Tái chế vải vụn thành chăn, gối, tranh…

2025-01-17 18:44:04

Tạo vật dụng gia đình

Nhờ bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ, vải vụn không chỉ được may thành chăn, drap, gối mà còn là thảm trải nền, túi, ví cho đến những chiếc lót ly và tranh treo tường.

Chị Bùi Tố Tâm (sống tại Hà Nội) thành lập nhóm Túi ví vải và nghệ thuật ghép vải trên Facebook với hơn 9.000 thành viên. Chị Tố Tâm thường xuyên mở những lớp hướng dẫn nghệ thuật ghép vải cho mọi người. Chị còn xuất bản cuốn sách mang tên “Mở cửa thế giới quilting”. Theo chị Tâm, cuốn sách là cách để chị chia sẻ niềm đam mê ghép vải đến với mọi người. Đó còn là các nghiên cứu đầu tay của chị về lịch sử quilting và vài điều thú vị về môn nghệ thuật này cùng những hướng dẫn ban đầu cho các bạn nhập môn. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ các mẫu hình mà chị nghĩ ra trong quá trình bước vào con đường mê quilting.

Chị Tố Tâm đam mê với nghệ thuật ghép vải

Chị Tâm cho biết, một tấm vải lắp ghép công phu, tức là theo hình thù có thể phải mất cả tháng hoặc 1 năm mới hoàn thành. Trước khi bắt tay vào việc ghép vải, đầu tiên là vẽ sẵn những mẫu cần làm. Bước tiếp theo là phối màu, rồi chọn vải và cuối cùng dùng chỉ may các mảnh vải lại với nhau. Chị chia sẻ: “Việc lên mẫu là công đoạn quan trọng nhất, trước khi tiến hành chọn vải cho phù hợp với màu sắc trong thiết kế. Tùy theo sự sáng tạo của từng người mà có thể thêu hoa, thêu tên hoặc tạo thành bức tranh tả cảnh đồng quê, con người, các nhân vật trong hoạt hình. Những ai có con mắt sắc sảo về màu sắc hẳn sẽ phối màu đẹp và sinh động hơn”.

Thử thách lòng kiên nhẫn cũng như sự khéo léo của người ghép vải chính là việc sáng tác ra tranh có chủ đề. Bởi việc này gần giống như công việc của người họa sĩ khi vẽ tranh, chỉ khác nhau ở chỗ thay vì dùng màu thì lại sử dụng vải. Để có được tranh sống động và như ý, người làm còn phải chịu khó săn lùng hàng trăm loại vải có màu và sắc độ khác nhau. Theo chị Tố Tâm, nghệ thuật ghép vải không có gì quá cao siêu, ai cũng có thể làm nếu kiên nhẫn và tỉ mỉ.

Sáng tạo tác phẩm nghệ thuật

Họa sĩ Nguyễn Thị Phương Lan (khu tập thể Thành Công, Ba Đình, hà Nội) hiện ở tuổi 75 nhưng bà vẫn không ngừng sáng tác. Từng theo học trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, bà được đào tạo bài bản về các thể loại tranh như sơn dầu, bột màu nhưng bà lại theo đuổi dòng tranh ghép vải vì muốn tìm một con đường nghệ thuật riêng cho mình.

Họa sĩ Phương Lan tìm hướng đi riêng trong nghệ thuật với vải vụn

Bất kỳ mảnh vải vụn nào cũng có thể gợi cho người họa sĩ nhớ đến những con đường đã đi qua, người từng gặp, khoảnh khắc không thể nào quên. Với họa sĩ Phương Lan, đó là nụ cười vùng cao, là đời sống thường ngày ngược xuôi, là tĩnh vật bảng lảng sương khói, là Hà Nội mây đầu ô những năm tháng cũ…

Ngắm nhìn tác phẩm của họa sĩ Phương Lan, người xem sẽ cảm nhận được những hoa văn và chất liệu vải hiện lên rất sáng tạo, độc đáo. Trong bức tranh “Chiều thu Hà Nội”, nữ họa sĩ sử dụng mảnh vải nhung sần sùi để làm thân cây bàng cùng những mái ngói xù xì, cũ kỹ. Còn với tà áo dài hay những chiếc lá cây đang nhẹ bay trong gió, bà lại dùng chất liệu voan với đặc tính mỏng manh, mềm mại để đặc tả.

Tác phẩm về đồng bào dân tộc miền núi của họa sĩ Phương Lan

Nguyễn Thu Huyền, giảng viên khoa Mỹ thuật công nghiệp, trường Đại học Hòa Bình, cựu sinh viên khoa Thiết kế Thời trang, Viện Đại học Mở Hà Nội cũng là một họa sĩ trẻ của dòng tranh ghép vải. Huyền tận dụng những mảnh vải vụn bị bỏ đi trong quá trình may vá để làm nên những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ sắc màu, hiện đại nhưng cũng rất giàu tính dân gian. Với Thu Huyền, khâu lựa chọn vải cũng là quan trọng nhất khi làm tranh ghép vải. Cô vẽ phác thảo bức tranh đó trên một tấm bìa cứng, rồi cắt rời thành từng chi tiết nhỏ. Sau đó, vải được phết lớp keo sữa mỏng, dán lên tấm bìa cứng. Bức tranh khi được ghép vải xong sẽ được viền chỉ đen ở các chi tiết để được nổi bật hơn.

Nguyễn Thu Huyền cũng là họa sĩ trẻ tâm huyết với tranh ghép vải

Trong những tác phẩm của mình, bộ tranh “Tứ đại mỹ nhân” là một trong những tác phẩm Thu Huyền yêu thích nhất. Với cách sử dụng chất liệu vải rất đa dạng, cách phối màu sắc tinh tế, mỗi bức tranh lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Những bộ váy áo của mỹ nhân được Thu Huyền làm cẩn thận, cầu kỳ trong từng chi tiết. Chiếc áo choàng mùa đông có đường viền áo bằng lông cùng sự kết hợp của gam màu nâu và đỏ làm tăng sự quý phái cho mỹ nhân trong tranh. Chiếc áo gấm màu trắng làm tôn nên vẻ đẹp đài các. Hay chiếc áo voan mỏng manh nhẹ nhàng tôn vẻ đẹp dịu dàng, kiêu sa. Ngay cả những bông hoa xung quanh người đẹp cũng rất tự nhiên và mang lại màu sắc hài hòa cho bức tranh.

Tranh tố nữa của Nguyễn Thu Huyền

Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn lưu giữ một bức tranh ghép vải lớn của Nguyễn Thu Huyền về chủ đề trang phục nữ của 54 dân tộc Việt Nam. Đây là một bức tranh lớn được Huyền và một người bạn thực hiện trong 6 tháng. Huyền ngồi tỉ mẩn cắt ghép những bộ phận nhỏ nhất trên bộ nữ phục của các dân tộc Việt Nam để những nét đặc trưng trong trang phục lần lượt hiện ra. Khi ngắm bức tranh, người xem có thể dễ dàng nhận ra dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Dao… cùng nhiều tộc người khác trong số 54 dân tộc Việt Nam.

An Vinh

Nguồn bài viết : xsmn Xổ SỐ Miền Nam

Top