Thứ Sáu, ngày 28/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 27 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 470 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,71% tổng số đại biểu Quốc hội); có 462 đại biểu tán thành (bằng 95,06% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội); có 7 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,44% tổng số đại biểu).
Sau đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 469 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,50% tổng số đại biểu Quốc hội); có 464 đại biểu tán thành (bằng 95,47% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,03% tổng số đại biểu Quốc hội).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Tại phiên thảo luận, đã có 14 đại biểu phát biểu, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên cơ sở tổng kết, đánh giá hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trong Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để thể chế hóa chủ trương của Đảng về quy hoạch; xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài; hài hòa giữa phát triển kinh tế với các yếu tố văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết giữa đô thị và nông thôn; khắc phục bất cập của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo luật như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tên gọi của Luật; khái niệm, giải thích từ ngữ; vị trí, vai trò, cấp độ tiêu chí phân loại quy hoạch; mối quan hệ và tính thống nhất giữa hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch khác trong hệ thống các quy hoạch; phân định phạm vi của Luật này với Luật Quản lý phát triển đô thị; thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý quy hoạch.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về nhiều nội dung cụ thể của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; phạm vi, nội dung, mức độ cụ thể, nguồn lực tổ chức quản lý các quy hoạch này; phạm vi, ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch; trường hợp và thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch và cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc duy trì song song quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các thành phố trực thuộc trung ương.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 464 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,47% tổng số đại biểu Quốc hội); có 463 đại biểu tán thành (bằng 95,27% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản.
Tại phiên thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu, có 1 đại biểu tranh luận. Qua thảo luận, đa số đại biểu thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật, tán thành nhiều nội dung trong dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung cụ thể như: phạm vi điều chỉnh; chiến lược quy hoạch địa chất, khoáng sản; quy hoạch khoáng sản; phương án quản lý về địa chất và khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh; phân nhóm khoáng sản; thu hồi khoáng sản; khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; chính sách nhà nước về địa chất, khoáng sản; quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản; giấy phép khai thác khoáng sản; đăng ký hoạt động khai thác khoáng sản; nhiệm vụ, trách nhiệm lập quy hoạch thăm dò khoáng sản; trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Các đại biểu cho ý kiến về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; nguyên tắc hoạt động thăm dò, khai thác, thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển; trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác; giám đốc điều hành mỏ; điều khoản chuyển tiếp; giải thích từ ngữ...
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội họp riêng, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sáng 29/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023." Sau đó, Quốc hội họp phiên bế mạc./.
Quốc hội sẽ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Nghị quyết về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành...