Tăng cường hợp tác bán dẫn và AI: cơ hội đột phá cho quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp gỡ lãnh đạo Đảng Cộng sản, tổ chức cánh tả Hoa Kỳ |
Cả hai nhà thơ Kevin Bowen và Bruce Weigl đã có những đóng góp tích cực trong việc tham gia dịch và quảng bá hiệu quả các tác phẩm văn học Việt Nam; tổ chức giao lưu, kết nối các nhà văn hai nước, góp phần xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nhà thơ Kevin Bowen sinh năm 1947 tại Massachusetts, Hoa Kỳ. Ông tham gia chiến tranh Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1969, nhưng nhanh chóng nhận ra sự phi nghĩa của cuộc chiến và tham gia phong trào phản chiến ngay khi còn trong quân đội. Trở về Hoa Kỳ, ông tiếp tục đấu tranh, sử dụng ngòi bút và tiếng nói để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược.
Nhà thơ Bruce Weigl (thứ ba từ trái sang) và các người bạn Hoa Kỳ nhận Huân chương Hữu nghị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng. |
Theo thông tin trên báo Nhân Dân, với vai trò là Giám đốc Trung tâm William Joiner tại Đại học Massachusetts, Kevin Bowen đã tập hợp được những trí thức, những nhà văn hàng đầu của Hoa Kỳ tham gia các hoạt động của trung tâm William Joiner trong việc lý giải sự thất bại và tội ác của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, đồng thời kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là tiến hành giới thiệu các tác phẩm văn học về chiến tranh cách mạng của Việt Nam tới các trường đại học và công chúng Hoa Kỳ.
Vượt qua các rào cản, các khó khăn về chính sách cấm vận của Hoa Kỳ, Kevin Bowen cùng các nhà văn của Trung tâm William Joiner đã mời gần 200 nhà văn Việt Nam tới Hoa Kỳ. Ngôi nhà của Kevin Bowen trở thành nơi tiếp đón, sinh hoạt của nhiều nhà văn Việt Nam trong suốt thời gian đó.
Một số phần tử, tổ chức phản động ở Hoa Kỳ “không hài lòng” về việc làm này, nên đã thường xuyên đe dọa đến tính mạng của vợ và các con Kevin Bowen và yêu cầu ông dừng quan hệ với Việt Nam. Nhưng Kevin Bowen đã dũng cảm tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Việt Nam, tổ chức dịch và quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam, tranh thủ nhiều diễn đàn trên khắp Hoa Kỳ để các nhà văn Việt Nam nói về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc mình, nói về khát vọng hòa bình, ý chí cho độc lập tự do của con người Việt Nam và mong muốn làm bạn với tất cả các dân tộc trên thế giới.
Ông trở lại Việt Nam nhiều lần để giao lưu văn hóa, giáo dục, trong đó phải kể đến chuyến thăm Việt Nam vào năm 1991. Kevin Bowen dẫn đoàn nhà văn cựu binh Hoa Kỳ đến Việt Nam để tiến hành một cuộc hội thảo đầu tiên về chiến tranh Việt Nam và về quan hệ của hai nước với Hội Nhà văn Việt Nam cho dù tất cả các nhà văn cựu binh Hoa Kỳ, đặc biệt là cá nhân ông đã bị đe dọa và bị một số cuộc biểu tình chống đối trước trụ sở của Trung tâm William Joiner tại Boston.
Bowen đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ và văn xuôi liên quan đến Việt Nam, nhận được nhiều giải thưởng lớn vì những đóng góp cho văn hóa, trong đó có Huy chương vì sự nghiệp văn hóa của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (2010) và giải thưởng Phan Chu Trinh (2011). Ông còn nổi bật với tài năng hội họa, thường vẽ chân dung các nhà văn Việt Nam mà ông quen biết và yêu mến.
Sinh năm 1949, Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại hàng đầu của Hoa Kỳ, đồng thời là một dịch giả và giáo sư đại học. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Chương trình viết văn quốc gia Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ của giải thưởng văn học quốc gia Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản 13 tập thơ và viết cuốn hồi ký nổi tiếng "Vòng tròn của Hạnh", kể về cô con gái nuôi người Việt Nam. Ông từng tham gia chiến tranh Việt Nam năm 1967 và sau khi trở về Hoa Kỳ, giống như Kevin Bowen, Weigl đã tham gia phong trào phản chiến. Bruce Weigl cũng là một trong những người Hoa Kỳ đầu tiên trở lại Việt Nam để xoa dịu, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Nhà thơ Bruce Weigl tặng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tập thơ "Bài ca bom Napan" hồi tháng 8/2024 tại Oberlin, Ohio, Hoa Kỳ. (Ảnh: FB Nguyễn Quang Thiều) |
Weigl được biết đến với hai tập thơ nổi bật về chiến tranh Việt Nam là Bài hát bom napalm (1988) và Sau mưa thôi nã đạn (2013), cả hai đều lọt vào chung khảo Giải thưởng Pulitzer. Ông được xem là "Nhà Việt Nam học" bởi sự am hiểu sâu sắc về văn hóa và văn học Việt Nam, với gần 100 buổi đọc thơ và thuyết trình về đất nước và con người Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Với vai trò là thành viên quan trọng của Trung tâm William Joiner, Weigl đã không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ giữa các nhà văn Việt Nam và Hoa Kỳ, dịch thuật và quảng bá tác phẩm của hàng chục nhà thơ Việt Nam đến độc giả Hoa Kỳ.
Cả hai nhà thơ, Kevin Bowen và Bruce Weigl, đều là những nhân vật tiên phong trong việc xây dựng cầu nối văn hóa, gắn kết hai dân tộc Việt Nam - Hoa Kỳ. Sự dũng cảm, kiên trì và tình yêu với Việt Nam đã giúp họ vượt qua những rào cản và đe dọa từ nhiều phía, để không ngừng đấu tranh cho hòa bình và sự thấu hiểu lẫn nhau.
Nhà thơ Kevin Bowen và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại Boston, Hoa Kỳ vào tháng 8/2024 (Ảnh: FB Nguyễn Quang Thiều) |
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã nhiều lần gặp gỡ hai nhà thơ này và khẳng định: Kevin Bowen và Bruce Weigl đại diện cho đông đảo các nhà văn, nhà thơ, các cựu binh Hoa Kỳ không ngừng đấu tranh cho hòa bình, cho lẽ phải, cho các quan hệ đẹp đẽ của con người trên thế gian.
"Các nhà văn, nhà thơ của Trung tâm William Joiner, Đại học Massachussets như Kevin Bowen, David Hunt, Bruce Weigl, Larry Heinemann, Yusef Komunyakaa, Tim O'Brien, Fred Marchant , Nguyễn Bá Chung, George Evan... đã dành cho Việt Nam một tình yêu đặc biệt. Họ đi qua những năm tháng đầy thách thức, đe dọa, nghi ngờ từ nhiều phía để chiến đấu cho hòa bình...", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Trí thức Việt Nam trên khắp thế giới đoàn kết hướng về quê hương |
Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới |