Crowe Singapore trao học bổng cho 2 sinh viên xuất sắc về kinh doanh, kế toán của Đại học Bách khoa Ngee Ann |
Tổ chức VESAF (Hoa Kỳ) hỗ trợ 201 suất học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo tại Thừa Thiên Huế |
Có không ít những giáo viên người Việt được bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS) tại các trường Đại học danh tiếng trên thế giới. Chúng ta từng biết đến GS Ngô Bảo Châu – người Việt Nam đầu tiên được trao huy chương Fields (Giải thưởng Toán học danh giá nhất thế giới); GS Vũ Hà Văn đoạt giải Pólya (SIAM) của Hội Công nghiệp và Toán học ứng dụng; GS Lê Hùng Việt Bảo là giáo sư trợ lý Toán học tại Đại học Northwestern (nước Mỹ)…
Trong số những con người tài năng đó, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến GS Nguyễn Đăng Bằng. Hiện thầy đang công tác tại trường Quản lý Kinh doanh Judge (Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh - ngôi trường đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2023 của QS (Quacquarelli Symonds) và là Giám đốc chương trình Thạc sĩ nghiên cứu tài chính của trường. Tinh thần học tập không ngừng, lòng quyết tâm vươn lên đã giúp thầy Bằng gặt hái được nhiều thành công trên con đường chinh phục học thuật, trở thành niềm tự hào của người Việt và góp phần nuôi dưỡng ước mơ du học, khám phá thế giới của bao bạn trẻ Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng (SN 1973) Quê quán: Thôn Khoan Tế, xã Đa tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hiện là Giáo sư Tài chính tại trường Quản lý Kinh doanh Judge (Judge Business School), Đại học Cambridge (University of Cambridge, Vương Quốc Anh). Đồng thời, thầy là Giám đốc chương trình Thạc sĩ nghiên cứu tài chính. Học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (khóa 1987-1990). Cử nhân trường Đại học Ngoại thương Hà Nội (năm 1995). Tốt nghiệp Cao học tại Trung tâm Pháp-Việt đào tạo về quản lý (CGVG) (năm 2017). Người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp chính khóa trường Hành chính Quốc gia Pháp (năm 1999). Tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế trường Cao cấp về Khoa học xã hội Pháp (EHESS Paris) (năm 2000). Tốt nghiệp Tiến sĩ tài chính tại trường Quản lý cao cấp HEC Paris, Pháp, hạng cao nhất, trong đó có 2 năm nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp New York (New York University). Giải thưởng Bài báo nghiên cứu tài chính doanh nghiệp xuất sắc nhất tại Hội nghị thường niên Hiệp hội nghiên cứu tài chính thế giới (Society of Financial Studies), Florida, Mỹ (năm 2013). Giải thưởng Bài báo nghiên cứu tài chính doanh nghiệp xuất sắc nhất tại Hội nghị Tài chính quốc tế (China International Conference in Finance), Quảng Châu, Trung Quốc (tháng 7/2009). Giải thưởng Bài thuyết trình xuất sắc nhất của một sinh viên vừa tốt nghiệp Tiến sĩ tại Hiệp hội Tài chính châu Âu (European Finance Association), Zurich, Thụy Sĩ (tháng 8/2006). Giải luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất tại Pháp trong lĩnh vực Kinh tế-Tài chính (Meulleire Thèse en Finance de la FNEGE), Pháp (năm 2006). |
Ngay từ khi còn là học sinh THPT, thầy Bằng đã khao khát một ngày nào đó được tiếp tục đam mê học tập ở một trường Đại Học tốt ở nước ngoài, mà hồi đó là tại Đông Âu. Tuy nhiên thời thế biến động, ước mơ này không thể thực hiện, thầy quyết định học tập tại Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Sau 5 năm nỗ lực cố gắng, thầy trở thành thủ khoa đầu ra.
Hoàn thành chương trình Đại học, thầy Bằng tiếp tục học chương trình Thạc sĩ tại Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) được thành lập theo dự án hợp tác được ký kết giữa Bộ Ngoại giao Pháp và Bộ GD&ĐT Việt Nam. Thầy Bằng là thủ khoa đầu vào và đầu ra của khóa 4.
Chia sẻ về một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, thầy Bằng tâm sự, bản thân thầy là một người khao khát được khám phá, được học những điều mới lạ, được cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Dường như niềm háo hức, niềm phấn khởi ấy đã lấn át mọi khó khăn, trắc trở.
Thách thức lớn của thầy khi ấy là việc hạn chế ngôn ngữ. Từ nhỏ, thầy Bằng theo học Toán và Hóa nên gần như không dành nhiều thời gian trau dồi Ngoại ngữ. "Ngoại ngữ là từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng, tôi học đến "phát điên" và cảm thấy rất tự ti với bạn học xung quanh. Cấp 2 tôi học chuyên Toán, cấp 3 tôi chuyển sang chuyên Hóa bởi bố mẹ mong muốn tôi trở thành Kỹ sư Hóa học. Nhưng khi lên Đại học, tôi nhận thấy muốn học lên cao và trong môi trường quốc tế thì phải bắt đầu từ học ngoại ngữ", thầy Bằng nhớ lại.
Ít ai biết được nỗi ám ảnh một thời của thầy Bằng là học Ngoại ngữ. |
Tuy gặp khó khăn nhưng là một người ham học, thầy Bằng đặt quyết tâm chinh phục tiếng Pháp. Hồi ấy, thầy rất đam mê bóng đá nên dành thời gian đọc báo bằng tiếng Việt về thể thao. Ngoài ra, thầy còn dịch từ các báo nổi tiếng của Pháp, nhất là Nhật báo l'Equipe và Bán Nguyệt san Onze Mondial. Thầy ước mơ ngày nào đó có thể đọc các bài báo đó ở báo gốc, bằng tiếng Pháp. Niềm đam mê giản dị đó đã thôi thúc thầy nỗ lực học tiếng.
Ngoài ra, thầy còn áp dụng một số kinh nghiệm học tập khối A như tính hệ thống, tính tổng hợp vào việc học tiếng. Hồi đầu, việc học gần như không có tiến triển. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi đã tìm hiểu căn nguyên vấn đề và được một thầy giáo tận tình giúp đỡ, tốc độ tiếp thu kiến thức của thầy cải thiện nhiều.
Mỗi ngày, thầy tập trung học 30 – 40 từ vựng. Thầy Bằng nhận xét, học tiếng Pháp khó hơn tiếng Anh nhiều nhưng thầy chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc. Sau 2 – 3 năm học tập, đến năm 1994, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bộ văn hóa Pháp tổ chức một cuộc thi lớn về tiếng Pháp dành cho sinh viên toàn quốc (Prix de Francophonie). Giải thưởng là chuyến đi vòng quanh nước Pháp trong 4 tuần cho 5 bạn có điểm số thi viết và thi vấn đáp cao nhất. Và năm đó, thầy Bằng đã dành giải Nhì cuộc thi, nhận được phần thưởng hấp dẫn.
Thầy Bằng cho biết: "Đó là lần đầu tiên tôi được ra nước ngoài. Chuyến đi vòng quanh Pháp trong 4 tuần đã khiến tôi thay đổi nhân sinh quan và khiến cuộc đời tôi rẽ hướng. Chuyến đi ấy là kỷ niệm tươi đẹp của tuổi trẻ mà suốt cuộc đời tôi không quên".
Không chỉ chú trọng học tiếng Pháp, thầy Bằng còn tìm hiểu văn hóa, môi trường sống ở Pháp cũng như nhiều quốc gia khác qua việc đọc sách. Ngày ấy, mạng Internet chưa phát triển như bây giờ nên luồng thông tin duy nhất mà thầy được tiếp cận là sách in. Thầy đã đọc không sót một cuốn sách nào của gia đình và của thư viện trường, không phân biệt nội dung và đối tượng độc giả.
