Kết nối thế hệ trẻ Việt Nam - Campuchia qua những hoạt động chung |
Lưu học sinh Lào và Campuchia trải nghiệm gói bánh tét, trang trí mâm ngũ quả |
Ngày 9/2/2024 (tức 30 tháng Chạp năm Quý Mão), Sok Sovandeth (khoa Điện tử viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) cùng 5 lưu học sinh Campuchia khác đến nhà mẹ đỡ đầu Bopha Yos, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp vui Tết. Đang học năm thứ năm tại Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên Sok Sovandeth ăn Tết ở đất nước hình chữ S. "Năm nay là năm cuối học tập ở Việt Nam nên em quyết định ở lại trải nghiệm ngày Tết đặc biệt của Việt Nam", Sok Sovandeth cho biết.
Các lưu học sinh Campuchia quây quần đón Tết Nguyên đán 2024 tại nhà mẹ đỡ đầu Bopha Yos. (Ảnh: FB Bopha Yos) |
Đến nhà mẹ Bopha ở Hà Đông (thành phố Hà Nội), Sok Sovandeth cùng các bạn cùng nhau dọn nhà, trang trí đón Tết. Chàng trai cho biết, giống như Việt Nam, vào ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của Campuchia, mọi người cũng sửa sang bàn thờ, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà... Bên cạnh đó, mọi người đi lễ chùa, thăm hỏi và chúc tết họ hàng. Tuy nhiên, ở Campuchia, sau khi làm lễ dâng cơm cho các vị sư sãi, nghe các sư cầu an, thuyết pháp giảng đạo, mọi người sẽ làm lễ tắm tượng Phật, gửi những lời cầu nguyện tốt đẹp cho gia đình và người thân. Ngoài ra, vào những ngày Tết cổ truyền, mọi người sẽ thả đèn trời, tổ chức lễ hội té nước với quan niệm giúp gạt bỏ những điều không vui của năm cũ và cầu chúc thêm nhiều may mắn vào năm mới.
Chở mẹ đỡ đầu đi chợ Tết, Sok Sovandeth hào hứng hòa mình giữa "biển" người đông đúc, đường phố kẹt xe, mê mẩn cây cảnh, hoa xuân với màu sắc rực rỡ, kiểu dáng đa dạng.
"Nhờ mẹ Bopha, em đã phân biệt được hoa mai, hoa đào, hoa mận. Hoa mai rực rỡ sắc vàng là loài hoa đặc trưng của miền Nam, thường được trưng vào dịp Tết. Hoa đào với sắc hồng mang đến cảm giác ấm áp cho mọi ngôi nhà. Hoa mận trắng tinh khôi, mang vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc Việt Nam... Trước đó em đã cùng các bạn đến phố Hàng Mã "check in". Em rất ấn tượng với con phố được phủ kín màu đỏ lung linh, rực rỡ của đèn lồng, câu đối, những vật tượng trưng cho sự may mắn, an lành, hạnh phúc trong năm mới. Em đã mua một phong bao lì xì màu đỏ với ý nghĩa nhiều may mắn và thịnh vượng", Sok Sovandeth kể.
Chàng trai Campuchia khoe biết nhiều câu chúc Tết hay và ý nghĩa như: an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, sức khỏe dồi dào, thành công trong công việc... Sok Sovandeth chúc mẹ đỡ đầu và bố mẹ năm mới mạnh khỏe; bản thân năm nay ra trường có việc làm, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
Lưu học sinh Campuchia dọn nhà đón Tết Việt. Nguồn: (FB Bopha Yos)
Cùng tới nhà mẹ đỡ đầu Bopha Yos có Soeun Sovannaty, sinh viên năm thứ nhất khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, Sovannaty háo hức học bóc bánh chưng. "Năm ngoái, khi học tiếng Việt ở trường Hữu nghị 80 em đã được các thầy cô dạy gói bánh. Em biết bánh chưng có gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong... Em chưa thức đêm trông nồi bánh chưng bao giờ vì nghe thầy cô nói bánh phải luộc lâu, 8-10 tiếng", Soeun Sovannaty cho biết.
Soeun Sovannaty lên kế hoạch đi dạo Bờ Hồ, phố cổ Hà Nội, tận hưởng sự náo nhiệt của ngày đầu xuân, tìm hiểu và khám phá những phong tục chỉ có trong ngày Tết ở Việt Nam.
Với Sengchan Avouy, lưu học sinh Lào đang học tập tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, em đã có hai lần đón Tết cổ truyền của Việt Nam, trong đó lần đầu tiên là vào năm thứ nhất đại học. Đêm giao thừa, Sengchan Avouy đến bến Bạch Đằng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) để xem bắn pháo hoa mừng năm mới. Khi pháo hoa rực sáng trên bầu trời, chàng trai cầu chúc cho gia đình có nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn vào năm mới, đồng thời chúc bản thân mình học tập tốt, gặt hái được nhiều thành công.
Sengchan Avouy cũng được học cách gói bánh tét của Việt Nam. Dù rất khó nhưng cuối cùng chàng trai cũng hoàn thành đòn bánh, nấu và chờ bánh chín để thưởng thức. "Bánh tét rất ngon, chả giò chiên và thịt kho cũng vậy", Sengchan Avouy cho biết.
Chàng trai Lào đặc biệt thích được lì xì mừng tuổi. Điều này làm Sengchan Avouy và nhiều người bạn trẻ Lào cảm thấy bất ngờ và hào hứng vì tết cổ truyền tại đất nước họ không có phong tục này.
Lưu học sinh Lào: hiểu, yêu Việt Nam từ những chuyến đi trải nghiệm |
Ngôi nhà ấm áp của học sinh, sinh viên Lào tại Việt Nam |