Angola đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt

2024-12-20 18:52:53
Thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Angola
Thúc đẩy hoạt động kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Angola
Đại sứ Dương Chính Chức thăm trang trại Team châu Phi. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Angola)

Phóng viên: Đại sứ đánh giá thế nào về cộng đồng kiều bào ta tại Angola và những đóng góp của họ cho nước sở tại?

Đại sứ Dương Chính Chức: Vào những năm 80 đến đầu những năm 2000, chúng ta có khoảng 50.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Angola. Con số này giảm dần và dừng ở mức gần 20 nghìn người vào thời điểm trước đại dịch Covid-19. Đến nay, có khoảng gần 10 nghìn người Việt tại quốc gia châu Phi này.

Thế hệ người Việt đầu tiên tại Angola là các chuyên gia y tế và giáo dục. Họ sống và làm việc dài hạn tại Angola. Sau đó, gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng của họ sang sinh sống, làm việc cùng. Trong đó, đa số sang làm thuê và khá đông bà con là tiểu thương, doanh nghiệp vừa và có cả những doanh nghiệp lớn. Ngành nghề hoạt động của họ khá đa dạng, nhiều nhất là xây dựng, làm xưởng sửa chữa ô-tô, tiếp đến là sản xuất thực phẩm, các hoạt động dịch vụ dân sinh.

Đại sứ Dương Chính Chức và đoàn công tác thăm nhà dưỡng lão Huambo, nơi cộng đồng người Việt ở tỉnh thường xuyên hỗ trợ. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Angola)

Cộng đồng người Việt Nam tại Angola là cộng đồng lớn nhất ở châu Phi, sinh sống đoàn kết, tương thân tương ái. Họ là những cầu nối hữu nghị đẹp của hai nước, không chỉ duy trì quan hệ tốt với chính quyền sở tại mà còn có nhiều hoạt động công ích, hoạt động cống hiến xã hội, hỗ trợ phát triển tại các địa phương. Lãnh đạo các cấp của Angola đánh giá cao những đóng góp của họ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Angola nói chung và các địa phương nói riêng.

Đa số bà con trong cộng đồng đều cần cù, chăm chỉ, tuân thủ luật pháp hai nước, ủng hộ và chấp hành đường lối, chính sách của Đảng ta, đặc biệt là tích cực tham gia các phong trào yêu nước, hướng về quê hương, lá lành đùm lá rách… do Đại sứ quán và các cơ quan trong nước khởi xướng.

Phóng viên: Đại sứ quán Việt Nam có những quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Dương Chính Chức: Đại sứ quán Việt Nam tại Angola luôn nỗ lực hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Angola, giúp họ có cuộc sống an toàn, ổn định tại đây.

Tại cuộc gặp đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, lãnh đạo tỉnh Huambo đánh giá cao và cảm ơn những đóng góp quý báu của cộng đồng người Việt vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Angola)

Đại sứ quán tích cực tạo điều kiện để cộng đồng người Việt có nhiều dịp gặp, tiếp xúc các đoàn từ Việt Nam sang thăm Angola để nghe và nắm bắt thông tin, hiểu hơn về tình hình trong nước.

Chúng tôi đang cùng cộng đồng thúc đẩy kiện toàn Ban Chấp hành Hội người Việt tại Angola, thành lập Hội Doanh nhân Việt Nam tại Angola và một số hội đoàn liên quan khác, lập Trung tâm thương mại Việt Nam tại Angola để hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thương.

Phóng viên: Thưa Đại sứ, thời gian gần đây, các hoạt động của Phạm Quang Linh và Team châu Phi tại tỉnh Huambo nhận được nhiều đánh giá tích cực của cộng đồng. Sau chuyến thăm khu vực trang trại, gặp gỡ Quang Linh và Team châu Phi, Đại sứ có đánh giá gì về hoạt động của nhóm?

Đại sứ Dương Chính Chức: Quang Linh, Team châu Phi là những câu chuyện đẹp. Nó có thể còn là những kỳ tích, những câu chuyện thần thoại đối với người dân bản địa. Nói vậy để chúng ta có thể hình dung được ý nghĩa của những việc mà họ đang làm tại đây. Cũng có những nhóm khác đang hoạt động như vậy tại Angola và hay gọi chung là Cộng đồng Team châu Phi để chỉ các thành viên của Team và các nhóm cộng sự, cộng tác của Team này.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola gặp mặt đại diện Hội người Việt tại Huambo. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Angola)

Cuối tháng 8/2023, tôi và một số cán bộ Đại sứ quán cùng một số doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Luanda và một số tỉnh đã tới thăm Huambo. Mục đích của chuyến thăm là tới chào và làm việc với Tỉnh trưởng Huambo, thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, gặp và giao lưu với cộng đồng người Việt tại Huambo và thăm khu trang trại của Quang Linh. Chúng tôi được anh Lương Văn Tiến, Nguyễn Đông và nhóm nhiệt tình hỗ trợ nên đã hiểu hơn nhiều về những gì mà họ đang làm tại Huambo, với những hoạt động khá đa dạng và ý nghĩa.

Họ lập trang trại với các khu nương-ao-chuồng, trong đó có nhiều cây giống mang từ Việt Nam sang. Có nhiều người Angola làm việc trong trang trại. Họ được thuê, trả lương cho mỗi ngày công và được hướng dẫn các kỹ thuật canh tác nuôi trồng. Sản vật thu hoạch được đa phần đem chia cho bà con tại bản, một phần bán để bù đắp kinh phí, phần để dùng. Trang trại có đủ cả máy móc, máy cày, máy bừa. Toàn bộ kinh phí đầu tư đều là tiền cá nhân của Quang Linh và các những người trong Team. Họ còn lập những khu ruộng, trồng trọt, cấp giống và bàn giao lại cho người dân bản.

Giáo dục cũng là lĩnh vực để lại ấn tượng sâu sắc. Các thành viên trong nhóm dùng tiền cá nhân và quyên góp để xây dựng các điểm trường, biến những ngôi trường xây bằng bùn đất không bàn ghế thành những quần thể trường có lớp học được xây dựng, mái ngói, bàn ghế khang trang, có sân vườn, có điện, có cả giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Trường xây xong được bàn giao cho các bản tự quản.

Tất cả những điểm ruộng nương, trường học giao cho các bản đều được Team qua lại thường xuyên để hỗ trợ.

Đại sứ Dương Chính Chức và đoàn công tác thăm Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, cơ nhỡ, nơi cộng đồng người Việt tại tỉnh duy trì hỗ trợ. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Angola)

Tại khu vực văn phòng của Team và những nơi các thành viên đến đều tổ chức các sự kiện để giới thiệu về văn hóa, ẩm thực của Việt Nam; trong đó có những món hoàn toàn mới về nguyên liệu và cách chế biến nấu nướng, và có những món cùng chung nguyên liệu nhưng khác cách nấu, được người dân Angola rất thích.

Thiết nghĩ, ai cũng có thể có cái tâm thiện, muốn giúp người khác, nhưng để chuyển những suy nghĩ tích cực đó thành hành động thực tế thì phải có nhiệt huyết và quyết tâm lớn.

Những thành viên Cộng đồng Team châu Phi có đủ những yếu tố đó. Những việc họ làm thực sự là kỳ tích. Đó chính là sứ giả hòa bình của Việt Nam, là nhịp cầu hữu nghị kết nối nhân dân hai nước Việt Nam và Angola.

Tôi mong các hoạt động tương tự sẽ được nhân rộng hơn, không chỉ từ các dự án của các nhóm hiện có mà còn của các nhóm mới, không chỉ tại Huambo mà tại nhiều địa phương khác của Angola và ở cả các nước châu Phi khác nữa, đúng với tên gọi Cộng đồng Team châu Phi.

Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng với họ và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ. Đây cũng là những hành động cụ thể trong việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Bộ Ngoại giao trong công tác phát triển cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.

Phóng viên: Xin cảm ơn Đại sứ!

Theo Tùng Chi/ Báo Nhân Dân

https://nhandan.vn/angola-danh-gia-cao-nhung-dong-gop-cua-cong-dong-nguoi-viet-post796814.html

Hành trình lan tỏa văn hóa Việt đến châu Phi của chàng trai Việt Nam
Xây nhà, sửa trường, tặng gạo, tặng áo dài… cho người dân nghèo châu Phi - những việc làm thiết thực, giản dị đó của chàng trai Việt Nam Phạm Quang Linh và nhóm bạn đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái cùng những nét đẹp của văn hóa Việt Nam đến với vùng đất châu Phi.
Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Bybit niêm yết AGLA – token tiện ích của Dự án Angola trên Bybit Launchpool
Bybit, sàn giao dịch tiền kỹ thuật số được truy cập nhiều thứ ba trên thế giới, đang niêm yết AGLA, mã thông báo (token) tiện ích của Dự án Angola, trên Bybit Launchpool. Dự án Angola là một hệ thống Non-fungible token – NFT (tài sản không thể thay thế) xã hội được xây dựng dựa trên nền kinh tế tạo web3 dựa trên blockchain.
Top