Không khí Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm của người Việt tại Slovakia |
Sinh viên quốc tế hào hứng trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam |
Phong tục "lì xì" đầu năm vẫn được lưu giữ trong các gia đình Việt kiều ở Australia (Ảnh: Thanh Tú/Vietnam+) |
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, với những người con đất Việt sống xa quê, nhất là với bà con Việt kiều, Tết không chỉ là dịp để cả gia đình đoàn viên mà còn là cơ hội để nhắc nhở cháu con hướng về cội nguồn.
Và những Việt kiều ở Australia cũng không ngoại lệ. Bằng nhiều cách khác nhau, những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị.
Hằng năm, cứ mỗi dịp đến Tết Nguyên đán, gia đình chị Phạm Hợp - một Việt kiều sống tại thành phố Sydney của Australia - lại cùng các gia đình bạn bè tụ tập với nhau để chuẩn bị mâm cỗ theo đúng truyền thống Việt Nam.
Đặc biệt, đây đều là các gia đình đa văn hóa với những em bé mang hai dòng máu Việt Nam-Australia. Tuy nhiên, bất kể ở đâu, tại quốc gia nào, những bà mẹ Việt Nam vẫn luôn cố gắng gìn giữ văn hóa Tết Việt trong gia đình và cho các thế hệ mai sau.
Dù đã sống và làm việc tại thành phố Sydney hơn 18 năm, song với chị Hợp, ngoài việc dùng tiếng Việt trong giao tiếp để giữ gìn tiếng mẹ đẻ thì việc lưu giữ phong tục, lễ Tết là cách tốt nhất để giáo dục con cái về đạo đức làm người, về truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.
Chính vì thế, cho dù có chồng là người Australia và hai con mang 2 dòng máu Việt-Australia, chị Hợp vẫn luôn tâm niệm phải làm sao để con mình hiểu và quý trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, cảm thấy gần gũi, gắn bó với quê hương đất nước và tự hào vì mang trong mình dòng máu Việt.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Phạm Hợp cho biết chị luôn nhắc các con phải gìn giữ tết cổ truyền vì đó là bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt.
Và các con chị dường như cũng thấu hiểu điều đó nên mỗi dịp Tết Nguyên đán, các cháu lại cùng mẹ chuẩn bị những mâm cỗ theo đúng truyền thống của Việt Nam để cả gia đình quây quần bên nhau.
Điều hạnh phúc hơn nữa đối với chị là anh Paul MacDonald, chồng chị, tuy không phải là người Việt, nhưng vô cùng yêu mến văn hóa Việt.
Mâm cỗ Việt không thể thiếu trong các gia đình Việt kiều tại Australia (Ảnh: Thanh Tú/Vietnam+). |
Anh thích ngắm vợ thướt tha trong tà áo dài và thưởng thức các món ăn Việt tinh tế do vợ nấu. Nhờ sự tỉ mỉ và tình yêu văn hóa truyền thống của vợ, giờ đây, những người con rể gốc Australia như anh Paul McDonald đã phần nào hiểu rõ hơn về Tết Nguyên đán và ngày càng thích thú hơn với văn hóa Việt Nam.
Anh cho biết vào những dịp Tết của người Việt, vợ chồng anh thường cùng bạn bè quây quần bên những mâm cơm mang đặc trưng truyền thống của Việt Nam để giúp vợ anh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và cảm thấy cái Tết xa quê trở nên gần gũi hơn rất nhiều.
Là người Việt Nam thì dù ở đâu cũng phải gìn giữ văn hóa, truyền thống Việt, nếp nhà Việt. Chính vì vậy, cũng như chị Hợp, chị Trần Hải, một bà mẹ Việt kiều khác, luôn cố gắng truyền tải cho các con hiểu về văn hóa bản sắc dân tộc.
Đây cũng là lời nhắc nhở chính bản thân của chị và con cái: không bao giờ quên gốc gác, cội nguồn Việt Nam.
Với chị, việc cùng nhau chuẩn bị cỗ và quây quần bên mâm cơm gia đình trong ngày Tết là điều vô cùng thiêng liêng và không thể thiếu, giúp chị cảm thấy gần gũi như đang được sống trong không khí Tết quê hương.
Hiểu thấu tâm tư của vợ, anh Mike Langford - chồng chị Hải - hằng năm cũng rất mong chờ ngày Tết cổ truyền của Việt Nam và tạo ra bầu không khí gần giống với ngày Tết ở Việt Nam nhất để vợ anh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Anh luôn tự hào vì gia đình mình may mắn mang 2 dòng máu Việt-Australia nên được tận hưởng những nền văn hóa khác nhau, giàu bản sắc.
Nhờ sự giáo dục của những bà mẹ Việt, những đứa trẻ dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài vẫn hiểu được giá trị của văn hóa Việt Nam, thêm trân trọng ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc, từ đó các bạn có ý thức tìm về với cội nguồn.
Cháu Emily, con gái chị Hợp, tâm sự: “Cháu rất thích ngày Tết của Việt Nam vì được ăn những món ăn ngon do mẹ nấu, được mẹ giải thích cho truyền thống văn hóa của người Việt và những trẻ con như chúng cháu thích nhất phong tục nhận tiền mừng tuổi.”
Với người Việt xa quê, việc “giữ lửa” Tết Việt là một phần vô cùng quan trọng và không thể thiếu bởi nó không chỉ là gìn giữ văn hóa truyền thống, gìn giữ hồn cốt quê hương, mà đó cũng chính là cách để giúp vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình, bạn bè và người thân, là cách để thế hệ sau dù có sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cũng có thể hiểu, cảm nhận và kế thừa những cốt lõi của văn hóa dân tộc Việt Nam./.
Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết gắn kết tình thân trong mỗi gia đình Việt |
Giữ gìn truyền thống Tết trong gia đình người Việt ở Thái Lan |