Kinh tế - Xã hội

2025-01-15 19:29:21

Thứ Tư, ngày 20/11/2024, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, cũng là ngày làm việc thứ 21 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Tại phiên thảo luận có 36 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến trong đó có 4 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bên cạnh đó, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: bố cục của dự thảo Luật; đối tượng áp dụng; vị trí, vai trò của nhà giáo; giải thích từ ngữ; chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; đạo đức nhà giáo; những việc không được làm; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo; chế độ làm việc của nhà giáo; điều động, thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập; chế độ chính sách đối với nhà giáo khi được bố trí giữ chức vụ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; đào tạo nguồn giáo viên, giảng viên; tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo; chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo; hợp tác quốc tế, khen thưởng, tôn vinh đối với nhà giáo. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe các nội dung sau: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Trưởng Ban soạn thảo trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung sau: Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Tại phiên thảo luận có 24 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả của Dự án.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung, cụ thể như sau: Về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam: sự phù hợp của Dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch có liên quan; phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ; lựa chọn công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật; hình thức đầu tư và lựa chọn phương án đầu tư; hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính của Dự án; phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổng mức đầu tư; nguồn vốn của Dự án; khả năng cân đối nguồn vốn; phương án vận hành, khai thác; tính kết nối liên thông; tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; sự tham gia Dự án của người dân và các doanh nghiệp trong nước; thời gian, tiến độ thực hiện Dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án; tổ chức thực hiện.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội: thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và hồ sơ Dự án; những nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ Giai đoạn 3 sang Giai đoạn 1; điều chỉnh thời gian thực hiện Giai đoạn 1 của Dự án; việc cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua).

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ Năm, ngày 21/11/2024: Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Từ 10 giờ 00, Quốc hội họp riêng, thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Buổi chiều, từ 14 giờ 00 đến 15 giờ 30: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; từ 15 giờ 50, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng./.

Làm rõ khả năng cân đối vốn dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam

Giải trình rõ về khả năng cân đối vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng dự án kéo dài qua 3 kỳ trung hạn nên việc xác định khả năng cân đối vốn là chưa có quy định.

(TTXVN/Vietnam+)
Top