đều, khó chọn, thêm nữa cỏ pun-tê-rô chỉ nhỏ bằng 1/4 que tăm, nên rất khó chẻ ra để vuốt thành sợi. Sau không ít lần thất bại, nhờ đôi bàn tay khéo léo của một nghệ nhân giàu kinh nghiệm, ông Trung cuối cùng cũng đã chẻ nhỏ được cỏ pun-tê-rô tạo sợi dùng để đan tranh.

Tìm được nguyên liệu bản địa thay thế đồng nghĩa với việc cơ hội thành công đến gần hơn. Nhưng trên thực tế, việc đan thành công một bức chân dung chưa bao giờ là đơn giản, bởi lẽ xử lý nguyên liệu cũng là công đoạn đầy khó khăn. Chính vì không dám chắc về khả năng thành công của ý tưởng này, ông Trung cặm cụi thử nghiệm, đan lát, phác hoạ,… nhưng giấu không dám kể cùng ai. Một phần vì ông muốn dành bức tranh như món quà bất ngờ tặng những người bạn Cuba, phần khác ông không muốn họ thất vọng nếu ý tưởng này thất bại.

Ngày đi giảng dạy, đêm về nghiên cứu, cuối tuần ông lại dành trọn cho việc đan tranh. Bao tâm huyết của người nghệ nhân, bao tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Lãnh tụ Fidel Castro và cho những người anh em thân thiết nơi bên kia bán cầu, ông đều dồn cả vào việc đan tranh.

Bức tranh Lãnh tụ Fidel Castro giống bức tranh đan ở Cuba được ông Trung đan lại sau khi về nước và hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Lá cây Palma tuy mềm nhưng không thể rút thành sợi mảnh, cứ mỗi lần kéo là bị xước, và khi ấy ông Trung buộc phải bắt làm lại từ đầu. Cỏ pun-tê-rô tuy đã chẻ nhỏ, nhưng lại thiếu nguyên liệu ngâm tẩm cho mềm hơn dễ đan, vì thế ông Trung đã nghĩ tới việc dùng muối để làm mềm nguyên liệu. Song ngặt một nỗi, ở Cuba khi ấy không có muối nguyên hạt, chỉ có muối đã qua chế biến. Vì thế ông đành hòa muối với nước rồi cho nguyên liệu vào luộc trong 3-4 tiếng.

Mà ngay đến việc luộc lá sao cho đủ mềm, đủ dai để có thể đan được, ông cũng phải làm đi làm lại, vừa làm vừa nghiên cứu mãi mới thành công, vì lá cây khi luộc không đúng nhiệt độ, hay quá thời gian sẽ bị quắt lại.

Thế mới biết, tạo ra những sản phẩm thủ công ngay trên quê nhà với đầy đủ nguyên liệu đã vất vả thế nào, thì việc sáng tạo ra một tác phẩm tương tự trên xứ bạn với điều kiện thiếu thốn còn khó khăn hơn gấp bội, ở đó cần người nghệ nhân thực sự tâm huyết, sáng tạo và kiên nhẫn mới làm được.

Nhưng trên hết, những tình cảm trân quý gửi trọn trong tranh mới chính là động lực vượt khó, là cội nguồn sáng tạo của Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Nghệ nhân Nguyễn văn Trung là một người tàn tật với đôi chân co rút sau cơn bạo bệnh, việc đi lại không dễ dàng như người bình thường. Nhưng điều đó không thể cản bước ông tìm tòi, sáng tạo để làm nên một món quà bất ngờ mà chứa trọn tấm chân tình của người Việt Nam dành tặng anh em Cuba.

Cứ như vậy, sau gần 2 tháng vừa mày mò nghiên cứu và thử nghiệm, vừa đan lát vừa chỉnh sửa, chân dung Lãnh tụ Fidel Castro đã hoàn thành và được ông Trung mang đi khoe bạn bè với tất cả niềm tự hào và sự mãn nguyện. Có nhiều hoạ sĩ lúc đó đã khen bức chân dung rất có hồn, thể hiện rõ tình yêu và sự ngưỡng mộ mà nghệ nhân dành cho người bạn vĩ đại của nhân dân Việt Nam.

Ông kể: “Lúc đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Một cảm giác lâng lâng khó tả cứ lan khắp cơ thể…”.

Chắc hẳn Lãnh tụ Fidel và người dân Cuba sẽ còn cảm động hơn khi biết được rằng, người sáng tác nên bức chân dung ấy - Nghệ nhân Nguyễn văn Trung, là một người tàn tật với đôi chân co rút sau cơn bạo bệnh, việc đi lại không dễ dàng như người bình thường. Nhưng điều đó không thể cản bước ông tìm tòi, sáng tạo để làm nên một món quà bất ngờ mà chứa trọn tấm chân tình của người Việt Nam dành tặng anh em Cuba.

