NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

Nguyên Đại sứ Israel tại Việt Nam: Israel coi Việt Nam là một đối tác lớn

2024-12-20 20:00:26
Giới thiệu phở Việt Nam tới bạn bè Israel
Cảm nhận "nhịp đập Israel" tại Hà Nội

Nguyên đại sứ Amikam Levy cho biết trước khi thiết lập quan hệ, các hoạt động ngoại giao, giao lưu nhân dân giữa hai bên rất hạn chế, chưa phát triển như hiện nay. Có rất ít khách du lịch Israel sang thăm Việt Nam, mỗi năm chỉ khoảng 400-500 lượt khách, do vướng mắc trong thủ tục cấp thị thực ở cả hai phía. Tuy nhiên, sau khi thiết lập quan hệ, các thủ tục được mở cửa, rất nhiều khách du lịch Israel sang Việt Nam và ngược lại, mở rộng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và thu nhập cho người dân.

Ngày 2/4/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyên Hồng Diên đã thống nhất nội dung và chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và IIsrael (VIFTA) và thảo luận các vấn đề thương mại song phương (Ảnh minh họa: TTXVN).

Là Đại sứ thứ tư của Israel với thời gian công tác tại Việt Nam trong giai đoạn 2001-2003, ông Levy cho biết khi đó các nhà ngoại giao hai nước đã làm việc rất vất vả để hình dung và tạo lập cho những bước phát triển như ngày nay. Hơn 10 năm sau khi thiết lập quan hệ, Việt Nam vẫn chưa mở Đại sứ quán tại Israel. Xác định việc mở Đại sứ quán là nhiệm vụ ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, mỗi khi gặp các lãnh đạo và đồng nghiệp phía Việt Nam, ông Levy đều đề cập khía cạnh này. Đến năm 2009, Đại sứ quán Việt Nam chính thức khai trương tại Israel.

Ông Levy nhấn mạnh rằng với sự kiện này, ông đã "hoàn thành giấc mơ" của mình. Với ông, giấc mơ đó bắt nguồn từ nguyện vọng trước đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Israel Ben Gurion. Hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau tại Paris (Pháp) trong giai đoạn 1946-1947, cùng thảo luận, cùng trăn trở với lời thề nguyện mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Theo ông, cả hai nhà lãnh đạo đều có tầm nhìn vĩ đại hướng tới một quốc gia độc lập, vì quyền lợi của dân tộc và nhân dân. Đây là một nét tương đồng về lịch sử giữa Israel và Việt Nam và là yếu tố đưa Việt Nam và Israel xích lại gần nhau.

Nguyên Đại sứ Levy cũng cho rằng: “Về mặt văn hóa, người Việt Nam và người Do Thái hoàn toàn khác nhau. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta thực sự có chung các giá trị cơ bản, giá trị về gia đình, về tình bạn, về ý chí mạnh mẽ để hiểu biết lẫn nhau, cùng cam kết mang lại an ninh và thịnh vượng cho người dân”.

Từng đảm nhận các vị trí ngoại giao ở 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm Thụy Điển, Mỹ, Italy, Việt Nam, Trung Quốc, ông Levy cho biết đã tiếp cận nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông cũng nhấn mạnh rằng: "Việt Nam luôn chiếm một góc đặc biệt trong trái tim tôi".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội, trong đó điều khiến ông Levy ấn tượng hơn cả là sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, nguyên Đại sứ Israel nhận xét với khoảng 10 triệu dân, Israel dù có quy mô nhỏ so với Việt Nam, nhưng được biết đến như một quốc gia đi đầu trong sáng tạo và đổi mới. 75 năm trước, vùng đất này hầu hết là sa mạc, với cát và biển. Ngày nay Israel đã đạt được nhiều thành tựu về công nghệ cao, nông nghiệp, y tế, khoa học, đô thị thông minh …Chính vì vậy, Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của Israel. Israel mong muốn chia sẻ những thành tựu này, muốn trở thành một đối tác trong quá trình phát triển của Việt Nam; đồng thời cũng có thể học hỏi rất nhiều từ các kinh nghiệm phát triển của Việt Nam.

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel – Việt Nam, ông sẽ nỗ lực thúc đẩy ngoại giao nhân dân, kết nối người dân hai nước, thuyết phục bạn bè đối tác tới Việt Nam làm ăn, kinh doanh. Rất nhiều lĩnh vực hai bên có thể hợp tác, một trong số đó là năng lượng sạch. Israel sở hữu những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Ông Levy mong muốn sẽ tổ chức các đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam, kết nối họ với thị trường trong nước, tìm kiếm đối tác phù hợp. Việc này có thể sẽ mất thời gian, nhưng chắc chắn sẽ thành công, bởi Israel coi Việt Nam là một đối tác lớn và dành nhiều sự tin tưởng. Đặc biệt, sắp tới hai nước sẽ ký Hiệp định thương mại song phương sẽ giúp “hợp tác khoa học và công nghệ bùng nổ và thành công”.

Ông Levy khẳng định: “Nếu nhìn vào quan hệ Israel và Việt Nam ngày nay, tôi cam đoan chỉ trong vòng 5-10 năm tới, mối quan hệ này sẽ còn gắn kết và gần gũi hơn nữa. Rất nhiều công ty Israel sẽ chuyển địa điểm sang Việt Nam, bởi tôi biết rất nhiều công ty hàng đầu tại đây hiểu rằng Việt Nam là một thị trường rất lớn và cơ hội sẽ là khổng lồ”.

Theo baotintuc.vn

https://baotintuc.vn/thoi-su/nguyen-dai-su-israel-tai-viet-nam-israel-coi-viet-nam-la-mot-doi-tac-lon-20230712071459261.htm

Ban nhạc "Ice Hokku": Mong muốn kết nối Việt Nam - Israel bằng âm nhạc
VIFTA sẽ là bước đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Israel
Top