Tết Nguyên đán 2021: Người Việt xa quê chung sức, chung lòng hướng về quê hương trong dịch COVID-19

2024-12-21 13:24:00
Chương trình Xuân quê hương 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức phù hợp
Người dân Hải Dương đi làm ăn xa vẫn tấp nập về quê đón Tết Tân Sửu

Không khí Tết đang tràn ngập trên khắp phố phường, từng dòng người đông đúc đi chợ hoa, cây cảnh và đi mua sắm chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất năm. Tuy nhiên, với nhiều du học sinh, người lao động đang làm việc tại nước ngoài, Tết là thời điểm mang theo nhiều trăn trở. Đặc biệt, khi mà dịch COVID -19 vẫn còn, lao động khó có thể đón cái Tết yên ấm nơi quê nhà, cũng không có cơ hội để tụ tập đón Tết với nhau.

Hiểu được tâm tư của những người con xa xứ đang đón Tết Cổ truyền của dân tộc ở một đất nước khác, PV Thời Đại đã có dịp trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ từ đồng bào ta trong những ngày cuối năm Canh Tý.

Quyên góp tiền của, vật chất gửi về nước tham gia

phòng chống dịch

Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh chụp ảnh lưu niệm trong dịp Tết năm ngoái.

Ông Vũ Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh chia sẻ với Thời Đại về tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát cùng với những biến chủng mới đang là tâm điểm nóng ở nước Anh. Hiện số nhiễm bệnh và tử vong ở đây đang tăng cao và rất nhanh, số người tử vong đã tới con số trên 100.000 người người. Lệnh lockdown phong tỏa tự cách ly và đóng cửa các của hàng cửa tiệm của người dân cùng các cơ quan chính quyền. Ngoại trừ một số siêu thị bán thực phẩm, tiệm bán thuốc, bán xăng dầu là được mở.

Năm nay, nước Anh không tổ chức tụ họp chào đón giáng sinh và đón năm mới. Nên các cộng đồng ở Anh quốc cũng chấp hành nghiêm chỉnh, mọi tổ chức vui chơi giải trí cho bà con, mọi chương trình đón Xuân vui Tết cổ truyền của dân tộc đều bị hủy bỏ. Đại sứ quán Việt Nam ở London có gửi thư và quà Tết cho một số gia đình Việt kiều ở London và một số tỉnh thành.

Về vấn đề vận chuyển hàng hóa cho bà con đón Tết thì ở đây, có một số siêu thị lớn của người Việt Nam và Trung quốc vẫn có hàng hóa bán, không thiếu thứ gì, lương thực thực phẩm, thịt cá và các mặt hàng không khan hiếm.

"Từ bánh, mứt, kẹo, cho tới rau cỏ, nước mắm từ Việt Nam,... đều bán đầy đủ. Còn các thứ như bánh chưng và các loại bánh khác thì có người ở đây có người chuyên làm bán hàng ngày ở một số của hàng. Nói chung thì các thứ mặt hàng hương vị Tết thì tương đối đầy đủ phục vụ cho bà con quanh năm", ông Thanh cho biết.

Anh Quốc đang phong tỏa các sân bay nên vận chuyển và đi lại giữa Việt Nam và Anh cũng bị bế tắc, nhiều người muốn bay về Việt Nam cũng không được. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Thanh, thương mại vẫn có thể vận chuyền bằng tuyến đường biển hoặc đường bay thương mại đặc biệt khác.

Mọi năm vào những dịp Tết nguyên đán thì Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại London, cùng với Hội sinh viên Việt Nam tổ chức cho bà con đón Tết mừng xuân, rất chu đáo, vui vẻ đầm ấm lắm.

Năm nay, vì dịch bệnh và cần phải tuân thủ luật pháp, những biện pháp chống dịch của nhà nước nên Hội cũng chấp hành nghiêm chỉnh, bất động không tổ chức tụ tập vui chơi giải trí mà chỉ hô hào mọi người đóng góp tiền của vật chất gửi về nước tham gia phòng chống dịch.

Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vương quốc Anh tâm sự: "Một số người đã đứng ra tổ chức nấu nướng tại một nhà hàng và mang hàng nghìn suất cơm tới ủng hộ 3 bệnh viện bồi dưỡng cho các y bác sĩ chống dịch suốt 1 tháng tại thủ đô London. Rồi bà con làm khẩu trang tặng cho đồn cảnh sát và quần chúng, quyên góp tiền gửi mua vật dụng y tế tặng bệnh viện, thông dịch và giúp đỡ cho những hoàn cảnh khi tới khám bệnh... làm cho các y bác sĩ người Anh cũng rất xúc động cảm kích tấm lòng nhân ái của Việt kiều ta".

Hiện nước Anh đang tổ chức tiêm Vaccine cho toàn dân. Ông Vũ Kim Thanh cho biết, trong tương lai, dập xong dịch thì Hội lại tiếp tục tổ chức ngày “Mái Ấm Việt” cứ 3 tháng một lần cho bà con tụ họp giao lưu sinh hoạt, ca hát, trao đổi, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống, thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Hội sẽ tổ chức thi đá bóng đá; tổ chức cho các cháu thiếu nhi đón Tết Trung thu; tổ chức cho các văn nghệ sĩ từ Việt Nam sang trình diễn cho bà con thưởng thức văn hóa văn nghệ của quê hương; tổ chức lớp dậy tiếng Anh - tiếng Việt cho bà con trên mạng và trong lớp học tại địa phương...

"Những dịp này bà con Việt kiều rất nhớ người thân, bạn hữu, nhớ quê hương và những kỷ niệm xưa nên tâm trạng thật buâng khuâng khó diễn tả được. Nhưng nói chung là thấy Tết rất thiêng liêng, như một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được để duy trì nhưng phong tục tập quán, tưởng nhớ về gia tiên tiền tổ và những người thân khuất núi . Đồng thời, đây cũng là dịp để chúng tôi báo đáp công ơn sinh thành với ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đang sống gần hoặc ở nơi xa xôi cách trở. Qua đó, có được niềm vui hướng tới tương lai trong năm mới tốt đẹp hơn", ông Thanh bồi hồi nhắc đến quê hương trong những ngày giáp hạt.

Vận chuyển hàng hoá giữa Việt Nam và Mỹ vẫn diễn ra

khá tấp lập và thuận lợi

Phương Liên sống tại ngôi nhà dành cho du học sinh, chủ nhà là người Việt Nam.

Đối với tình hình ở Mỹ, sau những diễn biến chính trị căng thẳng và đang trong đại dịch COVID-19, vấn đề an ninh đã được ổn định trở lại. Chia sẻ cùng PV, ban Phương Liên (Sinh viên năm 3 Đại học Seattle, Washington) cho biết ở bang sinh sống vẫn còn những lệnh cấm, hạn chế tụ tập do sự ảnh hưởng của COVID-19. Mọi người vẫn được lệnh hạn chế đi lại, chỉ làm, đi những việc cần thiết.

"Do mình đang sinh sống tại một khu ngoại thành nên việc tình hình trật tự an ninh sau bầu cử vẫn khá an toàn, không có nhiều biến động diễn ra tại khu vực mình sinh sống. Tuy nhiên tại một số thành phố lớn có những cuộc biểu tình nổ ra, mới nhất là cuộc biểu tình, tấn công vào toà nhà Quốc Hội Mỹ khiến nhiều người lo lắng rằng sẽ có nhiều cuộc biểu tình, tấn công sẽ nổ ra sau lễ nhận chức của Tổng thống mới Joe Biden. Thủ đô Washington nâng cao cảnh giác cho những cuộc biểu tình này", Phương Liên chia sẻ.

Theo cô bạn chia sẻ, tình hình vận chuyển hàng hoá giữa hai đầu Việt Nam và Mỹ vẫn diễn ra khá tấp lập và thuận lợi.

"Do đã là năm thứ 5 đón tết xa nhà nên mình cũng khá quen với việc không đón tết cổ truyền của dân tộc. Do tiểu bang Washington của mình có số lượng người Việt khá đông đảo, xấp xỉ gần 75 ngàn người nên thực phẩm đặc trưng của tết như bánh chưng, bánh tét, mứt,... được bán rộng rãi tại các siêu thị của người Việt. Mình không nhờ bố mẹ gửi đồ Tết sang cho mình vì giá cước gửi đồ sang Mỹ là rất cao và hải quan Mỹ rất cẩn trọng trong việc nhận đồ từ nước khác vào, đặc biệt là thực phẩm", Liên cho hay.

Năm nay, các hoạt động hội nhóm du học sinh Việt Nam tại Mỹ mà Liên tham gia sẽ không được tổ chức như mọi năm. Liên chia sẻ, chị chủ nhà trọ là người Việt nên cô bạn sẽ cùng chị nấu những món đặc trưng trong Tết của người Việt để có không khí Tết khi xa nhà.

"Xa nhà 5 cái Tết, tuy đã khá quen với cảnh không đón Tết nhưng mình vẫn muốn được về Việt Nam đón Tết cùng gia đình và người thân. Mình đã không về thăm nhà gần 2 năm nên mình rất nhớ gia đình và bạn bè mình, nhớ Việt Nam và đặc biệt là đồ ăn Việt tại Việt Nam. Mục tiêu của mình sang năm mới là sống khoẻ mạnh, vui vẻ, tích cực và hoàn thành tốt việc học hiện tại của mình. Mong cho người thân trong gia đình mình sẽ luôn khoẻ mạnh và vui vẻ trong năm mới này. Tuy tết năm nay sẽ có nhiều sự khác biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng mình chúc mọi người một năm mới 2021 an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Mong mọi người sẽ cùng nhau chung tay, cẩn trọng, bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh và vững tin đẩy lùi virus corona", Phương Liên gửi gắm những lời chúc năm mới về quê hương.

Đi lại gặp khó khăn nên không thể thực hiện được

những dự định trong năm vừa qua

Bữa tiệc đón năm mới ấm áp, vui vẻ của hội du học sinh Việt Nam tại trường RUDN, Moscow, Liên bang Nga.

Ngược lại với cô bạn du học sinh tại Mỹ, bạn Huyền Vũ (sinh viên trường RUDN, Moscow, Liên bang Nga) chia sẻ, do dịch COVID-19 nên bị cắt hết thẻ xã hội (loại thẻ dành cho người già, học sinh - sinh viên) để hạn chế việc đi lại ở nơi đông người như trong tàu, xe bus.

"Bình thường, chỉ với gần 400.000 đồng/tháng là đã có thể đi thoải mái không giới hạn số lượng đi trên tàu và xe bus. Bây giờ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nếu muốn đi thì mình phải mua thẻ ngoài, 850.000 đồng/tháng, tính ra đắt hơn nhiều so với thẻ xã hội", Huyền Vũ buồn bã chia sẻ.

Vấn đề đi lại gặp khó khăn khiến Huyền không thể thực hiện được những dự định trong năm vừa qua. Tuy nhiên, cô bạn vẫn giữ được tinh thần lạc quan nhất vì ở trong nhà là đã góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và xã hội.

Những ngày này, gần Tết Nguyên đán của quê hương, theo Huyền chia sẻ, hàng hoá được gửi từ Việt Nam sang Nga giá rất đắt, 800.000 đồng/kg (so với bình thường chỉ 150.000 đồng/kg) và rất lâu mới nhận được, cả tháng là điều bình thường. Bên cạnh đó, hàng hoá gửi từ Nga gửi về nước thì gửi Cargo, giá trong khoảng 200.000 - 400.000 đồng/kg tuỳ mặt hàng và nhận hàng sau 2 tuần.

Huyền Vũ tâm sự: "Nói chung, dịch COVID-19 đến kéo theo rất nhiều thứ, ảnh hưởng buôn bán vì mình cũng có nhận hàng đặt xách tay từ Nga về Việt Nam. Tình hình vận chuyển trong 1 năm qua quả thực là rất khó khăn đối với mình, đặc biệt là người nhà gửi đồ sang cho mình quá lâu mới nhận được".

Nói về những hoạt động với hội du học sinh Việt Nam tại trường đại học đang theo học, Huyền háo hức kể: "Bọn mình có tổ chức đi ăn với nhau ở các nhà hàng. Trước kia, khi chưa có dịch thì chúng mình sẽ cùng nhau gói bánh chưng, nấu giò tai, thịt kho, nem… các món ngày Tết".

"Mọi năm, mình đều về nước 2 lần là hè và Tết, năm nay bị cắt chuyến bay nên không về được. Vậy nên mình rất buồn, không chỉ có mình mà chắc ai xa nhà đều vậy. Năm mới chẳng mong gì hơn là đại dịch này sẽ mau kết thúc để mọi người an tâm, bình an. Mình cũng sẽ thực hiện nhiều dự định đang còn dang dở trong năm cũ, đạt được nhiều mục tiêu mới một cách dễ dàng hơn", du học sinh Việt tại Nga xúc động nhớ về quê hương.

Chương trình Xuân quê hương 2021 sẽ được tổ chức theo hình thức phù hợp
Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chương trình Xuân quê hương 2021 không thể đón bà con trực tiếp đến chung vui nên sẽ được tổ chức theo hình thức phù hợp.
Người dân Hải Dương đi làm ăn xa vẫn tấp nập về quê đón Tết Tân Sửu
Rất nhiều sinh viên và người dân đi làm ăn xa trở về Hải Dương để đón Tết. Tuy nhiên, Hải Dương đang là tỉnh có dịch COVID-19 với số ca trong cộng đồng nhiều nhất nên thời điểm này việc đi lại của người dân đi vào tỉnh là tương đối khó khăn.
Chợ phiên Cán Cấu - địa điểm Việt kiều "không thể bỏ qua" khi về thăm quê hương
Với kiều bào, quê hương Việt Nam luôn là nơi để tìm về. Chính vì thế mỗi dịp về nước, các Việt kiều thường dành thời gian đi thăm quan, du lịch khắp mọi miền đất nước. Phiên chợ Cán Cấu, một phiên chợ Tây Bắc vẫn giữ được nét đặc trưng của các đồng bào dân tộc vùng cao cũng là một điểm đến đậm sắc màu dân tộc nên tìm hiểu, ghé thăm.

Top