Làng cổ đẹp như tranh vẽ trên quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng

2024-12-21 13:40:29
Những làng chài "âm dương nghịch chiều", chạy đua xây lăng mộ Thanh Hóa: Làng này không hiếm nhà lầu xe hơi nhờ nghề "thổi bể" Làng lụa Vạn Phúc - từ làng nghề truyền thống đến điểm chụp ảnh "check in" của giới trẻ

Khép mình trên những con đường quanh co thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, những ngôi nhà cổ được xây dựng từ cách đây hơn trăm năm. Đường vào làng Lộc Yên xanh ngút tầm mắt bởi hai hàng cây, ngõ dẫn vào từng nhà đều đắp đá dài tạo thành lối đi. Người hoài cổ về đây để tìm chút lặng yên cho hồn mình.

Làng cổ Lộc Yên đẹp như tranh vẻ thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CTV

Ở đây, hình ảnh thiên nhiên trở nên rất giản dị, gần gũi, thân thiết rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng, đó là những nhà rường cổ trầm mặc giữa lưng chừng đồi núi ẩn mình trong những vườn cây xanh mướt, những hàng cau cao vút, những khu vườn được phân tầng bậc bằng các bờ đá thẳng tắp; những con ngõ được xếp bằng đá rất đều; giếng nước đào trong veo; những bờ mương róc rách nước đổ xuống những cánh đồng bậc thang thật mượt mà theo 4 mùa không hề ngưng chảy.

Những ngôi nhà cổ được xây dựng từ cách đây hơn trăm năm. Ảnh: CTV

Nơi đây còn có phong tục, tập quán, lối sống thuần Việt, phong cách ứng xử thôn dã thật thà, thơm thảo và đôn hậu của người dân... đã làm nên một không gian văn hóa làng đặc sắc!

Nhiều ngôi nhà cổ và khung cảnh thanh bình là điều khiến du khách thích thú khi đến với làng cổ Lộc Yên hôm nay. Ảnh: CTV

Có thể nói Lộc Yên là một không gian làng khá tiêu biểu ở Quảng Nam. Nếu như ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội là một tổng thể kiến trúc cổ, các di tích lịch sử các văn bia, minh văn còn lưu giữ… hay tương đồng với Lộc Yên hơn là làng cổ Phước Tích-Huế, thì điểm nhấn nổi bật không nơi nào có được như Lộc Yên đó chính là văn hóa đá đậm nét trong đời sống sinh hoạt của cư dân, kể cả trong bố trí bức tranh tổng thể của làng Lộc Yên.

Đường vào làng Lộc Yên xanh ngút tầm mắt bởi hai hàng cây, ngõ dẫn vào từng nhà đều đắp đá dài tạo thành lối đi. Ảnh: CTV

Những bờ đá cao đến vai người, thẳng tắp, làm cho cảnh quê ở làng cổ Lộc Yên thêm đẹp. Bờ đá vườn, bờ đá ngõ dẫn vào nhà là “công trình nghệ thuật” của mỗi hộ dân nơi đây. Nhà xây dựng mặt quay ra đồng lúa, lưng tựa vào núi làm hậu chẫm, lối đi men theo sườn đồi, ngõ đá dài uốn lượn nhiều tầng bậc, nhìn xa trông rất đẹp mắt, nhất là khi xuân sang, cỏ đá mọc che phủ đá tạo nên một tấm thảm xanh lấp lánh ánh ngày.

Nhà-ngõ-vườn-ruộng-đồi núi-sông-suối gắn bó một cách hết sức hài hòa, thân thiện, tạo nên cho Lộc Yên một vẻ đẹp đặc trưng nhưng cũng thật bình dị, hiền hòa. Ảnh: CTV

Không chỉ có văn hóa đá mà quần thể những ngôi nhà cổ và cả một không gian: nhà-ngõ-vườn-ruộng-đồi núi-sông-suối gắn bó một cách hết sức hài hòa, thân thiện, tạo nên cho Lộc Yên một vẻ đẹp đặc trưng nhưng cũng thật bình dị, hiền hòa. Từ những bước chân đầu tiên đến làng Lộc Yên ta đã có thể chiêm ngưỡng sự khéo léo trong bố trí không gian của người làng cùng những lợi thế địa văn hóa đã tạo cho bức tranh tổng thể của làng Lộc Yên đầy ấn tượng, màu sắc và riêng biệt.

Đến với làng cổ Lộc Yên du khách có thể chiêm ngưỡng sự khéo léo trong bố trí không gian của người làng cùng những lợi thế địa văn hóa đã tạo cho bức tranh tổng thể đầy ấn tượng, màu sắc và riêng biệt. Ảnh: CTV

Người xưa có câu “An cư mới lạc nghiệp” có lẽ vì thế mà những bậc tiền nhân-những người có công khai phá vùng đất này đã chọn cho mình những vị thế “đắc địa” để dựng nhà. Xét về hình thế núi hay phương vị lý khí mới thấy những cư dân đầu tiên ở Lộc Yên quả là thâm hậu.

Họ không chọn những chân đồi để làm nhà vì trong thung lũng của Lộc Yên các ngôi nhà sát chân đồi sẽ không tránh được “Thủy cận cát môn-chủ nhân bất an” hay “Thủy mực xung môn-chủ nhân ly tán”. Cũng không làm nhà trên đỉnh đồi sẻ rơi vào thế "cô phong độc vũ" nhà phải hứng gió, sấm sét và các yếu tố khác như Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ đều không có.

Cùng với địa lý tự nhiên mang nhiều đặc điểm ưu việt mà người dân Lộc Yên đã biết tận dụng và tạo một mặt bằng sinh hoạt khá lý tưởng và độc đáo khó nơi nào có thể sánh được. Ảnh: CTV

Vì vậy khi dựng nhà, người Lộc Yên đã bạt những quả đồi hai bên tả và hữu của làng để dựng nhà và vị trí “đắc địa” đó chính là lưng chừng đồi. Đây là vị thế mà nhiều nhà nghiên cứu khi đến với Lộc Yên đã thán phục thâm ý của các bậc tiền nhân. Cùng với địa lý tự nhiên mang nhiều đặc điểm ưu việt đó người dân Lộc Yên đã biết tận dụng và tạo một mặt bằng sinh hoạt khá lý tưởng và độc đáo khó nơi nào có thể sánh được.

Cảnh sông Tiên lúc về đêm, rất thơ mộng nhưng đầy lãng mạng. Ảnh: CTV

Mặc dù trải qua sự biến thiên thay đổi của tự nhiên cũng như sự hủy diệt của chiến tranh. Nhưng đến nay, làng cổ Lộc Yên qua nhiều thế hệ sinh sống, người dân vẫn còn gìn giữ được những nét đẹp ban khai của vùng đất này. Qua hàng trăm năm, ngõ đá, nhà cổ làng Lộc Yên vẫn vẹn nguyên giá trị đặc biệt. Làng cổ vẫn im lìm tựa mình vào lưng núi, nhắc nhớ người làng về trách nhiệm gìn giữ và truyền lại cho con cháu báu vật của cha ông.

Xem thêm:

Vẻ đẹp hoang sơ của làng chài Bãi Xếp ở Quy Nhơn

Cách trung tâm TP Quy Nhơn 13km, Bãi Xếp hoang sơ với làng chài lâu đời khiến nhiều du khách tìm đến.

Đà Lạt đẹp mơ màng trong nắng hạ qua lăng kính của nhiếp ảnh trẻ 9X

Qua lăng kính của Nguyễn Kỳ Anh, màu nắng ở Đà Lạt chẳng còn gay gắt hay khó chịu, mà trở nên rất đỗi nhẹ ...

Khám phá lăng mộ bằng đá xanh của phụ thân Nam Phương hoàng hậu

Mộ ông Nguyễn Hữu Hào (phụ thân Nam Phương hoàng hậu) được xây dựng bằng đá xanh trên một đồi thông ở Đà Lạt.

Top