Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp

2024-12-20 19:05:39
Vân Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các bộ ngành, địa phương Việt Nam
Ngày 28/3, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp đồng chí Vương Ninh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Khoảng 800 đại biểu dự hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12
Dự kiến từ ngày13/4-15/4 sẽ diễn ra hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội.
Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 dự kiến có sự tham gia của trên 800 đại biểu của cả phía Việt Nam và Pháp. Ảnh: VGP/Minh Anh

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, với chủ đề "Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch COVID-19", Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh 4 phiên hội thảo chuyên đề về Đô thị bền vững; Môi trường, nước và xử lý nước; Văn hóa, Di sản và Du lịch; Thành phố thông minh và Số hóa.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu giữa các địa phương, đối tác của hai nước như: Không gian quảng bá các địa phương (với quy mô 100-120 gian hàng quảng bá, giới thiệu về văn hóa, địa điểm du lịch, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các địa phương Việt Nam); lễ hội "Balade en France" (với quy mô 50 gian hàng của các doanh nghiệp Pháp - Việt hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thực phẩm, được tổ chức dưới hình thức hội chợ nhằm giới thiệu đến công chúng về ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm Pháp và nghệ thuật văn hóa ẩm thực Pháp); diễn đàn kinh tế Việt Nam - Pháp; các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); tiệc chiêu đãi chính thức của UBND thành phố Hà Nội; chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị; triển lãm ảnh về quan hệ Việt Nam - Pháp và hợp tác cấp địa phương Việt Nam - Pháp; và chương trình thăm quan các khu danh thắng trong và ngoài Hà Nội, nhất là các địa điểm, công trình dự án hợp tác Hà Nội với Pháp như Bảo tàng về khảo cổ học tại khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, các địa điểm du lịch di sản tại khu phố cổ Hà Nội (do Hà Nội và Toulouse hợp tác thực hiện), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Vườn hoa Diên Hồng, Dự án bảo tồn, trùng tu biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo (do Hà Nội và Ile-de-France hợp tác thực hiện)...

Theo Ban tổ chức, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 dự kiến có sự tham gia của trên 800 đại biểu của cả phía Việt Nam và Pháp, bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các chính quyền địa phương, đại diện các hội hữu nghị, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, nhân sĩ trí thức Việt kiều yêu nước tại Pháp, đại diện các dự án hợp tác giữa Việt Nam - Pháp, một số tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Pháp.

Các sở, ngành của Hà Nội cho biết đến thời điểm này, hầu hết các khâu chuẩn bị cho hội nghị như lễ tân, hậu cần, an ninh đã được hoàn tất và lên phương án chi tiết, nhằm bảo đảm cho hội nghị diễn ra an toàn, thành công và ghi lại dấu ấn tốt đẹp cho các đại biểu Pháp cũng như bạn bè quốc tế.

Hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 tại thành phố Lille (Pháp). Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này không ngừng được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước.

Đến nay, đã có trên 30 địa phương các cấp của Pháp và khoảng 20 địa phương Việt Nam tham gia vào các quan hệ hợp tác theo cơ chế này. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của địa phương Việt Nam và thế mạnh của Pháp như văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn - bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp được đánh giá là một trong những hợp tác quốc tế cấp địa phương phát triển nhất của cả hai nước, xét về số lượng đối tác tham gia hợp tác, cũng như về mức độ cam kết tài chính và quy mô hợp tác.

Hội nghị diễn ra 3 năm/lần theo cơ chế trao đổi thường kỳ và luân phiên. Các địa phương của Việt Nam đã đăng cai tổ chức: Hội nghị lần thứ 6 tại Huế, lần thứ 8 tại Hải Phòng, lần thứ 10 tại Cần Thơ. Hội nghị lần thứ 11 được tổ chức tại thành phố Toulouse, Pháp, có sự tham dự và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Pháp Philippe Dallier.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 là dịp tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp; trao đổi những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách quan hệ hợp tác, liên kết và thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ "hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy" giữa Việt Nam và Pháp; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các mối quan hệ đối tác mới.

Gia Lai tiếp tục đồng hành, hợp tác cùng phát triển với các địa phương của Lào
Cần tăng cường lực lượng của Hội hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ và các hội thành viên ở các địa phương
Top