"Có 1 cuốn sách để đọc là cả một đặc ân nên tôi đã đọc bất cứ loại sách gì mà tôi thấy. Nhờ vậy nên khi sang Pháp, dù đối mặt với sự thay đổi về môi trường sống và nền văn hóa nhưng tôi không bị sốc, bị ngợp. Thậm chí, tôi có thể trò chuyện với các bạn người Pháp về những cuốn sách kinh điển như: "Chiến tranh và Hòa bình", "Những người khốn khổ"… Nhờ đọc nhiều nên tôi nắm được kiến thức toàn diện. Dù là dân chuyên khối A nhưng ít ai bắt bẻ được tôi về kiến thức Lịch sử, Văn hóa", GS Nguyễn Đăng Bằng chia sẻ.
Sau khi hoàn thành chương trình Cao học trong nước, thầy Bằng nhận học bổng danh giá tại trường Hành chính Quốc gia Pháp – ngôi trường đào tạo nguyên thủ quốc gia và những nhà lãnh đạo cấp cao nhất cho chính phủ và doanh nghiệp tại Pháp và châu Âu. Đây cũng là ngôi trường mà nhiều đời tổng thống và thủ tướng Pháp, trong đó có cả tổng thống Pháp hiện tại – Emmanuel Macron theo học. Mỗi năm, trường nhận chưa đến 100 sinh viên và thầy Bằng là người Việt Nam đầu tiên được học tập tại đây theo hệ chính quy.
Kết thúc chương trình tại trường Hành chính Quốc gia Pháp, thầy Bằng tiếp tục học Tiến sĩ Tài chính ở Pháp. Trong quá trình ấy, thầy có thời gian nghiên cứu cả ở Đại học Tổng hợp New York. Sau khi học xong, thầy trở thành Phó Giáo sư tại Đại học Trung Văn Hồng Kông. Công việc giảng dạy chiếm ít thời gian, chủ yếu mang tính nghiên cứu. Mỗi năm, thầy dạy 70 giờ, gói gọn trong 2,5 tháng. Thời gian còn lại, thầy sẽ nghiên cứu, tham gia hội thảo và hỗ trợ sinh viên làm luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Chia sẻ về lý do làm việc tại Hồng Kông, thầy Bằng trải lòng: "Tôi rời Việt Nam cuối năm 1996, đến năm 2005 đã có 9 năm sinh sống tại nước ngoài. Tôi được hơn 30 trường Đại học khắp nơi trên thế giới mời về làm việc và đã dành khoảng 2 tháng tới tham quan tất cả các trường đó. Nhưng cuối cùng, tôi chọn Hồng Kông bởi đây là môi trường nghiên cứu Tài chính tốt nhất tại châu Á, cùng với Singapore.
Lý do thứ hai là tôi muốn về châu Á bởi lúc đó tôi khá trẻ, luôn có suy nghĩ một ngày nào đó sẽ quay về Việt Nam, mà Hồng Kông rất gần Việt Nam. Thời điểm ấy, cứ tối thứ 6 hàng tuần, tôi lại đưa gia đình nhỏ về Hà Nội, chiều chủ nhật trở về Hồng Kông".
Quyết định là vậy nhưng sau 3 năm làm việc, thầy đã chuyển công tác. Đó là khi con đầu tiên của thầy Bằng vào mẫu giáo. Thầy Bằng cho biết, hệ thống giáo dục ở Hồng Kông rất tốt, thường rơi vào nhóm 15 nước tốt nhất thế giới. Nhưng ở Hồng Kông, thầy thấy nền giáo dục có nhiều nét tương đồng "trường chuyên, lớp chọn" của Việt Nam. Cường độ học tập và làm việc ở đây rất lớn.
