Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tháng 6/2019 diễn ra ngày 4/7, đại diện lãnh đạo các địa phương bày tỏ sự đồng thuận và nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019.
Đại diện các địa phương đánh giá kết quả tích cực của bức tranh kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm trên cả nước cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả đối với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ ban hành năm 2019.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật trong thực tiễn, công tác cải cách thủ tục hành chính, hướng giải pháp phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả đối với từng địa phương.
Giải quyết các vướng mắc đối với các dự án trọng điểm chậm triển khai
Trong 6 tháng của năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành công bố 21 quy trình đồng bộ trong giải quyết các thủ tục hành chính; quy định rõ thời hạn giải quyết hồ sơ tại các sở, ban, ngành và văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây là thông tin được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết trong 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp trọng tâm như tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ đề năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, xem đây là tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố năm 2019 và các năm tiếp theo; tiếp tục triển khai theo lộ trình kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 và định hướng 2025, triển khai đề án khu đô thị sáng tạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố; thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin từ thành phố đến phường, xã, thị trấn theo kiến trúc chính quyền điện tử...
Để giải quyết những vấn đề tồn đọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ ba nội dung cụ thể. Đó là, sớm thông qua nghị quyết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố, đồng thời Thủ tướng sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2020.
Ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn Thủ tướng sắp xếp, có buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 7 để tháo gỡ giải quyết các vướng mắc, khó khăn đối với các dự án trọng điểm chậm triển khai.
Từ cơ sở thực tiễn đặc thù của Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định có liên quan về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở… nhằm giải quyết các nội dung còn vướng mắc hiện nay; sớm ban hành văn bản quy định cụ thể các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến đầu tư, kinh doanh theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Quyết định số 3720/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ cho phép các dự án ODA được giải ngân theo tiến độ; cho phép các dự án đầu tư công sau khi được Hội đồng Nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ Quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng; các tỉnh, thành phố có đoàn khiếu kiện đông người cử lãnh đạo tỉnh, thành phố trực tiếp ra Hà Nội để phối hợp giải quyết.
Giải quyết vướng mắc đối với chính pháp pháp luật về đất đai
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh, thời gian qua, lãnh đạo các cấp của thành phố đã quán triệt, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, duy trì được đà chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng về tăng trưởng kinh tế. GRDP 6 tháng đầu năm của Cần Thơ đạt trên 6,3%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 50%.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị hai nội dung: những vướng mắc trong chính sách pháp luật và cải cách thủ tục hành chính.
Về vướng mắc về pháp luật trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất, ông Lê Quang Mạnh biết, tháng 8/2018, Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư rất thành công.
Sau hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã quay trở lại thực hiện cam kết đầu tư. Đã có 35 dự án trên tổng số 52 dự án Cần Thơ đưa ra kêu gọi được các nhà đầu tư quan tâm với các lĩnh vực chủ yếu như phát triển khu đô thị, đô thị mới, nhà ở thương mại, dịch vụ du lịch…
Tuy nhiên, khi triển khai các quy trình đầu tư cụ thể , thành phố Cần Thơ cũng như một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do có những quy định, mâu thuẫn chồng chéo ở các Luật: Đất đai, Nhà ở, Đầu tư, Đấu thầu… Cuối tháng 9/2018, địa phương đã gửi văn bản kiến nghị tới các bộ, ngành về vấn đề này.
Ông Lê Quang Mạnh nêu vấn đề cụ thể, tại Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội số 52 ngày 4/3/2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 nêu rõ: Luật Đất đai quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá và không đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy định các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.
"Tuy nhiên, giữa hai Luật Đất đai và Đấu thầu và một số các nội dung chưa được viết rõ ràng, chưa quy định, phân biệt rõ trường hợp nào phải đấu thầu dự án có sử dụng đất theo Luật Đấu thầu, trường hợp nào phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật của Luật Đất đai," ông Lê Quang Mạnh nói.
