Đắk Lắk: Lễ hội cơm mới ở Buôn Thái |
Lễ hội Du lịch, Văn hoá Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2022 |
Hàng năm, lúc trời vào cuối Thu và đầu mùa Đông, đồng bào dân tộc Thái trắng ở xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) lại cùng nhau tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu với nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn du khách.
Mở màn Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu là nghi thức rước hồn lúa, là nghi lễ linh thiêng thể hiện sự trân quý hồn lúa và đề cao Thần nông. |
Dân tộc Thái là một trong những dân tộc có nguồn gốc bản địa, cư trú lâu đời ở Tây Bắc nói chung và huyện Phong Thổ nói riêng. Trong quá trình phát triển, đồng bào Thái không ngừng tạo ra các giá trị văn hoá truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu - một trong những lễ thức mang tính truyền thống của cộng đồng người Thái.
Mở màn cho Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu là nghi thức rước hồn lúa, đây là nghi lễ linh thiêng thể hiện sự trân quý hồn lúa và đề cao Thần nông. |
Cứ mỗi độ Thu về, khi màu vàng trải dài trên khắp nương đồi cũng là lúc báo hiệu mùa thu hoạch lúa mới của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Người Thái ở Phong Thổ cũng háo hức chờ đón những ngày này để tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, cầu cho dân làng trong bản, trong mường và du khách có nhiều điều tốt đẹp, luôn khoẻ mạnh, no ấm; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu.
Khi đi rước hồn lúa, những cô gái Thái sẽ chọn ra những bông lúa to đều, mẩy hạt từ cánh đồng để mang về làm lễ cúng hồn lúa. |
Ông Bùi Quang Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ cho biết: Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu còn gọi là Lễ hội Cốm mới được tổ chức hàng năm vào lúc trời cuối Thu và đầu mùa Đông trên cánh đồng Mường So, huyện Phong Thổ. Đây là dịp để đồng bào thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh đã ban cho bản làng, người dân mùa màng bội thu và nhiều điều tốt đẹp. Lễ hội còn là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu cùng hội tụ, giao lưu văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau khi rước lúa về, những cô gái Thái dâng lúa lên để thầy mo làm lễ cúng hồn lúa. |
Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện 4 nghi thức là: rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm, cầu bình an; cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn. Phần hội, đồng bào Thái và du khách cùng tham gia các trò chơi truyền thống.
Sau nghi thức rước hồn lúa về, thầy mo trong bản tiến hành làm Lễ cúng hồn lúa để bày tỏ lòng biết ơn của dân bản đối với thần linh. |
Mở màn cho phần lễ là nghi thức rước hồn lúa, đây là nghi lễ linh thiêng thể hiện sự trân quý hồn lúa, đề cao Thần nông. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất, sinh hoạt, đồng bào Thái đã “thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng và cho rằng cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy, mỗi khi tổ chức Lễ hội đều phải đi rước “hồn lúa” từ cánh đồng, nương rẫy về để thờ cúng.
Nghi thức giã cốm được chia thành 2 bên nam, nữ thể hiện sự giao thoa của 4 mùa và của âm dương hòa hợp. |
Theo kinh nghiệm phân biệt dân gian của người Thái, lúa thành hạt được chia ra 4 loại. Loại thứ nhất gọi là khẩu kít, hạt rất non bên trong còn chứa nhiều sữa; tiếp theo là khẩu mảu, hạt chín hơn một chút nhưng vẫn mềm, hơi sữa, chuyên dùng chế biến thành gạo cốm (lúa cốm). Khẩu hang loại thứ 3 có hạt tương đối cứng thường dùng để đồ xôi nhờ tính chất dẻo và vị thơm ngọt. Cuối cùng là khẩu khao hay gạo thường ăn hàng ngày.
Khi đi rước hồn lúa về làm lễ cần chọn ngày tốt. Trên đường đi còn có tục hèm, tức là gặp ai chào cũng không được trả lời, im lặng đi thẳng ra ruộng lúa. Khi hái lúa dùng cho nghi lễ phải hái cả bông lúa và lá lúa, có như vậy hồn lúa mới hài lòng và thể hiện lòng cảm tạ Thần nông đã bảo vệ cây lúa trổ bông tươi tốt.
Sau lễ cúng hồn lúa, lúa được mang đi nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục sao cho nóng đều và duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt, dậy mùi thơm. |
Tiếp theo là nghi thức cúng hồn lúa. Xuất phát từ ý niệm “vạn vật hữu linh” nên đồng bào Thái quan niệm mọi vật thể tồn tại, phát triển được nhờ có linh hồn, số phận con người phụ thuộc vào lực lượng siêu nhiên, thế giới siêu linh. Những yếu tố vô hình thiêng liêng này quyết định cuộc sống trên trái đất, được người Thái gọi là Chảu (Chủ). Thiên nhiên quanh họ như trời, đất, núi, sông, cây cối... đều có các Chảu ngự trị, nên được họ sùng bái, cúng tế để làm chỗ dựa tinh thần.
Tiếp đến là nghi lễ giã cốm, cầu bình an. Công việc chế biến lúa cốm khá phức tạp từ khâu giã cốm rồi tới nướng chín. Thóc được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục cho nóng đều; lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ mất đi độ dẻo. Khi nướng xong thì cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để chày giã không mạnh quá hoặc nhẹ quá. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa.
Trong phần lễ sẽ không thể thiếu điệu múa khăn và tiếng đàn tính tẩu của những chàng trai, cô gái dâng lên thần linh. |
Kết thúc phần lễ là nghi thức cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn. Sau khi đoàn người thực hành xong nghi thức tại điểm thờ cúng, thầy cúng bắt đầu mang đồ lễ ra ngoài phát lộc, cầu bình an, cầu cho dân làng trong bản, trong mường và du khách luôn khoẻ mạnh, no ấm.
Sau khi xong phần lễ, đồng bào Thái cùng du khách hòa mình vào các trò chơi dân gian, điệu múa như: kéo co, nhảy sạp, ném còn và múa xòe. Các hoạt động đã gắn kết người dân, du khách đến gần nhau hơn và trân trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Người phụ nữ Thái hào hứng với trò tung còn. Quả còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho việc rũ bỏ những việc xấu, những buồn đau để đón ấm no, hạnh phúc. |
Toàn huyện Phong Thổ hiện có 11 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 20% và sống tập trung tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Vùng đất Mường So, Khổng Lào được xác định là cái nôi của văn hóa dân tộc Thái trắng ở tỉnh Lai Châu. Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó có dân tộc Thái. Đây là việc làm đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc phục dựng, bảo tồn các lễ hội. Hiện huyện đang hỗ trợ bảo tồn 8 lễ hội của đồng bào dân tộc Dao, Thái, Mông nhằm khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch.
Trong các lễ hội của đồng bào Thái, múa sạp là một trong những điệu múa truyền thống không thể thiếu của bà con. |
Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho hay: Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu là một lễ hội truyền thống đặc trưng của dân tộc Thái khu vực Mường So. Lễ hội được phục dựng, bảo tồn nhằm giữ gìn nét văn hóa đặc trưng riêng và động viên tinh thần bà con hăng say lao động sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và tăng cường ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Phong Thổ nói riêng và Lai Châu nói chung.
Thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục quan tâm bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn bằng việc duy trì, tổ chức thường niên các lễ hội; khôi phục, phụng dựng Lễ hội áp hô chiêng của người Thái. Mặt khác, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến khích đồng bào bảo tồn nét văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn nhằm xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh cho nhân dân.
Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều, nét văn hóa đậm đà bản sắc |
Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia |