Khánh thành Nhà thờ và lưu giữ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia |
Dấu ấn hợp tác Quốc hội hai nước Việt Nam – Campuchia |
Đoàn kết vượt khó khăn
Đầu tháng 6/2021, chính quyền thủ đô Phnom Penh (Campuchia) thông báo kế hoạch di dời các công trình là nhà nổi, bè nuôi cá trên mặt sông Mekong khu vực thủ đô Phnom Penh, trong đó có các công trình của người gốc Việt. Đa số hộ gia đình gốc Việt tại đây đã sinh sống vài thế hệ, có thẻ ngoại kiều cư trú hợp pháp.
Sau khi nhận được thông báo trên, ngày 4/6/2021 đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia do Đại sứ Vũ Quang Minh dẫn đầu kết hợp với ông Châu Văn Chi (Sim Chy), Chủ tịch hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia đã có chuyến thị sát, nắm tình hình và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con tại khu vực bị di dời thuộc địa phận 6 quận ở Phnom Penh gồm: Chrouy Changvar, Prek Pnov, Chbar Ampov, Meanchey, Ruesey Keo, Daun Penh.
Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia động viên bà con tôn trọng quyết định của chính quyền địa phương và cùng tính toán các phương án di dời. Trước đó, Hội cũng đã gửi văn bản kiến nghị chính quyền Phnom Penh gia hạn thời gian di dời cũng như quy hoạch nơi ở mới cho hàng ngàn hộ dân chịu ảnh hưởng.
Ông Sim Chy cho biết, để có thêm nguồn lực giúp đỡ bà con trong hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống, Hội Khmer -Việt Nam tại Campuchia đã kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, doanh nhân, các hộ gia đình, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng nhau phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tích cực hưởng ứng phong trào “Chung tay vì các hộ gia đình nghèo khó đang sống tại các làng nổi phải di dời khẩn cấp - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông qua Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia, các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ bà con cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia vượt qua khó khăn (Ảnh: Hạnh Trần). |
Trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được phát huy. Cộng đồng người Việt tại Campuchia đã giúp đỡ nhau làm ăn, ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước Campuchia, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Cũng trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các ban ngành của Trung ương và chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, sự đồng lòng hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của các địa phương trong cả nước thông qua Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia đã giúp đỡ hơn 12.000 gia đình người Việt Nam tại Campuchia về lương thực, nước sát khuẩn, khẩu trang...
Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt
Dạy tiếng Việt, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia. Theo thống kê của Hội và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia, hiện có khoảng 30 điểm trường, lớp dạy học bằng hai ngôn ngữ là tiếng Khmer và tiếng Việt tại thủ đô Phnom Penh và 14 tỉnh trên đất nước Chùa tháp, với gần 1.400 học sinh theo học.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia cho biết, con em cộng đồng người gốc Việt đến các điểm trường, lớp này được học miễn phí theo chương trình của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, đồng thời học tiếng Việt theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Theo bà Thủy, từ nhiều năm qua, việc xây trường, tổ chức lớp học cho con em người gốc Việt được các đoàn thể, địa phương trong nước quan tâm giúp đỡ mạnh mẽ.
“Trường tiểu học Hữu nghị Khmer-Việt Nam ở các tỉnh Prey Veng và Svay Rieng là do tỉnh Đồng Tháp và Long An tài trợ. Trường ở tỉnh Kandal do Ngân hàng Agribank giúp xây dựng”, Phó Chủ tịch hội nói.
Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia Sim Chy cho biết, Hội luôn động viên con em cộng đồng người Việt đến các trường, lớp học tiếng Khmer và tiếng Việt, hướng dẫn các cháu nhỏ hướng về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
“Hội đã xin được hơn 200 suất học bổng trong nước cho các cháu kể từ năm 2006 đến nay. Hiện tại, hơn 150 em đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và quay trở về Campuchia sinh sống và làm việc. Đây là nguồn nhân lực để cùng nhân dân Campuchia xây dựng đất nước, góp phần nâng vị thế của người Việt Nam tại Campuchia”, ông nói.
Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia chính thức thành lập năm 2003, tập hợp bà con Khmer gốc Việt Nam và bà con người Việt Nam là nhà đầu tư, làm ăn, sinh sống hợp pháp tại Vương quốc Campuchia. Tại Đại hội đại biểu lần thứ III nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội vào tháng 4/2022, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng đã biểu dương Hội Khmer - Việt Nam trong công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên cũng như hỗ trợ, giúp đỡ bà con gốc Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống nhân ái, đùm bọc nhau trong cộng đồng, giữ gìn văn hóa dân tộc, hướng về quê hương đất nước. Đại sứ đề nghị Ban lãnh đạo Hội quan tâm hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên có phẩm chất, đạo đức, tận tâm với công việc; đẩy mạnh mối quan hệ với chính quyền sở tại để tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ cho bà con theo luật pháp Campuchia và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, Đại sứ động viên bà con học tập, nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp để thay đổi cuộc sống ngày càng tốt đẹp, bền vững, lâu dài. “Cần tiếp tục thúc đẩy công tác tuyên truyền, giáo dục để bà con nâng cao nhận thức, có sự thay đổi về nếp sống, cách nghĩ, cách làm, có khát vọng và chủ động vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Vận động bà con hiểu rõ và nghiêm túc chấp hành pháp luật Campuchia, tích cực góp phần vun đắp quan hệ hai nước Campuchia-Việt Nam”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nói. |
Thành lập Trung tâm Việt Nam học đầu tiên tại trường Đại học Campuchia |
Con em gia đình người gốc Việt tại thành phố Sihanoukville (Campuchia) vui đón Tết Trung thu |