Nét đặc sắc trong lễ cưới của người Dao đỏ ở Tuyên Quang

2024-12-21 13:19:54
Thúc đẩy quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn, thông qua Hội thảo “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội”, sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Việt Nam lan tỏa trong nước và quốc tế.
Đặc sắc lễ cúng Thu
Việc tế tự tại các đình trên địa bàn TP Tuy Hòa theo phong tục truyền thống vào tháng 8 âm lịch hàng năm dưới hình thức cúng Thu là dịp bà con tề tựu về đình, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt; cầu cho dân giàu nước mạnh, Nhân dân được bình yên và cầu siêu cho các vị tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã có công xây dựng vùng đất thế hệ hôm nay thừa hưởng với lòng biết ơn sâu sắc.

Theo truyền thống trước đây, lễ cưới của người Dao đỏ ở Tân Thành thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm nhưng nay đã được rút ngắn lại theo nhịp sống văn hóa mới. Lễ diễn ra 1 ngày 1 đêm ở nhà trai, còn nhà gái chỉ tổ chức 1 bữa ăn vui vẻ đưa cô dâu về nhà chồng.

Với người Dao Đỏ ở huyện Hàm Yên trước đây cũng như hiện nay, dù do cha mẹ sắp đặt hay đôi bạn trẻ tự tìm hiểu, yêu thương nhau rồi đi đến quyết định hôn nhân thì bao giờ cũng phải nhờ thầy xem tuổi. Khi hợp tuổi rồi, để tiến tới làm đám cưới, theo già Triệu Văn Chiến ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang thì một thủ tục bắt buộc nữa của người Dao đỏ là phải nhờ thầy chọn ra ngày, giờ tốt để làm lễ cưới với mong muốn mang hạnh phúc cho đôi trẻ.

Chuẩn bị đi đón dâu

Để tiến tới tổ chức lễ cưới, nhà trai phải sang nhà gái ít nhất 3 lần. Lần đầu tiên đi ăn hỏi thì nhà trai không phải mang lễ vật gì. Người đi hỏi (tức là ông bà mối) do bố mẹ chàng trai lựa chọn phải là người am hiểu phong tục, tập quán, nói năng lưu loát và phải là người có đức độ, liêm khiết, có uy tín với bà con dân làng. Sau khi ướm hỏi nếu được bên nhà gái nhất trí thì mới về báo gia đình nhà trai chuẩn bị. Lần thứ hai là lễ ăn hỏi. Đến lần thứ 3 là mang lễ vật gồm thịt lợn, gà, gạo, rượu sang để cho nhà gái chuẩn bị tổ chức lễ cưới.

Ngoài ra, lễ vật còn nhiều sính lễ khác và tùy thuộc vào mỗi gia đình. Có những gia đình thường đưa ra những yêu cầu rất cao (trước đây gọi là thách cưới) như bạc trắng lên tới 100 đồng và kèm theo đó là mấy tạ lợn, quần áo, đồ trang sức… Tuy nhiên hiện nay, theo nếp sống văn hóa mới, việc thách cưới đã giảm, chỉ mang tính tượng trưng. Nếu không có bạc trắng thì có thể quy đổi ra tiền mặt.

Nét đặc sắc nhất trong đám cưới của người Dao đỏ ở Hàm Yên là lễ đón dâu. Lễ này diễn ra diễn ra nhiều thủ tục, mỗi thủ tục chứa đựng các giá trị về văn hóa tinh thần cũng như lịch sử của người Dao đỏ.

Nghi lễ đón dâu bắt đầu từ bên nhà trai, đoàn đón dâu bao giờ cũng phải đi lẻ gồm ông bà mối, chú rể, phù rể, những người phục vụ gồng gánh lễ vật, của hồi môn và đoàn nhạc gồm kèn, trống, chiêng, chũm chọe, thanh la sang nhà gái. Trên đường đi qua các thôn bản, người thổi kèn thổi các bài ca chào mọi người người dân ở các thôn bản. Ông Đặng Chà Chiu, thầy kèn xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên cho biết: “Hôm đám cưới nhà trai đi đón nhà gái, thổi kèn đi đón dâu. Các cụ đời cha truyền rồi, đám cưới thổi kèn mới vui, đồng thời chúc cho đôi nam nữ hạnh phúc mãi mãi, làm ăn phát đạt, sau này sinh con mẹ tròn con vuông”.

