Nậm Pồ (Điện Biên) tô thắm tình hữu nghị Việt - Lào |
Tiếng hát ngợi ca tình hữu nghị Việt - Lào |
Phóng viên: Ông có thể cho biết, khởi nguồn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt - Lào mà bà con trong bản gìn giữ và vun đắp trong suốt những năm qua?
Ông Tráng Lao Minh: Cách đây khoảng 70 năm, Ban Xung phong Lào - Bắc, đứng đầu là ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản (sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào – PV) về bản chúng tôi hoạt động bí mật để chuẩn bị xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Viêng Xay (Lào). Người dân trong bản chúng tôi, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô đã hết sức giúp đỡ các cán bộ của Ban Xung phong Lào – Bắc hoạt động cách mạng. Từ đó, nhân dân trong bản chúng tôi luôn giữ mối quan hệ gần gũi, hữu nghị với, bà con nhân dân bản Keo Lôm và Nà Khạng xã Phiêng Sa, huyện Siềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, Lào.
Ông Tráng Lao Minh (ngoài cùng bên trái) trao đổi về tình hình an ninh trật tự với cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng On. |
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ những câu chuyện cảm động về tình đoàn kết giữa nhân dân Bản Lao Khô 1 với người dân bản Keo Lõm và Nà Khang?
Ông Tráng Lao Minh: Bà con bản Lao Khô 1 luôn coi người dân xã Phiêng Sa như người nhà, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn. Có không ít lần người dân xã Phiêng Sa bị bệnh nặng cần đưa đi cấp cứu trong khi phía bên bạn cơ sở y tế quá xa lại không đảm bảo trang thiết bị, đường sá đi lại rất khó khăn vì vậy bạn ngỏ lời nhờ chúng tôi đưa đi xuống huyện Bệnh viện huyện Yên Châu chữa trị. Trong bản đã cử các thanh niên khỏe mạnh giúp kiêng bệnh nhân người Lào đi cả ngày xuống dưới bệnh viện huyện để mổ thận. Nhờ được cấp cứu kịp thời, người bệnh đã qua cơn nguy kịch và khỏi bệnh.
Trong suốt thời gian qua, nhân dân hai bên luôn vun đắp tình hữu nghị mà các bậc cha ông chúng tôi đã xây dựng. Phía bạn Lào có tang ma, cưới hỏi đều sang nhờ dân bản Lao Khô 1 giúp đỡ và ngược lại. Vào dịp lễ, tết, chúng tôi đều tổ chức đoàn sang thăm hỏi, giao lưu với nhau. Chúng tôi cũng tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cùng nhau học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý điều hành cũng phát triển kinh tế, xã hội....
Khu Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào là nơi ghi dấu sự kiện hoạt động cách mạng và xây dựng cơ sở cách mạng của Ban xung phong Lào - Bắc và lãnh tụ Cay-xỏn Phôm-vi-hản. |
Phóng viên: Về việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo hai bên đã giúp đỡ nhau như thế nào thưa ông?
Ông Tráng Lao Minh: Phía bạn chủ yếu trồng ngô và lúa. Người dân phía bạn Lào thường mang nông sản sang Việt Nam bán và mua đồ dùng sinh hoạt từ Việt Nam về dùng. Hiện nay, nhận thấy bà con bản Lao Khô 1 trồng mận mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, một số người dân phía bạn đã triển khai trồng mận. Chúng tôi luôn sẵn lòng hướng dẫn bạn về mặt kỹ thuật chăm sóc cây trồng để tăng năng suất, mang lại thu nhập cao.
Phóng viên: Được biết, bản Lao Khô 1 đã kết nghĩa với bản Nà Khạng và Keo Lôm. Xin ông cho biết, hoạt động kết nghĩa giữa hai bên được duy trì như thế nào và mang lại những hiệu quả gì?
Ông Tráng Lao Minh: Chúng tôi tổ chức sơ kết định kỳ hàng năm và thường xuyên giao ban trao đổi tình hình từ việc thăm hỏi và tham gia tuần tra song phương, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế-xã hội, cung ứng vật tư nông nghiệp, giúp đỡ nhau về con giống, cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nhân dân các bản bên bạn, tổ chức giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ trong các dịp lễ tết. Chúng tôi cùng giúp đỡ nhau giữ gìn văn hóa truyền thống của mỗi bên. Chúng tôi cũng phối hợp với nhân dân Lào và các lực lượng bảo vệ biên giới của hai bên tuần tra và phát quang đường tuần tra biên giới mỗi năm 2 lần
Thông qua các hoạt động giao ban và gặp gỡ, giao lưu, bà con hai bên đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau hơn. Chúng tôi cũng kịp thời trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình an ninh trật tự hai biên giới để thông báo, cung cấp cho Đồn Biên phòng Chiềng On và chính quyền để xử lý giải quyết kịp thời.
Hiện nay, bà con đều có ý thức rất tốt trong công tác bảo vệ đường biên cột mốc, không còn hiện tượng xâm canh, xâm cư. Người dân cả hai bên đều tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy chế kết nghĩa, quy chế biên giới Việt Nam - Lào, không qua lại biên giới trái phép.
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân hai bên được giữ vững và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, các phong tục tập quán lạc hậu đã dần được bãi bỏ như chết không để lâu trong nhà, cưới xin không thách cưới bằng tiền bạc trắng.
Bản chúng tôi hiện có Khu tích lịch sử cách mạng Việt Nam-Lào đã được chỉnh trang, xây dựng rất đẹp. Người dân bản chúng tôi và bản Nà Khạng, Keo Lôm hay sang thăm quan, tìm hiểu mối quan hệ lịch sử đoàn kết tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt – Lào.
Trong thời gian tới, bà con trong bản chúng tôi sẽ tiếp tục giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các bản giáp biên phía bạn Lào thông qua việc giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn văn hóa truyền thống, cùng bảo vệ biên giới.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Những người bạn Mỹ trở lại Việt Nam, mong muốn vun đắp tình hữu nghị |
Tôn vinh Đại sứ Sengphet Houngboungnuang vì những nỗ lực vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào |