Hiệp hội Giao lưu Nhật - Việt tỉnh Miyagi hỗ trợ người dân Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ |
Sinh viên Nhật Bản trầm trồ trước hương vị ẩm thực Huế |
Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 21 thí sinh Nhật Bản và Hàn Quốc đến từ các đại học nổi tiếng của Nhật Bản như: Đại học ngoại ngữ Kanda, Đại học ngoại ngữ Tokyo, Đại học nữ thục Showa, Đại học Osaka, Đại học Châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan... Điểm mới của cuộc thi lần này là thành phần đăng ký không chỉ có các sinh viên đại học mà còn có thêm các em học sinh trung học và cao đẳng tham dự ở nhiều trình độ khác nhau.
Các thí sinh được phân chia theo các nhóm tùy vào khả năng tiếng Việt của mỗi người. Nhóm A là sinh viên năm thứ nhất hoặc học sinh trung học; nhóm B dành cho sinh viên năm thứ hai; nhóm C là sinh viên chưa từng du học ở Việt Nam; nhóm D là sinh viên đã du học ở Việt Nam hơn 6 tháng và nhóm E là các thí sinh có bố, mẹ người Việt.
Thí sinh đọc bài thơ Nguyệt Cầm của tác giả Xuân Diệu. (Ảnh: TTXVN) |
Đối với những thí sinh mới bắt đầu, cuộc thi yêu cầu thực hành kỹ năng đọc diễn cảm bài thơ “Nguyệt cầm” của nhà thơ Xuân Diệu, hoặc bài thơ “Quê hương nỗi nhớ” của nhà thơ Hoàng Thanh Tâm. Mặc dù phát âm có một số từ chưa thật trôi chảy nhưng hầu hết các thí sinh đều đọc thuộc hoàn toàn và có những hình thức biểu cảm rất riêng, giàu cảm xúc. Qua đó nhận được sự khích lệ của các thầy cô giáo và đông đảo bạn bè, người thân đến cổ vũ, động viên.
Các thí sinh còn lại tham gia phần thi hùng biện với 2 chủ đề. Chủ đề thứ nhất yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm với câu nói nổi tiếng của Nelson Madela: “Nếu bạn nói bằng ngôn ngữ mà người nghe được học, anh ta sẽ ghi nhớ bằng bộ não. Nếu bạn nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ấy, anh ấy sẽ nhớ bằng cả trái tim”. Chủ đề thứ hai là cách nghĩ của thí sinh về câu nói của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki: “Khi học một ngôn ngữ khác, bạn sẽ trở thành một người khác”.
Theo Ban Giám khảo cuộc thi, hai chủ đề hùng biện được đánh giá là khó, đòi hỏi các thí sinh phải có hiểu biết vững vàng, trình độ tiếng Việt cao mới có thể vượt qua. Với vốn kiến thức và khả năng tiếng Việt của mình, các thí sinh đã lần lượt chia sẻ quan điểm về các chủ đề hùng biện.
Thí sinh thuyết trình về chủ đề tầm quan trọng của ngôn ngữ. (Ảnh: TTXVN) |
Bạn Miura Kotaro, đến từ trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương kể về trải nghiệm của mình khi học tiếng Việt như một hành trình khám phá về một nền văn hóa mới với cách nhìn mới, suy nghĩ mới và kết luận lý do học tiếng Việt là vì “yêu mến đất nước và con người Việt Nam".
Còn bạn Song Kaeun, một sinh viên người Hàn Quốc đang học tiếng Việt tại Trường nữ sinh Showa nói về những điều thú vị trong cách xưng hô trong tiếng Việt. Trong đó, các đại từ nhân xưng như “anh, chị, em” giúp bạn cảm nhận được rằng dường như tất cả những người nói tiếng Việt như là các thành viên trong một đại gia đình. Bạn Kaeun cũng ấn tượng về sự tự tin, chủ động và hòa đồng của người Việt Nam đối với người nước ngoài và cho rằng điều này đã truyền cảm hứng để bạn sẵn sàng chinh phục những thử thách mới trong cuộc sống và trong công việc.
Giáo sư Kasuga Atsushi, giáo viên tiếng Việt, Khoa Ngôn ngữ châu Á, Đại học Ngoại ngữ Kanda, cho biết qua 18 lần tổ chức cuộc thi hùng biện, chất lượng thí sinh ngày càng được nâng cao, các em có khả năng tiếng Việt ngày càng tốt hơn. Ban Giám khảo đã tìm ra các giải Nhất, Nhì, Ba cho từng nhóm thí sinh, trong đó thí sinh Ando Fuma, đến từ Đại học Osaka, đã xuất sắc vượt lên và giành giải Đặc biệt của cuộc thi.
Ban Tổ chức trao thưởng cho thí sinh đạt giải Đặc biệt. (Ảnh: VOV) |
Về cơ duyên đối với tiếng Việt và Việt Nam của mình, Ando chia sẻ: “Khi còn là học sinh cấp 3, tôi sang Việt Nam du lịch và thấy rất cảm động về cách sống của người Việt Nam. Vì vậy tôi quyết định theo học tiếng Việt tại trường đại học. Trong tương lai, tôi có dự định sẽ quay trở lại Việt Nam để làm phiên dịch cho một công ty công nghệ thông tin".
Ban Tổ chức trao thưởng cho thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba. (Ảnh: VOV) |
Phát biểu tại cuộc thi, cô Iwai Misaki, Chủ nhiệm ngành Đông Nam Á, Khoa Ngôn ngữ châu Á, Đại học Kanda cho biết, bộ môn tiếng Việt được thành lập vào tháng 4/2001 và đến nay đã có 20 khóa sinh viên tốt nghiệp. Cuộc thi là sân chơi để các sinh viên, học sinh thể hiện khả năng thuyết trình, khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, qua đó nâng cao kỹ năng ứng dụng tiếng Việt trong học tập và trong công việc sau này. Cô kỳ vọng trong tương lai nhiều người trong số các thí sinh tham dự cuộc thi ngày hôm nay sẽ trở thành cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
Đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, bà Vũ Thị Liên Hương, Bí thư thứ nhất, Trưởng Bộ phận giáo dục đánh giá cao công tác giảng dạy tiếng Việt của trường Đại học Ngoại ngữ Kanda cũng như vai trò kết nối các trường đại học, phổ thông, cao đẳng có giảng dạy tiếng Việt tại Nhật Bản. Thông qua chương trình này các em có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Việt, thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm đến văn hóa Việt Nam cũng như tiếng Việt trong thời gian tới.
Hành trình điện ảnh đậm chất Nhật Bản đến gần khán giả Việt Từ ngày 1/11 đến ngày 28/12, Liên hoan phim Nhật Bản 2024 lần thứ 16 sẽ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện văn hóa lớn do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản t ổ chức hàng năm, với mục tiêu đưa điện ảnh Nhật Bản đến gần hơn với khán giả trên toàn thế giới. |
Sinh viên Nhật Bản trầm trồ trước hương vị ẩm thực Huế Mới đây, đoàn sinh viên Trường Đại học Kyoto Seika (Nhật Bản) đã có dịp đến Huế và cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tham gia workshop trải nghiệm văn hóa địa phương với chủ đề: “Kiến trúc chợ truyền thống trong bối cảnh hiện đại”. |