Bức chân dung vị lãnh tụ Fidel Castro (0,6 x 0,8m) hiện đang được trưng bày tại Văn phòng Chính phủ Cuba.

Không phải ngẫu nhiên, Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã dồn toàn bộ tâm huyết và tình cảm của mình để sáng tác nên bức chân dung mang trọn nghĩa tình sắt son Việt Nam-Cuba ấy. Tất cả bắt nguồn từ lòng tôn kính Lãnh tụ Fidel Castro cùng một mối duyên lành với người con quốc đảo Caribbie xinh đẹp.

Theo lời nghệ nhân kể lại, năm 1980, ông đã giành giải “Tuổi trẻ sáng tạo” tại Liên Xô và được nhận vào học tại Trường cao đẳng Mỹ Nghệ Hà Tây. Trong thời gian học ở trường, một lần có đoàn khách Cuba tới thăm, trong đoàn có con dâu của Lãnh tụ Fidel Castro - bà Carmen. Qua trao đổi, trò chuyện, bà rất quý và mến mộ tài năng của người nghệ nhân tàn tật nhưng giàu nghị lực Nguyễn Văn Trung. Bởi vậy, sau khi về nước, qua sự giới thiệu của bà, Nhà nước Cuba đã gửi giấy mời ông sang giúp đào tạo chuyên ngành thủ công mỹ nghệ. Có thể nói, chính nhờ mối lương duyên ấy, ông được sang Cuba, được thăm đất nước với vị Lãnh tụ mà ông kính mến từ lâu.

Cuba nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ, nhưng tình người, đặc biệt là tình cảm dành cho người dân Việt Nam thì trái lại, luôn sục sôi, mãnh liệt mà chân thành như những vũ điệu đường phố rumba, chachacha hay salsa đầy sôi động, rực lửa và hào sảng.

Đặt chân tới đảo quốc xinh đẹp với tư cách chuyên gia, ông Trung có thể được coi là chuyên gia tật nguyền đầu tiên của Việt Nam sang giúp bạn nghiên cứu và truyền nghề. Ông tâm sự: “Lúc đó tôi khá bất ngờ vì không nghĩ mình có cơ hội sang Cuba với tư cách là chuyên gia, nhưng cũng rất vui và tự hào.”

Ngày sang đất bạn, ông Trung mới hơn 30 tuổi, nặng 33kg, đôi chân tật nguyền đi lại không dễ dàng, người bé nhỏ lọt thỏm trong đoàn. Khi ông bước xuống sân bay, phía bạn rất nhiều người ra đón, nhưng không ai bắt tay hay tỏ ý chào mừng ông. Điều này khiến ông có phần hụt hẫng và thấy kỳ lạ. Tuy nhiên, sau này nghe bạn bè kể lại ông mới biết, hóa ra lúc đó nhìn ông trẻ quá, dáng người lại bé nhỏ nên không ai nghĩ rằng Việt Nam có một nghệ nhân trẻ như vậy và… bé nhỏ như vậy. Đó là một kỷ niệm ngọt ngào đối với ông, bởi sự ngỡ ngàng của bạn bè lại chính là niềm tự hào của ông, một người nghệ nhân rất trẻ với ý chí “tàn nhưng không phế”.

Cuba nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ, nhưng tình người, đặc biệt là tình cảm dành cho người dân Việt Nam thì trái lại, luôn sục sôi, mãnh liệt mà chân thành như những vũ điệu đường phố rumba, chachacha hay salsa đầy sôi động, rực lửa và hào sảng. Chẳng thế mà, khi thấy một nghệ nhân nhỏ bé sang, việc đầu tiên những người bạn Cuba làm không phải là bàn công việc, mà đưa ông đến Viện dinh dưỡng và thực hiện một chế độ “chăm sóc” riêng giúp vị chuyên gia “đặc biệt” này tăng thêm 2.5kg trong vòng 10 ngày. Họ còn tặng cho ông đôi giày may riêng để đi khi thấy ông khập khiễng chân cao chân thấp bước đi vì tật nguyền.

Chỉ vào đôi giày vẫn nâng bước chân ông cho đến tận bây giờ, cùng ánh nhìn trìu mến, người nghệ nhân già mỉm cười thổ lộ: “Các bạn Cuba tặng tôi 2 đôi giày cơ, 1 đôi tôi vẫn còn giữ như mới, 1 đôi tôi đang đi đây. Tôi giữ gìn chúng như kỷ vật của riêng mình vậy”.

Đôi giày những người bạn Cuba may riêng tặng ông Trung được ông trân trọng giữ gìn như một kỷ vật.

