Ông Trần Hiếu giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2024-2029 |
Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc tại Lễ hội Việt Nam-Hàn Quốc ở Đà Nẵng |
-Thưa bà, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc phát triển như thế nào trong thời gian qua?
Tính đến ngày 30/4/2024, tổng số công dân Việt Nam hiện sinh sống, lao động, học tập và tạm trú tại Hàn Quốc là 297.999 người. Trong đó, chiếm số lượng đông nhất là du học sinh với 85.957 người, người lao động với 74.633 người, diện kết hôn 39.379 người, số còn lại gồm các chuyên gia, doanh nghiệp đầu tư…
Có khoảng 80.000 người Việt Nam đã nhập tịch Hàn Quốc. Trong đó chủ yếu là người Việt lấy vợ/chồng Hàn và một số nhập tịch theo diện nhà khoa học, doanh nghiệp và nhập tịch thông thường. Cộng đồng người Việt đã và đang có nhiều đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của nước sở tại.
Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt và Khai giảng lớp tiếng Việt dành cho trẻ em gia đình đa văn hóa hoặc trẻ em Việt Nam được sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc. |
-Trong những năm qua, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát huy vai trò của mình như thế nào trong việc xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh tại nước sở tại, thưa bà?
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc (AVCK) được thành lập từ năm 2011. Hiện, có 15 chi hội thành viên là hội người Việt ở các địa phương trên toàn Hàn Quốc. Trong suốt quá trình hoạt động, hội và các chi hội luôn được ghi nhận về các hoạt động hỗ trợ cộng đồng với tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, chia sẻ, cũng như các hoạt động hướng về quê hương đất nước như: gây quỹ hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào trong nước mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, bão lụt..
Hội cũng thường xuyên tổ chức chương trình thăm hỏi các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn ở Hàn Quốc, kêu gọi tài trợ để những người nhiều năm không có điều kiện về thăm quê được đoàn tụ với gia đình, hoặc hỗ trợ tư vấn pháp lý khi bị bạo hành trong gia đình...
Bên cạnh đó, hàng năm hội còn tổ chức Lễ hội văn hóa chào mừng Quốc khánh 2/9, hội chợ Tết và nhiều sự kiện thể thao, quảng bá văn hóa và du lịch, đất nước, con người Việt Nam tại các quảng trường lớn ở nhiều thành phố như Seoul, Daejeon, Daegu, Gwangju...
Đặc biệt, gần đây dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán, Hội người Việt đang triển khai các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em gia đình đa văn hóa hoặc trẻ em Việt Nam được sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc để nuôi dưỡng và duy trì tình yêu của các em với tiếng Việt, với văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Đại diện Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tham dự các chương trình do Bộ Ngoại giao và Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) tổ chức và các buổi gặp mặt cộng đồng cùng đoàn công tác của Bộ. Tôi cũng đã có cơ hội đề đạt một số ý tưởng về việc phối hợp thực hiện các chương trình dành cho trẻ em Việt - Hàn ở Hàn Quốc như: trại hè thanh thiếu niên, cuộc thi hùng biện tiếng Việt, thi hát dân ca.. và được sự quan tâm của UBNNVNVNONN. Cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đã rất vui mừng khi có 40 bé Việt - Hàn được về Việt Nam trong chương trình trại hè vừa được tổ chức vào đầu tháng 8/2024.
Hiện nay, ngoài Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, còn có một số hội đoàn và cộng đồng liên quan đến người Việt tại Hàn Quốc. Các đơn vị này là: Hội Sinh viên (VSAK), Hội Phụ nữ, Hội Doanh nghiệp (BAVIK), Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo (VINK), Hội bóng đá (VFAK), Hội từ thiện... thường xuyên tổ chức các hoạt động đa dạng từ văn hóa đến văn nghệ, khoa học, thể thao...
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đi thăm và tặng quà các chiến sĩ Trường Sa năm 2024. |
- Để phát huy vai trò “kiều bào là cánh tay nối dài của đất nước”, theo bà, chúng ta cần làm gì?
Để phát huy vai trò “kiều bào là cánh tay nối dài của đất nước”, tôi kiến nghị các cơ quan trong nước tạo điều kiện để kiều bào ở nước ngoài nếu hội đủ điều kiện, phẩm chất sẽ được tham gia vào các vị trí chủ chốt ở những hội đoàn trong nước. Hoặc có sự kết nối và gắn kết nhiều hơn trong hoạt động của hai bên - cả ở trong nước và ngoài nước - như: TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị và các tổ chức khác.
Chúng tôi cũng hy vọng Bộ Ngoại giao Việt Nam và UBNNVNVNONN sẽ mở rộng quy mô các chương trình thường niên cho kiều bào, để thêm nhiều kiều bào được tham dự các hoạt động ý nghĩa này.
Nhiều kiều bào đã chia sẻ rằng, qua những dịp này, họ đã có cơ hội được trở về và thêm gắn bó với quê hương, thêm biết ơn những công lao và hy sinh của ông cha để chúng ta có được một đất nước hòa bình như ngày nay, và từ đó cảm nhận được tình yêu nước sâu sắc hơn bao giờ hết.
Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tham dự chương trình Xuân Quê hương 2024. |
Chúng tôi cũng mong muốn có thêm các diễn đàn, các chương trình gặp mặt kiều bào như “Hội nghị người Việt Nam toàn thế giới”, là nơi để cùng trao đổi, lắng nghe ý kiến kiều bào từ khắp nơi trên thế giới với một mục tiêu lớn nhất và chung nhất. Đó là được góp một phần dù nhỏ bé vào công cuộc xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn, phát triển hơn, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ để lại.
Đặc biệt, tạo điều kiện và quan tâm hơn đến cộng đồng trẻ em Việt – Hàn ở Hàn Quốc, để chúng tôi được tổ chức và tham gia nhiều chương trình cho trẻ em và thanh thiếu niên đa văn hóa như: trại hè kiều bào, chương trình du lịch cội nguồn, chương trình tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Việt Nam, chương trình trại hè giao lưu giữa các trẻ em gốc Việt trên toàn thế giới...
Chúng tôi kỳ vọng thông qua những chương trình này, các trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở Hàn Quốc và ở nước ngoài có thể thêm gắn kết với nhau, cùng chia sẻ tình yêu với quê hương Việt Nam, duy trì tiếng nói và tình yêu với văn hóa, lịch sử cha ông để lại và cùng nhau hướng về Tổ quốc, trở thành những công dân ưu tú trên toàn thế giới và mang lại niềm tự hào cho Tổ quốc Việt Nam.
- Trận trọng cảm ơn bà!
Hàn Quốc có thể tái chế 98% rác thải thực phẩm |
Nối dài tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc qua mùa hè tình nguyện |