Xuân Nhâm Dần 2022: Tết đầm ấm của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản

2024-12-21 12:09:17
"Tết ấm áp, xuân yêu thương" dành cho các sinh viên Lào tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh
Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar chúc Tết bạn bè bằng ca khúc "Ngày Tết quê em”

Thông qua bữa cơm này, họ muốn bày tỏ sự biết ơn của mình đối với các vị khách mời – những người đã đùm bọc họ trong suốt thời gian sinh sống và học tập trên hòn đảo này.

Một góc của đảo Goto thuộc tỉnh Nagasaki, Nhật Bản. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Lê Trung Tín sinh năm 1997 ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, với hoài bão lớn của tuổi trẻ, Tín đã quyết định lên đường sang Nhật Bản du học và trở thành một trong số 16 học sinh đầu tiên của Trường Nhật ngữ Goto. Đây là trường Nhật ngữ dành riêng cho người Việt do chính quyền thành phố Goto hợp tác với chính quyền tỉnh Nagasaki và Đại học Công lập Nagasaki lập ra từ năm 2020. Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tín nói: “Mục tiêu đầu tiên của em khi qua đây học là nâng cao trình độ tiếng Nhật để sau này sẽ có một công việc thích hợp ở Nhật Bản, kiếm thêm thu nhập cho gia đình và sau này trở về đóng góp cho đất nước”.

Tuy nhiên, ngay khi mới đặt chân tới Goto, Tín đã gặp rất nhiều khó khăn, phần vì ngôn ngữ bất đồng, phần vì nhập học vào đúng giai đoạn dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Nhật Bản. Vào những thời khắc gian khó đó, em đã được các thầy cô trong trường cùng với chính quyền và người dân trên đảo Goto đùm bọc và giúp đỡ.

Tín chia sẻ: “Sau khi dịch bệnh bùng phát, tụi em đã nhận được tiền hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản và được trường giảm học phí. Khi thấy tụi em gặp khó khăn, người dân xung quanh cũng cho rất nhiều gạo, dầu ăn và đồ dùng nấu ăn. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ 40.000 yen/tháng tiền học phí cho tụi em. Vì vậy, mỗi tháng, tụi em chỉ phải đóng khoảng 5.000 yen tiền học phí”.

Các nhân viên ở Tòa Thị chính của thành phố Goto thuộc tỉnh Nagasaki, Nhật Bản. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Ngoài giờ lên lớp và tự học, Tín thường tranh thủ đi làm để có thêm thu nhập phụ giúp cho gia đình. Nhưng sau khi dịch COVID-19 bùng phát, công việc của em trở nên bấp bênh hơn. Khi đó, em lại nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và người dân địa phương. Tín tâm sự: “Khi phải nghỉ làm vì dịch bệnh, em vẫn được nhận lương đều đặn, dù ít hơn”.

Cũng giống như Lê Trung Tín, Võ Hoàng Nhã Uyên, năm nay 22 tuổi, là học sinh trong khóa đầu tiên của Trường Nhật ngữ Goto. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô gái đến từ Đà Nẵng đã sang Nhật Bản vào năm 2020, với mục tiêu nói được lưu loát tiếng Nhật và sau này thi vào đại học ở Nhật Bản. Khi mới đặt chân tới “đất nước Mặt trời mọc”, Uyên cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cô đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ chính quyền và người dân địa phương. Uyên chia sẻ: “Người dân địa phương rất yêu quý tụi em, thường xuyên cho bọn em rau củ quả. Xung quanh Goto là biển nên mỗi lần đánh bắt được cá, người dân ở đây đều cho tụi em. Tụi em rất cảm kích trước sự giúp đỡ đó”.

Không chỉ có Tín và Uyên, các du học sinh khác ở Trường Nhật ngữ Goto đều được các thầy, cô giáo và người dân Goto giúp đỡ. Vì vậy, nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, các du học sinh này đã sửa soạn bữa cơm tất niên để bày tỏ sự biết ơn với những người đã đùm bọc và giúp đỡ mình. Uyên nói: “Nhân dịp Tết Nguyên đán truyền thống của Việt Nam, để đáp lại sự giúp đỡ và tình cảm của các thầy, cô giáo và người dân xung quanh, tụi em có làm một số món để đãi mọi người như gà kho xả, bánh bông lan trứng muối, chả giò, bánh bột lọc và bánh chưng”.

Ông Campara Hiroshi, người dân ở Goto, tặng hoa quả cho các du học sinh Việt Nam ở Trường Nhật ngữ Goto. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Trong số các khách mời có mặt tại bữa tiệc tất niên ở Trường Nhật ngữ Goto có thầy Yoshihama Yosuke, Hiệu trưởng nhà trường. Gặp chúng tôi, ông vui mừng nói: “Các món ăn đều rất ngon. Tôi cảm nhận được những tình cảm chân thành mà các em muốn dành cho chúng tôi qua các món ăn này. Vì vậy, tôi rất vui khi được thưởng thức các món ăn đó”.

