Số liệu thống kê

Giáo sư Wilfried Lulei - người bạn lớn của Việt Nam

2024-12-20 20:00:05
NTV (Đức): Doanh nghiệp Đức rất quan tâm tới Việt Nam
Giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè Đức, châu Âu

Giáo sư, Tiến sĩ Wilfried Lulei sinh năm 1938 tại Láryšov (Cộng hòa Séc). Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1956, ông học lịch sử và ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp Karl-Marx ở Leipzig; nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử Việt Nam tại Viện Đông Á và nhận bằng Tiến sĩ năm 1965. Bảo vệ thành công luận án về các tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất ở Việt Nam năm 1976, ông nhận bằng Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Tổng hợp Humboldt ở Berlin. Sau một thời gian giảng dạy tại đây, ông trở thành Giáo sư Việt Nam học tại trường, làm trưởng bộ môn Đông Nam Á và Giám đốc Viện Đông Nam Á. Ông nghỉ hưu năm 1998.

Giáo sư, Tiến sĩ Wilfried Lulei dành nhiều tình cảm cho đất nước và nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Club Tháng Mười)

Là một trong số thành viên đồng sáng lập Hội Đức-Việt, liên tục trong nhiều năm, ông là ủy viên Ban chấp hành Hội và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Hội. Trong quá trình nghiên cứu và làm việc, ông đã viết nhiều cuốn sách về Việt Nam, trong đó phải kể tới cuốn "Cả nước Việt Nam trên đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hội" xuất bản năm 1978 và cuốn "Lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương tới nay" xuất bản năm 2018.

Ngay những dòng đầu tiên trong Lời nói đầu cho cuốn sách "Lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương tới nay", Giáo sư Lulei đã viết: “Suốt nửa thế kỷ qua, Việt Nam đồng nghĩa với chiến tranh, đói nghèo. Đối với nhiều người (Đức) điều đó cũng đồng nghĩa với sự đoàn kết và giúp đỡ đối với một đất nước chậm phát triển và những người dân đang chịu nhiều gian khó. Đây cũng là suy nghĩ của đa phần người Đức hiện nay. Song song với đó là một bức tranh về mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, những chuyến du lịch hấp dẫn và nhiều hàng hóa thú vị. Hơn 100.000 người Việt sinh sống ở Đức và quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước phát triển tích cực. Nhiều người Đức cũng vì thế tiếp xúc nhiều hơn với Việt Nam và người Việt...”.

Mối quan tâm đến Việt Nam trong người Đức cũng khá lớn nhưng ông cho rằng những hiểu biết của họ “còn ít và hơi phiến diện”. Mặc dù giữa Việt Nam và Đức có khá nhiều điểm tương đồng nhưng thực tế “trong nhiều điều người Việt suy nghĩ khác do truyền thống lịch sử, kinh tế xã hội và văn hóa, cũng như những trải nghiệm cá nhân của họ. Biết và hiểu được điều đó góp phần khá quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước”, Giáo sư Lulei ghi rõ.

Giáo sư Wilfried Lulei trong một sự kiện của Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười. (Ảnh: Club Tháng Mười)

Trong một bài viết đăng trên báo chí hồi tháng 9/2018, ông Nguyễn Hữu Tráng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức dẫn lời Giáo sư Lulei kể về "mối tình" thế kỷ với Việt Nam: Từ rất sớm, khi Việt Nam đang chìm đắm trong những ngày đầu của chiến tranh đầu thập niên 60 thế kỷ XX Giáo sư Lulei đã sang Hà Nội để theo đuổi đam mê nghiên cứu tiếng Việt và lịch sử Việt Nam.

Dù khi đó đang dốc sức cho cuộc chiến tranh, song Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn cấp cho ông học bổng hàng tháng là... 18 đồng. Số tiền này khi đó đã là một sự “xa xỉ” vì ông được ở trong ký túc xá dành cho sinh viên nước ngoài khang trang hơn nhiều so với sinh viên Việt Nam.

Khi Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, ông cũng hòa cùng dòng người biểu tình ở Hà Nội, “bị” hay “được” chụp ảnh đăng lên báo. Nhưng “sự cố” đó như một cơ duyên lớn đã đưa ông đến gặp Bác Hồ vì khi đó ông là một trong hai sinh viên Đức nói tiếng Việt và có mặt ở Hà Nội.

Hai lần được gặp Bác Hồ trong các chuyến thăm Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu đậm trong trái tim Giáo sư Lulei.

Ông từng kể rằng, ấn tượng sâu sắc nhất của ông về Bác Hồ, đó là một người yêu nước nồng nàn, có kiến thức và hiểu biết sâu rộng, luôn hướng tới việc giúp đỡ người khác, dù là người Việt Nam hay người dân ở những nước khác trên thế giới và là người luôn đau đáu làm sao để cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn.

Giáo sư Lulei đã tham gia rất nhiều hội thảo, hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề về Việt Nam để giúp bạn bè Đức và quốc tế hiểu hơn về Việt Nam trong lịch sử cũng như sự chuyển mình ở hiện tại. Là người gắn bó chặt chẽ và luôn ủng hộ các hoạt động của Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười, Giáo sư Lulei cho rằng, người dân Đức trước đây đã có nhiều hoạt động ủng hộ nhân dân Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong quá trình phát triển đất nước, song lại chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Cchính các hoạt động của Câu lạc bộ đã thực hiện sứ mệnh truyền bá văn hóa và những nét đẹp của Việt Nam tới nhân dân Đức, giúp bạn bè Đức hiểu hơn về đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Trên mạng xã hội Facebook, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh đăng lại thông báo của Hội Đức-Việt về sự ra đi của Giáo sư Lulei và bày tỏ thương tiếc ông - một người bạn lớn của Việt Nam.

Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười cho biết: Giáo sư Lulei là "nhà sử học, nhà giáo, nhà Việt Nam học nổi tiếng, một con người tuyệt vời, một người bạn tốt của Việt Nam và là người bạn thân thiết của Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười".

Đông đảo cộng đồng người Việt và cả những người Đức biết Giáo sư Lulei cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Giáo sư, bày tỏ sự tiếc thương khi Việt Nam mất đi một người bạn lớn, người đã góp phần vào định hình tình hữu nghị Đức-Việt.

Người bạn Pháp chắp cánh ước mơ cho học sinh, sinh viên Việt Nam
Câu chuyện về những người bạn Anh nhiệt huyết xây cây cầu hữu nghị
Top