Thầy Bằng tâm sự: "Con tôi từ mẫu giáo đã có bài tập về nhà. Cặp luôn chứa ngổn ngang sách vở. Con còn nhỏ nên chưa hiểu vấn đề, vẫn thấy phấn khởi khi đi học nhưng tôi biết áp lực sau này con phải đối mặt. Vì vậy, tôi muốn cho con một môi trường vừa được học thật tốt, vừa được chơi hết mình. Tôi mong con có tuổi thơ tươi đẹp với nhiều trải nghiệm thú vị hơn tôi ngày xưa. Môi trường Hồng Kông khá nghiêm túc, yêu cầu sự định hướng sớm đối với mỗi đứa trẻ nên tôi lo con không có nhiều trải nghiệm".
Vì vậy, khi nhận lời mời về giảng dạy tại Đại học Cambridge, thầy Bằng đã đồng ý. Sau 3 năm, qua nhiều vòng xét duyệt hồ sơ, thầy được phong học hàm Giáo sư có "tenure" (giáo sư biên chế vĩnh viễn). Giảng viên có "tenure" có quyền biểu quyết mọi quyết định quan trọng của trường, số người này chiếm tỷ lệ rất thấp. Hiện thầy Bằng đang làm việc tại môi trường nghiên cứu và giảng dạy hàng đầu thế giới với chế độ phục lợi vô cùng tốt.
Là người có nhiều năm công tác trong nền giáo dục, thầy Bằng nhận thấy các bạn trẻ ngày nay có một lợi thế lớn, đó là: Cơ hội vô tận, gần như không có giới hạn, ở Việt Nam và cả ở nước ngoài. Điều kiện bắt buộc là học tập tốt, nỗ lực cố gắng để có cơ hội phát triển bản thân. Trên thế giới có mạng lưới công ty đa quốc gia hay các công ty lớn ở khắp các nước, đó đều là môi trường lý tưởng để làm giàu kiến thức bản thân. Việc tuyển dụng nhân sự không phân biệt bạn là ai, quốc tịch gì, tín ngưỡng tôn giáo ra sao.
Hoặc nếu không thích đi làm cho các công ty lớn, bạn có thể tự thành lập doanh nghiệp, tạo "start-up", dành trọn tâm huyết vào đó. Cơ hội đóng góp cho xã hội qua phát triển bản thân là vô tận. Thứ duy nhất mà các bạn trẻ cần làm là phấn đấu hết mình. Hãy lấy tiêu chuẩn thế giới làm tiêu chuẩn cho bản thân, cố gắng hoàn thiện mỗi ngày. Bên cạnh đó, thầy cô giáo Việt Nam cũng cần có cơ hội tiếp xúc với những điều tốt nhất trên thế giới để hướng dẫn học sinh/sinh viên.
GS Nguyễn Đăng Bằng nhấn mạnh: "Những bạn có năng lực nên ra nước ngoài học tập, làm việc để có trải nghiệm và được cạnh tranh lành mạnh, để nếu muốn và nếu có thể, sau này đóng góp cho Việt Nam dưới một hình thức nào đó. Điều này đem lại nhiều lợi ích lớn lao. Tuy nhiên, nếu bạn đi du học chỉ vì gia đình có điều kiện, kinh tế dư dả hay muốn có mác "du học sinh" thì tôi thấy cách suy nghĩ này không giải quyết được vấn đề.
Ở nước ngoài có nhiều trường, từ trường kém đến trường tốt. Nếu bạn chỉ vào trường kém cũng không học hỏi được nhiều. Có một số bạn học 4 năm ở Anh nhưng tiếng Anh vẫn chưa thạo. Môi trường hạn chế và tù túng sẽ không giúp bạn phát triển. Vì vậy, hãy tìm giá trị đích thực của bản thân: Học thật – Sống thật – Trải nghiệm thật!".
Trong quá trình giảng dạy, thầy Bằng chứng kiến rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành. Thầy có 2 niềm hạnh phúc lớn nhất.