Dặn dò trước khi con gái về nhà chồng.

Đến cổng nhà gái, ông mối nhà trai có lời thưa để xin phép vào nhà làm lễ. Sau khi được nhà gái đồng ý, đoàn nhà trai sẽ vào để làm nghi lễ đón dâu về nhà chồng. Theo phong tục, trên đường đón dâu về, cô dâu được trùm một tấm khăn màu đỏ đen, người phù dâu dùng khăn che mặt cho cô dâu. Người Dao đỏ quan niệm, trong lễ rước dâu cô dâu không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ cúng tạ tổ tiên.

Trước khi đến nhà chú rể, cô dâu phải trải qua nghi lễ giải hạn do nhà trai tổ chức. Ông Triệu Phù Sinh, xã Tân Thành cho biết thêm: “Đón dâu về đến dọc đường phải khái quan, với mục đích là để xua đi những cái xấu. Khái quan xong thì mai sau sinh con trai, con gái nó mới mạnh khỏe. Sau đó mới đến các nhạc kèn trống, trước khi đưa cô dâu vào nhà trai phải vòng 3 vòng”.

Chuẩn bị nhạc cụ để đi đón dâu.

Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà trai sẽ phải nghỉ chân trên đường, chờ người dẫn đường của nhà trai về báo trước. Nhà trai sẽ cử một đoàn kèn, trống và ông chủ lễ ra cổng đón. Trong lúc hai bên gặp nhau thường diễn ra cuộc hát đối đáp và mời nhau uống rượu.

Đến nhà trai, đoàn rước dâu phải đợi giờ tốt, đợi thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên thì mới được vào nhà. Đến giờ làm lễ, cô dâu đứng trước bàn thờ đợi chú rể được đại diện nhà trai dắt ra với chiếc khăn chùm đầu giống hệt với chiếc khăn của cô dâu. Lúc này thầy cúng, người được xem là chủ lễ trong đám cưới bắt đầu các nghi lễ.

Sau lễ cưới 30 ngày, đôi vợ chồng trẻ sẽ mang gà, rượu về nhà ngoại để lại mặt. Theo phong tục, trong phạm vi 30 ngày đó, cô dâu chỉ làm việc trong nhà, không được đi thăm hỏi các nhà trong họ, trong làng, không được về nhà mẹ đẻ.

Mẹ chuẩn bị trang phục, tặng vòng cổ và dặn dò con gái trước khi nhà trai đến đón dâu.

Một trong những điểm nhấn trong lễ cưới của người Dao đỏ chính là trang phục của cô dâu với khăn, mũ và áo trong sự kết hợp của sắc màu, sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống do chính cô dâu tự làm trước đó. Trang phục của cô dâu cũng thể hiện sự khéo léo, tinh tế của người con gái Dao đỏ. Cô dâu Phàn Thị Nguyệt ở xã Tân Thành chia sẻ: “Bộ trang phục cô dâu chúng em phải chuẩn bị một năm và thêu tay hết. Từ khi nhà trai đám hỏi xong là thêu, đến khi mình thêu hết là có thể tổ chức đám cưới”.

Cùng với trang phục, khi được rước dâu về nhà chồng, cô dâu Dao đỏ nào cũng đeo đôi vòng bạc trên cổ. Đây là món quà quý nhất của bố mẹ cho con gái, là biểu tượng tinh thần, là sự chăm sóc và luôn ở bên con, là động lực để con gái vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cô dâu Dao đỏ phải trùm khăn khi rước dâu

Cùng với cô dâu, trong ngày cưới chú rể cũng mặc những bộ trang phục truyền thống. Khi đi rước dâu về, tấm khăn cũng là một thứ không thể thiếu để đón vợ. Bởi tấm khăn là biểu tượng của sự kết nối hạnh phúc bền chặt của đôi trẻ trao cho nhau trong ngày cưới.

Trong tiếng nhạc kèn pí lè, tiếng trống, tiếng thanh la vui nhộn và những bộ trang phục Dao đỏ sặc sỡ sắc màu, đoàn người rước dâu hân hoan nối dài như sợi dây tơ hồng gắn kết tình yêu của họ hòa cũng những lời chúc phúc cho cuộc sống hạnh phúc bền lâu của đôi trẻ.

Đặc sắc ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đăk Hà, Kon Tum
Đặc sắc lễ mừng cơm mới ở miền quê cổ tích Ngọc Chiến
Top