Ông Lê Quang Mạnh nêu câu hỏi: Trường hợp đã thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất thì sau đó có phải đấu giá đất không và ngược lại. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng đề cập đến thời điểm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất. Theo ông, đây là vướng mắc, khoảng trống pháp luật giữa hai luật thuộc thẩm quyền Chính phủ có thể giải quyết, hướng dẫn.
Trước mắt trong thời gian chưa sửa Luật Đất đai, Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Về Chính phủ điện tử, theo ông Lê Quang Mạnh, thời gian qua, các địa phương rất phấn khởi với sự khai trương hệ thống thông tin e-Cabinet của Chính phủ và của Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ trương xây dựng chính quyền điện tử được các địa phương quan tâm và từng bước triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc tự tìm kiếm các giải pháp đầu tư vào lĩnh vực này ở Cần Thơ còn nhiều hạn chế, chưa đủ hành lang pháp lý cho việc thuê dịch vụ bên ngoài, những quan ngại về chuẩn thông tin theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0, các vấn đề về thiết bị đồng bộ đảm bảo tương thích và phù hợp với cấu trúc mô hình Chính phủ điện tử ở Trung ương.
Trước đây, nhiều địa phương đã có cố gắng để áp dụng biện pháp đưa công nghệ thông tin vào hoạt động nhưng khi kết hợp chung lại với quốc gia thì có nhiều trường hợp không tích hợp được.
Ông Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ cho triển khai các dự án, đề án Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử như giải pháp e-Cabinet vừa qua của Chính phủ xuống các địa phương.
Gỡ khó trong thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT
Nêu một số vướng mắc của địa phương tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương 6 nội dung nhằm chủ động giải quyết công việc, đẩy nhanh giải quyết tồn đọng; trong đó có việc cho phép địa phương triển khai dự án sân golf tại nơi không có đất lúa và đất rừng, để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; được phê duyệt các dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, các dự án đầu tư công với mức trên 1.500 tỷ đồng; đề nghị chính phủ giao cho các thành phố lớn được chủ động chuyển đổi trên 10 hecta đất lúa sang để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp; đề nghị Chính phủ không khống chế diện tích đất lúa đối với các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện phát triển công nghiệp tập trung diện tích đất cho phát triển công nghiệp.
Nhắc đến dự án xây dựng Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, ông Nguyễn Văn Tùng cho hay, dự án này do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện nhưng đang chậm trễ. Trước thực tế sân bay này sắp rơi vào tình trạng quá tải, ông Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sớm triển khai dự án trên.
Giống như nhiều địa phương khác đang gặp vướng mắc trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT (xây dựng-chuyển giao), Hải Phòng cũng đang gặp khó trong việc này.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Nghị quyết số 160/NQ-CP của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT đã tạo cơ sở cho các địa phương thanh toán quỹ đất cho các nhà đầu tư đối với các dự án ký hợp đồng trước 1/1/2018, còn các dự án ký sau thời điểm này thì chưa thể thanh toán cho chưa có quy định cụ thể.
Tuy nhiên, thành phố Hải Phòng và nhiều địa phương khác vẫn đang triển khai các dự án ký sau ngày 1/1/2018. Đối với các dự án này vẫn không có cơ sở để thanh toán cho các nhà đầu tư.
"Việc chậm thanh toán, địa phương sẽ phải chịu một phần lãi vay, nếu kéo dài thì thiệt hại mà thành phố Hải Phòng phải chịu là tương đối lớn," ông Tùng nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho các chủ đầu tư thực hiện dự án BT ký sau thời điểm 1/1/2018.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng đề nghị Chính phủ ủy quyền cho địa phương cấp phép đầu tư với các nhà đầu tư có vốn ngoài ngân sách. Về cấp phép đầu tư sân golf, ông đề nghị Chính phủ chỉ quy định tiêu chí để cấp phép, còn có thể ủy quyền cho địa phương cấp phép để đẩy nhanh tiến độ./.
Nguồn bài viết : Trang đánh Baccarat