TƯ LIỆU ĐỊA PHƯƠNG

2025-01-15 20:13:08

Chiều 17/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống (9/1949-9/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; trực tuyến tới các điểm cầu của các Học viện trực thuộc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới dự và phát biểu.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu nội dung Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm:

“Thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,

Thưa quý vị đại biểu khách quý,

Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi đến dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu, các thế hệ nhà giáo, cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Học viện ngày càng phát triển, không ngừng củng cố vai trò, vị trí là địa chỉ đặc biệt tin cậy và có uy tín của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Thưa các đồng chí,

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cao cấp của Đảng và hệ thống chính trị, nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang với những thành tựu đáng tự hào.

Vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trực tiếp chỉ đạo ở Chiến khu Việt Bắc, Học viện đã đào tạo hàng vạn cán bộ phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước sang thời kỳ đổi mới, Học viện đã tích cực, chủ động cải cách toàn diện nhiều mặt công tác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện với bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khoa học, sự kiên định, kiên trung lý tưởng cách mạng, đã nghiên cứu, tìm tòi, cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn xác đáng cho việc hình thành, hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng; chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước và nhân dân làm chủ; đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn lượt cán bộ phục vụ công cuộc đổi mới; góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới tiến lên trước mọi tác động tiêu cực, kể cả ở những thời khắc nguy nan khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (cũ), Đông Âu sụp đổ, tác động tiêu cực đến Việt Nam.

Những năm gần đây, Học viện đã chủ động cập nhật, đổi mới toàn bộ hệ thống giáo trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh, đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị cùng với quá trình xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Biên soạn giáo trình, tài liệu cho các hệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trong đó đã cập nhật, bổ sung kịp thời các nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; công tác quản lý đào tạo; tăng cường hệ tập trung, giảm dần hệ không tập trung. Phối hợp tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương; Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII, quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào và nhiều lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ cán bộ lý luận, giảng viên lý luận chính trị.

Công tác nghiên cứu khoa học có những chuyển biến rõ rệt theo hướng thiết thực, gắn chặt với các yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới. Học viện đã thực hiện thành công Chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới,” đang tích cực triển khai Chương trình “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới”; xuất bản bộ sách lý luận phổ thông về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới đất nước thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; có hàng chục Báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Tiểu ban Tổng kết 40 năm đổi mới, hàng trăm báo cáo góp ý, tư vấn, phản biện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương.Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được Học viện thực hiện sáng tạo, hiệu quả, nhất là tổ chức thành công cuộc thi Chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Học viện đã hoàn thành tốt công tác biên soạn Lịch sử Đảng, hướng dẫn biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể; biên soạn tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện tốt Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; tăng cường, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đội ngũ giảng viên.

Hoạt động hợp tác quốc tế không ngừng được đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả; góp phần phục vụ tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược đều có hợp phần nghiên cứu kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới; Học viện có những trung tâm mềm kết nối với các trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu khu vực và thế giới, thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham gia, hợp tác nghiên cứu khoa học, thể hiện tư duy hệ thống, tầm nhìn toàn cầu trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu hoạch định chủ trương, chính sách với Đảng, Nhà nước và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý thời gian qua. Đảng bộ Học viện trong nhiều năm liên tục là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Với những cố gắng, nỗ lực và thành tích to lớn trong 75 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (hai lần), Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và tại Lễ kỷ niệm hôm nay, Học viện vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2). Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ cán bộ, viên chức, học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong 75 năm qua.

Thưa các đồng chí!

Chúng ta phấn khởi, tự hào về những thành tựu mà Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đạt được sau 75 năm xây dựng và phát triển, càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm vinh quang trên chặng đường cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện cho được ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới,” trong bối cảnh tình hình có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức.

Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác định trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó châu Á-Thái Bình Dương là địa bàn cạnh tranh quyết liệt nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự buổi lễ. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; ráo riết tiến hành chiến lược “Diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố “tự diễn biến," “tự chuyển hóa” hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong. Các thách thức an ninh phi truyền thống gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Sự xuất hiện, phát triển của không gian mạng cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với quy mô, tốc độ chưa từng có, đem đến thời đại mới mà quốc gia kém phát triển, đang phát triển có thể tận dụng thời cơ, đi tắt đón đầu, phát triển vượt bậc, vươn lên trở thành những quốc gia hùng mạnh hoặc bị rơi vào hố sâu tụt hậu nếu không tận dụng được thời cơ. Trong nước, với chiều dài 79 năm lịch sử cách mạng, với 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt được những thành tựu vĩ đại và có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay. Song, chúng ta cũng đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, tạo động lực mới cho phát triển.

