Đỗ Xuân Oanh và ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ |
Nhạc sĩ Xuân Oanh và ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ (tiếp) |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã điểm lại sự nghiệp cách mạng của cố nhạc sĩ Xuân Oanh. Theo Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cố nhạc sĩ không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa, một dịch giả, một nhà báo, mà còn là một nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc. “Thế giới rộng lớn” của ông là trên mặt trận ngoại giao nhân dân.
Ông Đỗ Xuân Oanh là một trong những người tham gia thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam theo chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ để vận động, kêu gọi, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Ông tham gia thành viên Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam từ năm 1968-1972; tham dự nhiều hội nghị hòa bình quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi gặp mặt. |
"Bằng sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa của các nước và Việt Nam, với phong cách đối thoại, nói chuyện thân mật, chân tình, giản dị và truyền cảm hứng, ông Xuân Oanh đã thuyết phục và cảm hóa được nhiều đối tác, bạn bè quốc tế, trong đó có nhiều phi công Mỹ là tù binh, phản đối chiến tranh và ủng hộ Việt Nam”, ông Uông Chu Lưu cho biết.
Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cũng nhấn mạnh, với đối ngoại nhân dân, ông Xuân Oanh là một tấm gương sáng, tiêu biểu về sự hiểu biết, kinh nghiệm, tài trí và nghệ thuật, đặc biệt trong việc vận động, thuyết phục bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã xem phim tư liệu nhìn lại chặng đường cống hiến cho cách mạng, ngoại giao nhân dân của cố nhạc sĩ Xuân Oanh.
Các đại biểu tham gia buổi gặp mặt vỗ tay theo phần đệm đàn ca khúc "Mười chín tháng tám" của nhạc sĩ Xuân Oanh. |
Thay mặt gia đình, ông Đỗ Lê Chi, con trai út của cố nhạc sĩ Xuân Oanh đã gửi lời cảm ơn và chia sẻ niềm tự hào khi các đồng nghiệp cũ và thế hệ đi sau vẫn nhớ tới cha của ông. Đồng thời tôn vinh những giá trị mà ông Xuân Oanh đã để lại cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước Việt Nam, cho hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, nhất là quan hệ Việt - Mỹ.
"Xuân Oanh là một nhạc sĩ, điều đó ai cũng biết qua bài ca cách mạng Mười chín tháng Tám để đời. Nhưng chúng ta ở đây biết về một Xuân Oanh rất khác, một Xuân Oanh âm thầm lặng lẽ với tư cách là một nhà ngoại giao nhân dân. Đây mới chính là Xuân Oanh mà đất nước cần đến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và đây cũng là phần đời mà Xuân Oanh đã tận tâm cống hiến với tất cả nhiệt huyết, tình yêu, hiểu biết, là phần ý nghĩa nhất trong cuộc đời của Xuân Oanh. Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là UBHB Việt Nam) và Hội Việt - Mỹ chính là những nơi đã rèn giũa nhà ngoại giao nhân dân Xuân Oanh, nơi lưu giữ phần hồn của Xuân Oanh cả khi ông còn sống hay đã khuất" - ông Đỗ Lê Chi chia sẻ.
Đại diện gia đình nhạc sĩ Xuân Oanh tặng Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch VUFO cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh: Cánh chim Oanh của mùa xuân Cách mạng”. |
Chia sẻ về nhạc sĩ Xuân Oanh, ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch VUFO cho rằng đây chính là nhân vật kiệt xuất trong đối ngoại nhân dân của Việt Nam. Di sản lớn của hoạt động đối ngoại nhân dân mà ông để lại khó có thể thay thế. Nguyên Chủ tịch VUFO cũng bày tỏ mong muốn Ủy ban Hòa bình Việt Nam Việt Nam và các đồng nghiệp sẽ đồng hành cùng gia đình tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về Xuân Oanh trong công tác đối ngoại nhân dân. Số hoá những tài liệu quý đó, đưa chúng trở thành cẩm nang cho những người làm công tác đối ngoại nhân dân.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Xuân Oanh, cuốn sách “Đỗ Xuân Oanh: Cánh chim Oanh của mùa xuân Cách mạng” chính thức được ra mắt. Cuốn sách được chia làm 3 chương chính và hai phần. Mở đầu với bài viết được lấy làm tiêu đề chung của cuốn sách: "Xuân Oanh - Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng" của nhà báo Đỗ Lê Châu (con trai trưởng của nhạc sĩ), và Phần kết là “Một số tác phẩm văn học nghệ thuật của Xuân Oanh.” Ở Phần kết này, độc giả được tiếp cận những bản nhạc của nhạc sĩ Xuân Oanh, gồm: Mười chín tháng Tám, Quê hương anh Bộ đội, Bài ca Hồ Chí Minh, Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt….. và được tích hợp QR code để độc giả có thể nghe ca khúc được trình bày bởi những giọng ca kinh điển “muôn năm…” Cùng với đó là những bức họa do người nghệ sĩ tài hoa vẽ với màu sắc tươi tắn, chứa đựng thông điệp rõ ràng về sự lạc quan, yêu đời, yêu con người của ông và Trường ca "Đi tìm mùa Xuân ở khoảng giữa" - tác phẩm thấm đẫm chất lãng mạn cách mạng của Xuân Oanh, mang nội hàm sâu sắc về tình yêu đất nước, Tổ quốc của Xuân Oanh, cái nhìn thấu đáo và biện chứng cũng như những trăn trở của ông trước thế sự, thời cuộc… quan điểm của người nghệ sĩ với cái xấu, cái tiêu cực và sự kỳ vọng mong muốn những điều tốt đẹp được lan tỏa, mong muốn đất nước đẹp giàu phồn vinh của ông. |
Đỗ Xuân Oanh và ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ |
Nhạc sĩ Xuân Oanh và ca khúc "Mười chín Tháng Tám" |