Số liệu thống kê

"Ông Tây" dạy sử Việt

2024-12-20 20:01:44
Tuổi xuân của một giáo viên Việt Nam ở nước bạn Lào
Thành Nhà Hồ miễn vé tham quan ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11
Giáo sư bộ môn Lịch sử và Văn hoá Việt Nam người Mỹ Jason Picard của trường Đại học VinUni (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mối duyên nợ với Việt Nam

Nếu lần đầu gặp mặt thầy giáo Jason Picard thì chắc chắn ai cũng sẽ bất ngờ trước giọng nói bằng tiếng Việt lưu loát phát ra từ "ông Tây" cao lớn, mắt nâu xanh, mũi chẻ.

Ông chia sẻ, cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người Mỹ vẫn bị ám ảnh về cuộc chiến ở Việt Nam. Chính vì vậy, năm 1995, khi ông quyết định sang Việt Nam làm giáo viên ngoại ngữ, gia đình, người thân, bạn bè nhiều người đã ngăn cản. "Họ sợ tôi sẽ gặp nguy hiểm. Tất cả không thể tin tôi sẽ được chào đón ở đó. Không ai nghĩ người Việt Nam vào thời điểm đó có thể thân thiện với một người Mỹ ở nước họ, họ khuyên tôi rằng đừng đi", ông kể lại.

Ngay cả khi đáp xuống sân bay Nội Bài, bản thân ông cũng không đặt kỳ vọng sẽ có được sự yêu mến hay chào đón, nhưng thái độ của người Việt Nam đã khiến ông đã hoàn toàn bất ngờ. Không những không thù hằn, mà người dân những nơi ông đến tỏ ra vui mừng, thích thú mời ông đến nhà chơi, hỏi han ông như thể những người bạn thân lâu năm. Điều bất ngờ này đã tạo ấn tượng sâu sắc trong ông với đất nước và con người Việt Nam.

"Niềm đam mê khám phá cũng đưa tôi tìm đến những quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia,..nhưng tôi luôn muốn tìm hiểu về Việt Nam nhất, muốn có cơ hội để trở lại và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Điều gì khiến con người nơi đây khoan dung, thân thiện đến thế?".

Học trò là những người khiến Jason ấn tượng hơn cả. "Trong sáng", "lễ phép", "lanh lợi" là những từ thầy Jason dùng khi nói về học sinh, sinh viên ông từng dạy.

Năm 1997, ông trở thành người Mỹ đầu tiên sống ở Tây Ninh sau chiến tranh. Ở nơi đây ông cũng bắt đầu công việc giảng dạy chính thức của mình ở Việt Nam, hỗ trợ phát triển giáo án bộ môn tiếng Anh cho bậc phổ thông.

Ông nhớ rất rõ gương mặt, ánh mắt những học sinh ở Tây Ninh ông dạy từ năm 1997. Họ ở độ tuổi đôi mươi nhưng chưa từng tiếp cận với tiếng Anh hay với người Mỹ, nên trong một lớp học gần 100 học sinh, người đầu tiên ông gọi đến đã "đứng yên như tượng". Trò đó nhìn ông không thể trả lời mà chỉ nhắc lại câu hỏi: "Tên bạn là gì?".

Jason nhớ cả cách lớp trưởng hô "Nghiêm" và cả lớp đứng lên khoanh tay chào một cách kính trọng khi thầy vào lớp. "Đây chỉ là một trong những ví dụ về cách mà người Việt Nam thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh người thầy, khiến họ thấy mình được đối xử tử tế, được tôn trọng", ông nói.

Thầy Jason (bên phải ngoài cùng) tìm hiểu về trầu cau (Ảnh: waj.world)

Thầy Jason không chỉ đam mê tìm hiểu lịch sử Việt Nam mà còn "hâm mộ" tác gia Nguyễn Du, truyện Kiều, và đặc biệt là văn học Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Các phẩm kinh điển của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao... là những quyển gối đầu giường của Jason, có những tác phẩm ông đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Ngay cả khi quay lại Mỹ vào năm 2001 để học bằng Thạc sĩ, Jason luôn suy nghĩ làm sao để trở lại.

Năm 2006, mối duyên nợ của người thầy Mỹ với Việt Nam càng trở nên đặc biệt hơn khi ông gặp vợ mình lần đầu tiên. Jason miêu tả một cách hóm hỉnh: "Tôi quay lại Hà Nội, lúc đó đang học bằng Tiến sĩ, vừa theo đuổi đam mê của mình, vừa gặp được vợ tương lai của mình, một người phụ nữ Nghệ An."

Trăn trở với môn lịch sử

Jason nhớ lại về 15 năm trước, thầy đưa ra một quyết định lớn trong sự nghiệp học thuật của mình: theo đuổi ước mơ nghiên cứu về lịch sử Việt Nam ở bậc Tiến sĩ.

"Khi đó tôi phải quyết định có tiếp tục theo học Ngoại giao ở ĐH Columbia hay không. Đó là một đại học danh tiếng tại Mỹ, nhất là khoa ngoại giao, nhưng đó không phải điều tôi muốn tiếp tục theo đuổi. Giờ tôi rất hạnh phúc với lựa chọn lúc đó của mình là chuyển ngành, và đến Đại học Cornell theo học ngành lịch sử Á Châu."

Trong khoảng thời gian chưa về Việt Nam, thầy từng là giảng viên Lịch sử Đông Nam Á Hiện đại tại Trung tâm Việt Nam của Đại học Loyola Chicago, giảng dạy nhiều khóa học về Việt Nam và Campuchia. Ngoài ra, thầy từng là Nghiên cứu viên của cả hai Viện Văn học Quốc gia Việt Nam (2003-2004) và Viện Sử học (2007-2009).

Nói về tầm quan trọng của việc học, thầy Jason cho biết: "Nếu không biết bài học từ quá khứ thì sao có thể hiểu được hiện tại, rút kinh nghiệm cho tương lai?" (Ảnh: VinUni)

Hiện làm việc tại Đại học VinUni, người thầy Mỹ đã góp phần sáng lập môn Lịch sử và Văn hoá Việt Nam. Mong muốn lớn nhất của ông là thu hút càng nhiều học sinh tìm hiểu văn hoá, lịch sử của chính đất nước mình theo một cách sáng tạo và hiệu quả.

Người thầy 10 năm kinh nghiệm cho biết phương pháp dạy bộ môn Lịch sử rất quan trọng, làm thế nào để cho các bạn học sinh quan tâm và thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận. Những bài học lịch sử Châu Á và Việt Nam đều là những kho tàng tri thức quý báu nhưng có được phương pháp tốt mới có thể thu hút người học.

Mỗi giờ lên lớp, thầy Jason tập trung truyền đạt cho học sinh tinh thần không nặng nề về học thuộc hay ghi nhớ một cách máy móc, thụ động. Vì vậy, ông đưa vào bài học những câu chuyện có thể liên hệ với thực tế.

"Giá trị của lịch sử không phải là việc bạn thuộc được thời gian, địa điểm của một trận đánh hay năm sinh của một vị tướng, mà nằm ở bài học quý báu rút ra từ trong quá khứ".

Thầy thường đặt câu hỏi cho học sinh một vấn đề trong quá khứ có ý nghĩa như thế nào đối với một vấn đề tương tự đang diễn ra hiện nay. Ví dụ như: tại sao trước đây vấn đề thiên tai do biến đổi khí hậu lại không diễn ra, hay cách đối phó từng được dùng trong quá khứ là gì? Từ đó liên hệ đến chính môi trường mà các em đang sống."

Mối quan tâm trong năm vừa qua mà người thầy Lịch sử này muốn nhắc đến nhất là tranh luận về việc bộ môn lịch sử sẽ không bắt buộc trong chương trình phổ thông ở Việt Nam. Người thầy đầy tâm huyết và thẳng thắn đưa ra lời khuyên về cách học Lịch sử cho bất kỳ ai: "Dù là sinh viên bất cứ ngành nào thì cũng hãy học bộ môn lịch sử vì những giá trị mà nó mang lại cho em, giúp em ứng dụng vào cuộc sống."

Thầy giáo Tây học tiếng Việt
Thầy thuốc Nhật Bản đem ánh sáng cho trăm nghìn bệnh nhân nghèo
Top