Từ khởi đầu khiêm tốn, Ferrari trở thành thương hiệu cao cấp có ảnh hưởng toàn cầu. Giá trị thị trường của hãng tăng 270% trong 4 năm qua, lên mức 27 tỷ USD vào năm 2019.
Năm 1908, khi mới 10 tuổi, Enzo Ferrari nhìn thấy chiếc xe đua đầu tiên trong đời và bị mê hoặc. Khi trưởng thành, ông gia nhập quân đội Italy và chiến đấu trong Thế chiến I. Sau chiến tranh, ông gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm. Ông xin vào làm việc tại hãng Fiat nhưng bị từ chối. Khi đó, Italy có quá nhiều cựu binh thất nghiệp. Ông vào làm việc cho một số nhà máy sản xuất ôtô quy mô nhỏ. Ảnh: AP.
Đầu thập niên 1920, Enzo Ferrari đến làm việc tại hãng Alfa Romeo với tư cách là một tay đua xe hơi. Trong ảnh là tay đua huyền thoại Tazio Nuvolari đang lái một chiếc Alfa. Ảnh: AP.
Năm 1929, Enzo Ferrari thành lập đội đua Scuderia Ferrari. Đây không phải là một công ty mà chỉ là một nhóm các tay đua thi đấu bằng những chiếc xe họ sở hữu. Họ chủ yếu sử dụng xe Alfa Romeo. Đến năm 1933, Scuderia Ferrari trở thành đội đua chủ chốt của Alfa. Ảnh: AP.
Năm 1937, Enzo Ferrari đóng cửa Scuderia Ferrari và trở thành người đứng đầu đội đua xe Alfa Corse của hãng Alfa Romeo. Nhưng ông không hạnh phúc với vị trí đó. Một tuần sau khi rời Alfa Corse vào năm 1939, Enzo Ferrari thành lập công ty khởi nghiệp Auto Avio Costruzioni. AAC 815 là chiếc xe đầu tiên công ty của Enzo Ferrari chế tạo. Ảnh: AP.
AAC chế tạo 2 chiếc xe 815 vào năm 1940. Cả hai đều bị cấm mang tên Ferrari do thỏa thuận giữa Enzo Ferrari với các công ty cũ. Thỏa thuận đó cấm Enzo Ferrari sử dụng tên của ông trong các cuộc đua hoặc xe đua trong ít nhất 4 năm. Ảnh: Wikimedia Commons/Arnaud 25/CC BY-SA 3.0.
Năm 1947, ACC cho ra mắt chiếc 125. Thỏa thuận giữa Enzo Ferrari với Alfa đã hết hiệu lực nên đây là chiếc xe đầu tiên mang tên Ferrari. Thương hiệu Ferrari chính thức ra đời, đến nay đã được 72 năm. Ảnh: Ferrari.
Vào cuối những năm 40, Luigi Chinetti - một tay đua thành công người Mỹ gốc Italy - tiếp cận Ferrari, thuyết phục công ty của ông chế tạo xe thể thao bán cho người tiêu dùng đại chúng. Ferrari do dự vì mục đích chính của ông là sản xuất xe phục vụ các cuộc đua. Trong nhiều năm, Chinetti đua xe và giành chiến thắng bằng những chiếc xe hiệu Ferrari trên khắp thế giới. Ảnh: AP.
Đầu thập niên 1950, Luigi Chinetti mở đại lý xe Ferrari đầu tiên ở Mỹ. Showroom của Chinetti được đặt tại Manhattan nhưng sau đó được chuyển đến Connecticut. Những năm sau đó và cho tới tận ngày nay, Mỹ là thị trường quan trọng nhất của xe Ferrari. Ảnh: Reuters.
Năm 1963, Giám đốc điều hành Ford là Henry Ford II đàm phán mua lại mảng xe đua của Ferrari. Thỏa thuận thất bại sau khi Enzo Ferrari phát hiện ra rằng Ferrari sẽ phải xin Ford tiền từ Detroit để tham gia đua xe. Bực tức vì không thể chốt được thỏa thuận, Ford đã quyết định đánh bại đội của Enzo Ferrari tại 24 Hours of LeMans - cuộc đua mà Ferrari chiến thắng sáu lần liên tiếp từ năm 1960 đến 1965. Ảnh: AP.
Đến năm 1966, Ford đã sẵn sàng đối đầu với Ferrari với mẫu GT40 huyền thoại, được sử dụng để đua tại Le Mans. Và Henry Ford II đã thành công, GT40 giành thắng tại Le Mans với thành tích đáng kinh ngạc, chấm dứt sự thống trị của Ferrari. Sau đó, Ford giành chiến thắng 4 năm liên tiếp, từ năm 1966 đến 1969. Ảnh: Ford.
Đến năm 1969, Enzo Ferrari nhận ra công ty của mình cần nguồn lực bổ sung để tồn tại. Năm đó, Ferrari đã bán 50% các mảng kinh doanh của công ty cho Fiat. Enzo Ferrari qua đời năm 1988 ở tuổi 90. Ảnh: AP.
Nhưng trước khi qua đời, ông đã ký quyết định sản xuất một chiếc xe cuối cùng để kỷ niệm 40 năm thành lập công ty. Đó là chiếc F40 vĩ đại. Ảnh: Ferrari.
Sau khi Enzo Ferrari qua đời, Giám đốc điều hành Luca di Montezemolo đảm nhận vị trí chủ tịch. Dưới sự dẵn dắt của ông, Ferrari chuyển đổi thành thương hiệu xa xỉ ở phạm vi toàn cầu trong suốt những năm 1990 và 2000. Ngày nay, công ty bán siêu xe của mình với giá hàng trăm nghìn USD. Ảnh: Reuters.
Thậm chí có những chiếc Ferrari được bán với giá hàng triệu USD. Ảnh: Ferrari.
Biểu tượng của Ferrari có mặt trên rất nhiều loại hàng hóa khác, từ quần áo cho đến đồ trang sức. Ảnh: AP.
Trên mặt trận đua xe, Ferrari vẫn là đại gia hàng đầu. Đội đua Công thức 1 của công ty - vẫn được gọi là Scuderia Ferrari - đã giành 8 chức vô địch thế giới từ năm 1999 đến 2008. Ảnh: AP.
Sau khi phát hành cổ phiếu vào năm 2015, Ferrari đạt giá trị thị trường 10 tỷ USD. Trong vòng 4 năm sau, giá trị thị trường của Ferrari đã tăng vọt lên 27 tỷ USD. Ảnh: AP.