2025-01-17 18:45:28

Ngày 24/7, kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các thành viên Chính phủ phải chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả, không hình thức, không màu mè trong xây dựng pháp luật để khi ban hành luật đi vào cuộc sống, tháo gỡ được khó khăn, vượt qua được thách thức, huy động được nguồn lực và tạo sự phấn khởi, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp cho việc thực thi pháp luật, tạo ra khí thế, giữ đà phát triển cho đất nước.

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe dự thảo, tờ trình, tổng hợp ý kiến, giải trình tiếp thu ý kiến; quy trình, thủ tục xây dựng luật; tính đồng bộ của quy định; kinh nghiệm quốc tế về vấn đề liên quan; đồng thời thảo luận, xem xét cho ý kiến đối với 5 nội dung: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), dự án Luật Điện lực (sửa đổi), dự án Luật Việc làm, đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Trong đó về Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, trên cơ sở nghiên cứu các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ thống nhất luật hóa chủ trương, đường lối của Đảng và nâng cấp Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp nhằm xử lý hiệu quả các vấn đề khẩn cấp, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các thành viên Chính phủ đề nghị xác định rõ khái niệm, mức độ, phạm vi, thời gian tình trạng khẩn cấp; các tiêu chí xác định tình trạng khẩn cấp; nguyên tắc áp dụng tình trạng khẩn cấp; quyền hạn, phân cấp, linh hoạt, sáng tạo, huy động nguồn lực và biện pháp để xử lý tình trạng khẩn cấp đảm bảo hiệu quả; chính sách đối với các đối tượng bị tác động do hậu quả trong và sau khi áp dụng tình trạng khẩn cấp...

Đối với Dự án Luật Việc làm, các thành viên Chính phủ quan tâm thảo luận về cơ chế, chính sách tạo việc làm; chính sách khuyến khích đối với một số đối tượng lao động, việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; việc đăng ký, quản lý lao động; dịch vụ tư vấn việc làm; thời gian làm thêm giờ, nhất là đối với học viên, sinh viên; kết nối dữ liệu lao động, việc làm với các cơ sở dữ liệu liên quan…

Theo Thủ tướng, dự thảo Dự án Luật Việc làm đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thúc đẩy, tăng cường quản lý Nhà nước về việc làm; tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đáp ứng tình hình phát triển thời kỳ phát triển mới; khuyến khích tính tự giác, tự lực, tự cường của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện Dự án Luật này nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ phi chính thức sang lao động chính thức; nâng cao chất lượng lao động, nhất là kỹ năng nghề; giảm lao động khu vực nông thôn, chuyển dịch tích cực sang khu vực công nghiệp và thành thị.

Luật phải thiết kế cơ chế, chính sách thúc đẩy tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân; đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người dân; kết nối lao động, việc làm trong nước với quốc tế; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, số hóa dữ liệu về lao động, việc làm.

Về đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), thống nhất với việc xây dựng luật, các thành viên Chính phủ thảo luận về các chính sách quản lý Nhà nước về hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài công lập và phát triển thị trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; ứng dụng, phổ biến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào cuộc sống; nhân lực khoa học công nghệ; quỹ phát triển khoa học công nghệ; nhất là đề xuất các chính sách đặc thù, đột phá thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ…

Đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện.

Trong đó, đề cập các vấn đề phát triển các nguồn năng lượng mới như quang điện, phong điện, điện thủy triều, nông điện; gắn việc phát triển ngành điện với các lĩnh vực khác của nền kinh tế như thủy lợi, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, khai khoáng.

Đặc biệt, các đại biểu quan tâm việc phân cấp phê duyệt đầu tư và quản lý công trình, dự án điện; các nguyên tắc của thị trường điện cạnh tranh; đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung-cầu điện; vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng; chất lượng điện năng; an toàn sử dụng điện; chuyển đổi số; nghiên cứu phát triển điện năng…

Liên quan đến Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Chính phủ cho rằng, việc xây dựng Đề án có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Trong đó, Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị nêu rõ, đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các Bộ, ngành đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình cũng như các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, hàm ý chuyên môn cao, có chất lượng của các thành viên Chính phủ; yêu cầu các Bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề án.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định; tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, sự chồng chéo; tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin-cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, góp phần để hệ thống pháp luật minh bạch, khách quan, không chồng chéo, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, công chức; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; có cơ chế thông thoáng, huy động tối đa các nguồn lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Thủ tướng quán triệt nguyên tắc muốn phát triển ngành, lĩnh vực nào thì phải có cơ chế, chính sách cho ngành, lĩnh vực đó; chính sách thiết kế phải đảm khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung; phân công công việc phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” để dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua, khen thưởng; chính sách ưu đãi phải đánh giá kỹ lưỡng, tính đến tác động đa chiều, chọn phương án có tính khả thi cao, điều chỉnh linh hoạt; tiếp tục lấy ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, các đối tượng bị tác động trên tinh thần cởi mở, cầu thị, tiếp thu tối đa ý kiến, tránh cục bộ, cát cứ; tăng cường thông tin, tuyên truyền, đảm bảo nghiêm túc, thỏa đáng, minh bạch để người dân biết, người dân hiểu, người dân cùng làm, người dân cùng tham gia, người dân cùng góp ý, người dân cùng thụ hưởng.

“Các đồng chí tiếp thu để chúng ta làm cho tốt, với tinh thần là chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả, không hình thức, không màu mè, làm sao khi ban hành luật là phải đi vào cuộc sống, tháo gỡ được khó khăn, vượt qua được thách thức, huy động được nguồn lực và tạo sự phấn khởi, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp cho việc thực thi pháp luật, tạo ra khí thế, giữ đà phát triển cho đất nước,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với ý kiến các thành viên Chính phủ, lập Đề án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dài khoảng hơn 1.500 km, có công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; thực hiện trong 10 năm từ năm 2025 đến năm 2035, với tổng kinh phí khoảng hơn 60 tỷ USD.

Dự án phải kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng, kết hợp vận tải hàng hóa nhẹ và khi cần thiết với chủ yếu là vận tải hành khách.

Chỉ đạo việc thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng, triển khai Đề án, Thủ tướng chỉ rõ, dự án cần có cơ chế chính sách huy động tối đa các nguồn lực.

Đặc biệt, phải đánh giá tình hình, tác động của dự án tới nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài để đảm bảo an toàn trong huy động vốn, yên tâm triển khai dự án, tránh thông tin sai lệch, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Yêu cầu việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam phải đảm bảo đồng bộ, liên thông, tận dụng, kết hợp và phát huy được hiệu quả của hệ thống và phương thức giao thông hiện có; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý, khai thác dự án và xây dựng ngành công nghiệp đường sắt..., Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, tập trung cho vận tải hàng hóa, du lịch, nhất là 3 dự án kết nối với Trung Quốc, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; tiếp đó là các tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane; Campuchia, Lào, Việt Nam kết nối với Trung Quốc đi châu Âu...

Thủ tướng nhắc nhở, cùng với việc xây dựng Luật, khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội./.

Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024

Sáng 24/7/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024 để thảo luận, xem xét cho ý kiến về một số dự án Luật và đề án.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn bài viết : TK đầu

Top