Thầy Yosuke cho biết thêm: “Các em học sinh Việt Nam đều rất ngoan. Các em đã mang theo nhiều giấc mơ khi sang Nhật Bản để du học tại trường của chúng tôi. Khi sang Nhật Bản, tất cả em đều phải rời xa quê hương và phải ăn Tết xa nhà. Tuy nhiên, các em đều đã nỗ lực hết sức để vượt qua các khó khăn. Vì vậy, tôi tin rằng các em sẽ có một tương lai sáng lạn. Tôi muốn nhắn nhủ với bố mẹ của các em rằng các vị hãy yên tâm và hãy chờ đợi các em trở về”.

Cũng có mặt tại bữa tiệc đặc biệt này là ông Campara Hiroshi, người không chỉ giúp đỡ nhiệt tình cho các du học sinh Việt Nam mà còn vận động những người dân khác trên đảo quyên góp giúp đỡ cho họ. Ông chia sẻ: “Tôi luôn coi các em học sinh Việt Nam như con cháu của mình. Xung quanh đây không chỉ tôi mà còn nhiều người khác cũng chung tay góp sức giúp đỡ cho các em. Chúng tôi mỗi người một tay, tùy điều kiện của mỗi nhà để hỗ trợ các em trong những lúc khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi đã phối hợp với nhà trường để tìm hiểu xem các em cần sự giúp đỡ gì từ chúng tôi”.

Các du học sinh Việt Nam và thầy cô giáo tham dự bữa tiệc tất niên ở Trường Nhật ngữ Goto. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Sau những lời cảm ơn chân thành với những người đã giúp đỡ cho mình trong năm qua, trong dịp Tết đến, Xuân về, các du học sinh Việt Nam tại Goto không khỏi bùi ngùi khi nhớ về gia đình ở quê nhà. Họ đều hy vọng rằng ở nơi xa đó, người thân của họ sẽ luôn bình an và không phải lo lắng về mình. Tín chia sẻ: “Em chúc gia đình và các bạn ở Việt Nam có sức khoẻ dồi dào. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để sau này sẽ có công việc tốt, sau này về Việt Nam có thể làm việc giúp ích cho gia đình và cho xã hội”. Trong khi đó, Uyên xúc động nói: “Em cũng thường hay gọi cho ba mẹ. Em biết ba mẹ cũng buồn nhưng hiện tại, em chỉ muốn nhắn nhủ với ba mẹ rằng em ở bên này vẫn ổn và được nhiều người yêu thương giúp đỡ. Vì vậy, ba mẹ đừng có lo cho em nhiều quá”.

Cùng chung cảm xúc đó, bạn Nguyễn Thị Thúy, 23 tuổi đến từ Quảng Nam, rưng rưng nói: “Lần đầu tiên ăn Tết xa nhà nên em cảm thấy rất là buồn và tủi thân nhưng mà thầy cô ở đây lúc nào cũng suy nghĩ cho cảm xúc của tụi em. Tết của Nhật Bản hay Tết Việt Nam lúc nào cũng tổ chức cho tụi em một cái Tết giống như đang ở Việt Nam, qua đó em cũng cảm thấy an ủi được phần nào”.

Trong lúc trao đổi với chúng tôi, Thúy đã nhiều lần phải dừng lại vì xúc động. Mặc dù vậy, Thúy vẫn khẳng định một cách quả quyết: “Tết này con không có về nhà được, con chúc ba mẹ có một cái Tết vui vẻ, mạnh khỏe. Ở đây con không chỉ có một mình, có rất nhiều thầy cô, bạn bè thầy cô quan tâm đến mình. Con nghĩ là cũng không có khó khăn nhiều nên ba mẹ không cần phải lo lắng cho con nhiều. Con sẽ cố gắng hết sức”.

Các món ăn tại bữa tiệc tất niên ở Trường Nhật ngữ Goto. Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Các bạn trẻ Việt Nam tại trường Nhật ngữ Goto đã sang Nhật Bản với bao hoài bão và ước mơ, dù tuổi còn trẻ và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng vẫn kiên trì vượt qua. Các em đang thực hiện hoài bão và ước mơ của mình bằng quyết tâm của bản thân và sự hỗ trợ của các thầy cô giáo cùng với chính quyền và người dân địa phương.

Sôi động Lễ hội Xuân tại Fukuoka (Nhật Bản)
Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác về y tế
Top