Nhận lời mời của Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Timor Leste, José Ramos-Horta sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31/7-3/8.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Jakarta đã có cuộc trao đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia kiêm nhiệm Timor Leste Tạ Văn Thông về thành tựu trong quan hệ song phương, ý nghĩa chuyến thăm, cũng như những lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước.
- Xin Đại sứ có thể chia sẻ về những thành tựu và dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam và Timor Leste?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Quan hệ hữu nghị Việt Nam-Timor Leste đã được hình thành từ sớm, khi Mặt trận Cách mạng vì một Timor Leste độc lập (FRETILIN) tuyên bố độc lập vào tháng 9/1975 và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công nhận.
Việt Nam và Timor Leste tuy xa về khoảng cách địa lý, nhưng luôn giữ mối quan hệ gần gũi, luôn ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, đặc biệt trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ khi thiết lập mối quan hệ song phương, Timor Leste đã tổ chức 3 chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao tới Việt Nam gồm: chuyến thăm của Tổng thống Kay Rala Xanana Gusmao (tháng 8/2005); Tổng thống José Ramos-Horta (năm 2010) và Thủ tướng Kay Rala Xanana Gusmao (tháng 9/2013).
Chuyến thăm lần này của Tổng thống José Ramos-Horta sẽ là chuyến thăm cấp cao thứ tư tới Việt Nam và là dịp để hai bên tiếp tục trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, qua đó thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống đã được vun đắp trong suốt thời gian qua.
Về đa phương, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ban Thư ký ASEAN hỗ trợ Timor Leste trong quá trình chuẩn bị và tăng cường năng lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đồng thuận của các thành viên ASEAN để Timor Leste gia nhập ASEAN.
Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương hai nước còn hạn chế, chủ yếu Việt Nam xuất sang Timor Leste gạo và hàng dệt may.
Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Timor Leste đạt 15,49 triệu USD; nhập khẩu từ Timor Leste đạt 371.000 USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Timor Leste đạt 6,09 triệu USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ.
Về đầu tư, hiện nay Viettel Telemor là dự án đầu tư của Tập đoàn Viettel tại Timor Leste có thương hiệu là Telemor đang rất thành công và được bạn đánh giá cao. Dự án được triển khai từ tháng 8/2012, với vốn đầu tư ban đầu 500.000 USD, tăng dần đến nay đạt 15 triệu USD. Công ty đã trở thành một trong 3 doanh nghiệp viễn thông lớn tại Timor Leste, có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này.
Về giáo dục, sau chuyến thăm Timor Leste của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận (năm 2015), Bộ Giáo dục hai nước thống nhất sẽ ký Bản Ghi nhớ để tạo cơ sở tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã gửi dự thảo bản ghi nhớ về hợp tác Giáo dục và Đào tạo tới Bộ Giáo dục Timor Leste, hy vọng biên bản sẽ sớm được ký kết.
Hiện nay, có khoảng 40 sinh viên Timor Leste đang học tập tại Việt Nam (Đại học Hà Nội và Đại học Thái Nguyên), hy vọng trong thời gian tới sẽ đón nhận nhiều sinh viên hơn.
- Thưa Đại sứ, chuyến thăm của Tổng thống Timor Leste tới Việt Nam lần này có ý nghĩa như thế nào?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Hiện nay, Timor Leste đang trong quá trình gia nhập ASEAN, nhằm mở rộng hơn nữa cơ hội hợp tác kinh tế, chính trị và văn hóa với các thành viên trong cộng đồng khu vực.
Để thành công trong việc gia nhập ASEAN, Timor Leste cần sự hỗ trợ và ủng hộ của các nước thành viên, trong đó Việt Nam có vai trò quan trọng.
Với vai trò là một thành viên tích cực trong ASEAN và có những mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ, Việt Nam có thể giúp đỡ Timor Leste trong quá trình chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của ASEAN.
Việc Tổng thống Timor Leste đến thăm chính thức Việt Nam không chỉ là cơ hội để củng cố mối quan hệ hữu nghị, mà còn là dịp để thể hiện sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia.
Đây cũng là cơ hội để hai nước cùng xem xét các hoạt động hợp tác, đàm phán và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, nông nghiệp và thủy sản.
Do đó, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Timor Leste tới Việt Nam lần này sẽ mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho cả hai quốc gia, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới.
- Theo Đại sứ, trong thời gian tới hai nước cần ưu tiên những lĩnh vực nào để phát huy hết tiềm năng và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Thị trường Timor Leste còn nhiều tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm sữa, giày dép, đồ uống, sản phẩm gia dụng, máy móc thiết bị điện.
Các hoạt động kinh tế tại Việt Nam trong những năm tới sẽ cần nhiều hơn các mặt hàng đầu vào như nhiên liệu (xăng dầu), gỗ nguyên liệu, thủy sản nguyên liệu, khoáng sản, kim loại... Đây cũng là những sản phẩm tiềm năng tại Timor Leste.
Hợp tác với Việt Nam, các mặt hàng của Timor Leste sẽ là đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng hóa, giúp cả Timor Leste và Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đề nghị phía Timor Leste tạo thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực như hợp tác thăm dò khai thác dầu khí, hợp tác khai thác chế biến tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, khai thác quặng kim loại, kim loại màu, hợp tác đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các nước có cơ chế ưu đãi đối với Timor Leste; đồng thời đề nghị phía Timor Leste sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định thương mại đã ký giữa hai nước.
Trong khi đó, Timor Leste có nhu cầu thúc đẩy kết nối hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải, xuất nhập khẩu, cảng biển để hỗ trợ cho hoạt động trao đổi thương mại.
- Thưa Đại sứ, trong các lĩnh vực hợp tác với Timor Leste, Việt Nam có định hướng gì để thúc đẩy tiến trình Timor Leste nhanh chóng trở thành thành viên chính thức của ASEAN?
Đại sứ Tạ Văn Thông: Xuất phát từ truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc, Việt Nam luôn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Timor Leste trong việc gia nhập ASEAN.
Trong quá trình phối hợp hỗ trợ Timor Leste trở thành thành viên chính thức, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực đào tạo và xây dựng năng lực cán bộ.
Việc đầu tư vào đào tạo cán bộ là một trong những yếu tố quan trọng để giúp Timor Leste xây dựng nền tảng nhân lực vững mạnh, tăng cường năng suất và chất lượng công việc, đẩy mạnh quyền lực địa phương, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế và khu vực.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống José Ramos-Horta được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ song phương Việt Nam-Timor-Leste lên tầm cao mới.