Bối cảnh tình hình trên đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, lý luận, góp phần tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới. Tôi gợi mở 04 vấn đề đề nghị các đồng chí quan tâm thực hiện, sau đây:

Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo phương châm “người học là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực”. Kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận, học qua loa, đại khái, học kiểu “tráng men”; coi trọng việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý cho học viên; gắn lý luận với thực tiễn. Chủ động bám sát yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh lãnh đạo, quản lý; kết hợp giữa học tập lý luận, nghiên cứu thực tiễn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; trang bị tầm nhìn, tư duy chiến lược, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng vị trí, cơ quan, địa phương và đất nước; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có tinh thần “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.”

Thứ hai, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong thời đại mới. Theo Engels “Một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.”

Góp phần phát triển, hoàn thiện lý luận dẫn đường thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng là nhiệm vụ vẻ vang của Học viện trong thời gian tới. Muốn vậy: (i) Mục tiêu, yêu cầu cao nhất của nghiên cứu khoa học, lý luận mà Học viện phải đạt được đó là “Giải đáp kịp thời những vấn đề thực tiễn mới, phức tạp; dự báo các xu thế phát triển, những tình huống chiến lược phải xử lý, chỉ ra những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới, tạo đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng phát triển phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.”

Nói cách khác, lý luận là sản phẩm nghiên cứu khoa học của Học viện phải tạo ra sự tiến bộ của lịch sử, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đẩy nhanh tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới. (ii) Nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học, lý luận đó là bảo vệ và không ngừng phát triển chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tập trung nghiên cứu những vấn đề có tính chiến lược như tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ năm 1991; và đóng góp thiết thực, mạnh mẽ cho việc xây dựng hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong tiến trình kỷ niệm 100 năm lập nước. (iii) Về phương pháp nghiên cứu khoa học, lý luận, cần đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, vào các hoạt động của Đảng, của hệ thống chính trị, trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là quan điểm lịch sử, biện chứng để tiếp nhận thông tin, phân tích, khái quát thành lý luận; nhạy bén nắm bắt những vấn đề mới, diễn biến mới của thế giới, tiếp thu phù hợp thành tựu trí tuệ của nhân loại để phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. (iv) Về lực lượng nghiên cứu khoa học, cần quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có bản lĩnh khoa học; đổi mới cơ chế xây dựng và trọng dụng đội ngũ chuyên gia, cán bộ đầu đàn, có học vấn uyên bác và gắn bó với hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, xây dựng Học viện thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; hình mẫu về giữ gìn kỷ cương học đường, kỷ luật học tập, địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người Cộng sản; cái nôi để rèn luyện tính đảng, văn hóa Đảng và bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập, bồi dưỡng tại Học viện. Tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với các Trường chính trị để sớm đạt chuẩn cao hơn; hoàn thiện mô hình Học viện thông minh; giữ gìn và lan tỏa những giá trị tích cực của văn hóa Trường Đảng tới các Trường Chính trị và các cơ sở đào tạo khác trên cả nước.Thứ tư, đề nghị các đồng chí học viên phải thấm nhuần và thực hiện cho bằng được lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trong Sổ Vàng truyền thống của Nhà trường khi đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, đó là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.” Hơn lúc nào hết, các đồng chí phải ý thức sâu sắc trách nhiệm và nhiệm vụ của bản thân trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; trước yêu cầu thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, xây dựng Đảng vững mạnh, nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để từ đó không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tri thức lý luận, bản lĩnh chính trị, tư duy, tầm nhìn và kỹ năng, phương pháp công tác và tham gia tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xứng đáng là học viện của Trường Đảng Trung ương mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thưa các đồng chí!

Với truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và phát triển; với đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp này, tôi biểu dương sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đối tác quốc tế đối với Học viện; mong rằng các quý vị, các đồng chí tiếp tục ủng hộ, đồng hành để Học viện hoàn thành sứ mệnh, trọng trách cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó.Cuối cùng, tôi chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức và học viên, sinh viên của Học viện, quý vị đại biểu, khách quý dồi dào sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống và thành công trong công tác.

Xin trân trọng cảm ơn!"./.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống

Chiều 17/9, Giáo sư-Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

(TTXVN/Vietnam+)
Top