Số liệu thống kê

Bài 3: Xây dựng nguồn nhân lực

2024-12-21 11:39:29
Việt kiều hiến kế phát triển vi mạch bán dẫn - Bài 1: Thời cơ
Bài 2: Tìm lối đi riêng

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Tiến sĩ Lê Huy Bình, Công ty Monolithic Power Systems (MPS) có trụ sở tại Anh cho rằng nhà nước cần đầu tư vào các trường đại học để cung cấp đào tạo chất lượng về vi mạch bán dẫn. Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp có thể tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào dự án nghiên cứu và được trả lương. Đặc biệt, cần tạo chương trình đào tạo và phát triển cho các kỹ sư trẻ với việc học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài hoặc Việt kiều có kinh nghiệm.

Chuyên gia về chip/semiconductor tại Silicon Valley (Mỹ) Song Anh cho rằng, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Thứ nhất, trong các chương trình đào tạo kỹ thuật cần có thêm chương trình thực tập tại các cơ sở sản xuất và nghiên cứu tại các công ty ở các nước chứ không chỉ ở Việt Nam. Nếu cơ sở đào tại Việt Nam đưa nhân viên mới đi đào tạo sẽ tạo ra thuận lợi lớn họ lúc ra trường. Cơ hội tuyển dụng sẽ cao vì người học đã nắm bắt tốt yêu cầu kỹ thuật lẫn ngôn ngữ và văn hoá của các công ty.

Thứ hai, các nước đang đầu tư ồ ạt vào Việt Nam để làm lắp ráp, kiểm thử và đóng gói bán dẫn. Đây là công đoạn cuối sau các công đoạn thiết kế và sản xuất. Công đoạn này cần một lượng nhân lực bậc trung (technician) để làm các thao tác sản xuất. Việt Nam nên có chiến lược cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực này. Ở Mỹ, các công ty bán dẫn kết hợp chặt chẽ với hệ thống cao đẳng cộng đồng (2 năm sau cấp 3) để đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên (technician).


Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) trong giờ nghiên cứu vi mạch. Ảnh: Hà Nội mới

Thứ ba, các doanh nghiệp sẽ cần một lượng lớn nhân lực là thạc sỹ và tiến sỹ. Hy vọng các cơ sở đào tạo tại Việt Nam sẽ có những chương trình sau đại học tập trung vào ngành bán dẫn. Điều này rất quan trọng chuẩn bị cho việc có nhà máy sản xuất trong vòng 5-10 năm tới.

GS Đặng Lương Mô lại cho rằng: cần khuyến khích một phần nhân lực lái xe công nghệ có trình độ chuyển sang lĩnh vực bán dẫn. Khi đào tạo lại phải có kế hoạch cụ thể.

Bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt – Đài, Việt Nam cần đẩy mạnh chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với Đài Loan (Trung Quốc). Đài Loan đang có nhiều chương trình chính sách và học bổng từ doanh nghiệp để hỗ trợ cho Việt Nam đào tạo nguồn nhân tài chất lượng cao. Đây là một cơ hội để Việt Nam có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà cho biết, vào tháng 12/2023, Hiệp hội doanh nghiệp Việt – Đài sẽ thành lập uỷ ban hợp tác vi mạch bán dẫn với sự tham gia của 20 công ty Đài Loan. Uỷ ban sẽ kêu gọi đầu tư và hỗ trợ định hướng phát triển cùng Việt Nam.

GS Đặng Lương Mô tại Khóa đào tạo “Analog design - Custom IC training” dành cho giảng viên các trường đại học sử dụng các công cụ, giải pháp của Cadence trong thiết kế vi mạch tương tự (Analog IC design). Ảnh: Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao.

Thu hút nhân tài

GS Đặng Lương Mô cho biết, nhìn lại những năm thập niên 70 của thế kỷ 20, ngành công nghiệp vi mạch đã đưa Nhật Bản phát triển thần kỳ và được thế giới ngưỡng mộ. Sau đó, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… đều có những thành tựu quan trọng về khoa học công nghệ này. Điểm chung của họ là tận dụng tốt nguồn Hàn kiều, Hoa kiều… từ những nước phát triển đi trước như Mỹ, Nhật, châu Âu. Do đó, Việt Nam cần phải thu hút lực lượng người Việt Nam ở nước ngoài.

GS Đặng Lương Mô cho rằng, người Việt Nam ở nước ngoài có thể chia thành 2 nhóm. Đó là những người đã về hưu và những người còn đang làm việc. Những người về hưu có nhiều thời gian, không nặng cơm áo gạo tiền sẵn sàng đóng góp theo khả năng. Những người lớn tuổi, ngoài kinh nghiệm còn có nhiều mối quan hệ, bạn bè, học trò.

Đặc biệt, người Việt Nam ở nước ngoài đang ở đỉnh cao sự nghiệp, hoạt động khoa học công nghệ, nắm xu thế, xu hướng của thời đại, có các mối quan hệ. Tuy nhiên, họ khó từ bỏ công việc, Việt Nam cần có những mô hình, cơ chế tổ chức thích hợp thì vẫn thu hút được.

Việt Nam có thể mời bằng cách mời chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về nước 1-2 tháng để làm việc hoặc làm việc trực tuyến. Nhà nước thể thành lập tổ tư vấn kiều bào về vi mạch bán dẫn.

Tiến sĩ Lê Huy Bình, cho rằng Việt Nam cần thu hút chuyên gia nước ngoài và Việt kiều bằng chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia nước ngoài hoặc Việt kiều. Việt Nam có thể áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định để tạo sự hấp dẫn. Đối với các chuyên gia này, cần tạo cơ hội họ có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với đội ngũ thiết kế và giúp tăng cường khả năng cạnh tranh.

Singapore có kế hoạch SkillsFuture Singapore giúp người dân Singapore có cơ hội để có thể được học thêm khi cần thiết. Kế hoạch bao gồm nhiều chương trình nhưng bao gồm SkillsFuture Credit - Một khoản tín dụng được cấp cho người dân để hỗ trợ chi phí đào tạo và phát triển kỹ năng. Ở SkillsFuture Credit, một số khóa học ngắn hạn như của Cao đẳng Temasek hay của Cao đẳng Singapore liên quan đến chất bán dẫn có thể được sử dụng để giảm chi phí học. Ngoài ra, cũng có khóa học ở bậc đại học liên quan chất bán dẫn có thể được giảm chi phí.

Mai Tuấn Minh, Đại học Công Nghệ Nanyang (NTU)

3 công tác trọng tâm về thu hút nguồn lực kiều bào trong ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn
Cất nóc cổng chào khu phố Vietnam Town tại Thái Lan
Top