Mỗi tối, Anurak phát video trực tuyến (livestream) trên Facebook để bán các loại tôm, mực và cá khô. Nhờ tài ăn nói và khiếu hài hước, chàng trai này thường xuyên thu hút tới 300.000 người xem một lúc.
Anurak không làm việc một mình mà được hỗ trợ bởi một nhóm chuyên nhận đơn hàng, trả lời khách qua tin nhắn Facebook hay theo dõi các khoản thanh toán. Bên cạnh đó, mỗi lần livestream, họ còn giúp Anurak hét to giá sản phẩm và "tung hứng" với ông chủ để tăng tính tương tác. Hình thức kinh doanh này tỏ ra khá hiệu quả. Anurak cho biết anh kiếm được 829.000 USD chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua.
Đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp phía sau mỗi livestream của Anurak.
Anh chia sẻ: "Facebook và Instagram đã mang đến nhiều cơ hội mới cho mọi người. Nếu biết cách tận dụng với nội dung tốt, chỉ trong vòng bảy tháng bạn có thể kiếm được hàng triệu USD". Hiện Anurak có hơn 700.000 người theo dõi trên Facebook và trung bình anh có thể thu về 32.000 USD khi livestream bán hải sản trong ba giờ mỗi ngày.
Thành công của Anurak là một ví dụ điển hình của sự bùng nổ về thương mại qua mạng xã hội ở Thái Lan trong thời gian gần đây. Đa số các doanh nhân đều bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng thông qua Facebook, Instagram và một số ứng dụng nhắn tin phổ biến như Line.
Một nhóm nhân viên đang tổng hợp đơn hàng trên Facebook.
Theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử quốc gia, doanh số bán hàng qua phương tiện truyền thông xã hội ở Thái Lan đã tăng hơn gấp đôi lên 10,9 tỷ USD trong năm 2017 nhờ được thúc đẩy bởi việc nâng cấp các ứng dụng ngân hàng di động.
Con số đó chiếm 44% thương mại điện tử tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, tăng vọt so với năm trước đó. Từ đây, các ngân hàng Thái Lan đã liên tục giảm phí chuyển tiền để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiềm năng này.
Theo thống kê của một công ty Mỹ, khoảng 38 triệu người (tương đương 57% dân số Thái Lan truy cập Facebook mỗi ngày. Con số đáng kể này càng làm nổi bật cơ hội kinh doanh toàn cầu cho người dùng cũng như cả Facebook và Instagram.
Alessandro Psicini, nhà đồng sáng lập công ty tư vấn thương hiệu Crea nhận định: "Bán hàng qua mạng xã hội đã trở thành một thị trường tiềm năng bởi gần đây, Facebook đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng thương mại với việc ra mắt nhiều tính năng thân thiện với lĩnh vực này".
Facebook mở ra cơ hội kinh doanh cho thương nhân trên khắp thế giới.
Tháng trước, gã khổng lồ Facebook đã khiến cả thế giới xôn xao khi thông báo muốn mở rộng sang thanh toán và ra mắt đồng tiền riêng mang tên Libra. Trong khi đó, hồi tháng 3, Instagram đã giới thiệu nút thanh toán cho phép người dùng mua sắm mà không phải thoát khỏi ứng dụng. Mặc dù vậy, tính năng trên mới giới hạn ở một số ít thương hiệu và chỉ dành cho người dùng Mỹ.
Hãng tư vấn McKinsey & Company cho biết ở khu vực châu Á, chỉ Indonesia mới có thể so sánh với Thái Lan về doanh thu bán hàng qua mạng xã hội. Tuy chiếm 40% tổng doanh thu thương mại điện tử nhưng bán hàng qua mạng xã hội tại Indonesia có giá trị khiêm tốn hơn, ở mức 3 tỷ USD. Nguyên nhân là vì nước này kém phát triển hơn, người dân sở hữu ít tài khoản ngân hàng hơn và vấn đề giao nhận hàng hóa gặp nhiều khó khăn vì có quá nhiều đảo.
Ở các quốc gia châu Á khác, mua hàng trên nền tảng thương mại điện tử lớn như Alibaba của Trung Quốc, Amazon tại Nhật Bản hay Walmart tại Ấn Độ đã trở nên phổ biến còn mua bán trên mạng xã hội chỉ tăng trưởng vừa phải. Livestream bán hàng là một hoạt động kinh doanh đang dần phổ biến ở Trung Quốc. Tại Ấn Độ, các công ty kiểu này cũng bắt đầu phát triển.
Quay trở lại với Thái Lan, thông thường, người mua sẽ tìm thấy sản phẩm trên Facebook hoặc Instagram. Sau đó, việc tư vấn mua bán hàng hay thay toán sẽ diễn ra trên các ứng dụng khác nhau.
Chonticha Srisawang, 35 tuổi, người sở hữu một nhãn hiệu lông mi giả riêng và hơn 76.000 người theo dõi trên Instagram, cho biết đa số người mua đều vui vẻ đặt hàng sau khi cô dành thời gian để trả lời câu hỏi và tư vấn cho họ về sản phẩm trên ứng dụng nhắn tin Line.
Một khách hàng sử dụng sản phẩm của Chonticha.
Hai trung tâm bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Thái Lan cũng đang tìm cách bắt kịp xu hướng. Cả hai đã thêm dịch vụ livestream bán hàng vào năm ngoái để tăng tính cạnh tranh với người bán trên mạng xã hội.
Nguồn bài viết : RTG Điện tử