Theo đó, niềm hạnh phúc đầu tiên là thầy góp phần đào tạo, phát triển những sinh viên được coi là tinh hoa nhân loại. Mỗi năm, trường Đại học Cambridge chỉ nhận 6.000 sinh viên, trong đó có 1 khoa đặc biệt đào tạo chương trình Quản lý dành cho sinh viên năm cuối. Thầy Bằng là người trực tiếp giảng dạy chương trình đó, mỗi năm nhận khoảng 60 sinh viên.
Trong lớp của thầy, mỗi bạn đều có những tài năng riêng. Có bạn tính toán giỏi, giành nhiều giải thưởng về khoa học; có bạn hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ, lịch sử, xã hội; có bạn viết luận sắc sảo đến mức không còn gì để bàn cãi. Những sinh viên ưu tú đã mang đến nguồn cảm hứng lớn cho thầy.
Chương trình Thạc sĩ nghiên cứu tài chính (MPhil in Finance) mà thầy làm Giám đốc từ nhiều năm cũng thu hút các bạn sinh viên từ hơn 25 nước khác nhau, tất cả đều tốt nghiệp xuất sắc các trường Đại học tốt nhất thế giới với hạng Ưu (First Class) và có điểm GPA tối thiểu là 3.9/4.0. Sau khi ra trường các bạn này đều tiếp tục học lên bậc Tiến sĩ ở các trường tốt nhất, hoặc đi làm ở các công ty lớn.
Niềm hạnh phúc thứ hai của thầy Bằng là việc làm nghiên cứu thường xuyên phải cải tiến, học hỏi, sáng tạo nhờ được góp ý, bình luận, thậm chí là phản biện mạnh mẽ. Nhờ vậy, kết quả có tầm ảnh hưởng cao hơn. Trước đây, thầy đã trải qua vị trí của sinh viên và từng cảm thấy rất buồn, tự ái khi bị ai đó phản hồi bài trình bày mà thầy dày công chuẩn bị trong nhiều năm.
Nhưng sau này, thầy Bằng nhận ra không có điều gì là hoàn hảo. Lắng nghe và cầu thị sửa đổi cũng là một kiểu hạnh phúc rất khác lạ. Chính từ trải nghiệm của bản thân nên khi tiếp nhận các bài nghiên cứu gửi về, thầy Bằng luôn đưa ra góp ý thẳng thắn, xây dựng nhưng vẫn nâng niu công sức sinh viên bỏ ra, chứ không phủ nhận.
Mỗi thế hệ sinh viên đều để lại cho thầy Bằng những ký ức khó quên. Trong đó, có một kỷ niệm khiến thầy nhớ mãi. Cách đây 5 năm, thầy nhận được mail (thư điện tử) cảm ơn của một sinh viên cũ. Bạn ấy từng theo học lớp Cao học, được thầy dạy môn Tài chính. Bạn ấy học chuyên khoa Sử ở Cambridge, rất sợ môn Toán và nghĩ rằng mình không thể học được gì tại môn tài chính. Biết được suy nghĩ ấy, thầy Bằng đã động viên và hỗ trợ rất nhiều.
"Bạn sinh viên ấy gửi lời cảm ơn vì đã giúp bạn tự tin hơn vào bản thân. Và khi ra trường, bạn ấy được về làm việc tại một trong những ngân hàng đầu tư tốt nhất thế giới, mức lương khởi điểm cao nhất khóa. Sau 5 năm, bạn ấy được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, phụ trách mảng Mua-Bán doanh nghiệp toàn châu Âu. Khi viết thư cảm ơn tôi là lúc bạn ấy đang thực hiện một thương vụ lớn. Bạn ấy đã đọc lại những trang sách cũ, nhớ về lời giảng năm xưa của tôi và cảm thấy còn nguyên giá trị. Bạn ấy rất vui, hạnh phúc và cảm thấy mọi thành công đều có nguồn gốc riêng của nó", thầy Bằng tâm sự.
Một người Mỹ gốc Việt sẽ làm thị trưởng thành phố của Mỹ |
Một phụ nữ gốc Việt được Hàn Quốc trao giải thưởng danh giá nhất về các hoạt động thiện nguyện |