Những hành động nhỏ nhưng mang nặng nghĩa tình như thế cứ theo ông suốt quãng thời gian làm việc bên Cuba.

Về phần mình, Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung luôn nỗ lực nghiên cứu để giúp người dân nơi đây tìm được nguồn nguyên liệu cho ngành thủ công từ chính cây cối bản địa và truyền dạy những tri thức mình tích lũy được về nghề đan lát.

Sau hơn 1 năm chuyên tâm nghiên cứu, ông đã xây dựng thành công quy trình xử lý một số thực vật làm nguyên liệu cho ngành thủ công mỹ nghệ để mang lại hiệu quả kinh tế cho nước bạn. Dự án này đã giúp Cuba giải quyết rất nhiều khó khăn trong tình thế bị bao vây cấm vận. Ông tâm sự: “Dự án thành công, các bạn Cuba cảm thấy vui bao nhiêu, lòng tôi cũng thấy vui bấy nhiêu. Vui vì hoàn thành nhiệm vụ được giao, vui vì giúp được những người bạn, người anh em của mình”.

Trong một triển lãm lớn do Chính phủ Cuba tổ chức, dự án nghiên cứu của ông Trung được đánh giá cao vì gắn liền với cuộc sống người dân, nên Lãnh tụ Fidel Castro cũng trực tiếp đến tham quan. Chính ngày hôm ấy, ông đã được gặp vị Lãnh tụ mà ông hằng ngưỡng mộ, niềm vui bởi thế như được nhân lên.

"Cảm giác lâng lâng hạnh phúc một lần nữa lại dâng lên", khẽ mỉm cười kể lại khoảnh khắc ấy, dường như những xúc cảm năm xưa vẫn vẹn nguyên trong trái tim Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Dự án thành công, các bạn Cuba cảm thấy vui bao nhiêu, lòng tôi cũng thấy vui bấy nhiêu. Vui vì hoàn thành nhiệm vụ được giao, vui vì giúp được người bạn, người anh em của mình.

-- Nghệ nhân NGUYỄN VĂN TRUNG --

Những tình cảm trân quý như vậy cứ chắt chiu, chắt chiu từng ngày, rồi đong đầy trong trái tim người nghệ nhân trẻ tuổi đã thôi thúc ông đan thành bức tranh gói trọn nghĩa tình Việt Nam-Cuba – bức chân dung Lãnh tụ Fidel Castro. Thậm chí, sau khi trở về nước, để khỏa nỗi nhớ cái nắng cái gió vùng quốc đảo Caribbe cùng những con người nồng hậu, chân thành, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã đan lại bức chân dung Fidel bồng súng, nhưng lần này ông dùng chính nguyên liệu mây tre bản địa, như một cách để tri ân, để giữ mãi tình cảm ấm áp mà những người bạn phương xa đã từng dành cho ông. Bức tranh hiện đang được bày ở Bảo tàng Hà Nội.

Cho đến tận bây giờ, những người bạn tuyệt vời ông có được trong thời gian làm việc bên Cuba vẫn yêu quý, trân trọng ông, vẫn trực tiếp hoặc gián tiếp thăm hỏi ông như những người thân trong gia đình, tuy rằng cách nhau “nửa vòng trái đất” nhưng trái tim mãi chung một nhịp đập thủy chung son sắt.

BÀI: SONG THU - NGỌC BÍCH

ẢNH: HÀ NAM

Tháng 9 đặc biệt của tình hữu nghị Việt Nam-Cuba
Thời điểm mùa thu tháng 9 luôn gợi lại những ký ức đẹp đẽ trong mối quan hệ hữu nghị bền chặt Việt Nam-Cuba với nhiều sự kiện đáng nhớ: Cuba thành lập Ủy ban đoàn kết đầu tiên với Việt Nam (25/9/1963) và Chủ tịch Fidel Castro tới Việt Nam (1973). Mối quan hệ lịch sử Việt Nam-Cuba được nhân dân hai nước không ngừng vun đắp để tiếp nối truyền thống đầy tự hào của tình đồng chí đoàn kết, gắn bó, tin cậy.
Dấu ấn sâu đậm của Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại Quảng Trị
Ðúng 50 năm trước, Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản và Chính phủ cách mạng Cuba do Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu đến thăm Việt Nam và vùng giải phóng miền nam tại Quảng Trị. Người dân Quảng Trị rất ngưỡng mộ trước tấm lòng son sắt, thủy chung của Chủ tịch Fidel Castro và đất nước Cuba dành cho Việt Nam. Tỉnh Quảng Trị tổ chức kỷ niệm cấp Nhà nước về sự kiện ý nghĩa này vào ngày 26/9.
Top