Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên đã cảm thấy nhiều áp lực và dư luận cũng lo lắng với chất lượng đội ngũ giáo viên khi triển khai thực hiện chương trình mới.
Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT vừa công bố gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục được phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.
Ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình lớp 1.
Tuy nhiên, ngay khi công bố, nhiều giáo viên, phụ huynh thậm chí là học sinh đã không hào hứng với chương trình trên. Bởi chương trình không thay đổi nhiều so với dự thảo chương trình trước đó, ở bậc THPT, chương trình mới giảm đến hơn 300 giờ học nhưng việc giảm giờ học không đồng nghĩa với giảm áp lực cho học sinh. Bên cạnh đó, dư luận cũng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng giáo viên – những người trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Điều đáng lo lắng, giáo viên là nhân tố quyết định thành công của quá trình đổi mới giáo dục. Khi giáo viên còn lúng túng rõ ràng việc tích hợp chẳng những không đáp ứng mục tiêu giảm tải chương trình cho học sinh, mà có thể khiến cả thầy và trò đều tăng áp lực trong dạy và học.
Dồn sức chuẩn bị “thay sách” lớp 1
Lớp 1 là khối lớp duy nhất sẽ đi tiên phong trong đợt đổi mới lần này. Khác với chương trình hiện hành, cấp tiểu học trong chương trình mới được thiết kế theo thời lượng dạy học 2 buổi/ngày. Trao đổi với Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết: Cả nước hiện đã có khoảng 80% số trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, 20% còn lại để dạy được 2 buổi/ngày rất gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Ông Tài khẳng định với những nơi chưa dạy 2 buổi/ngày với cấp tiểu học theo yêu cầu chương trình đặt ra thì Bộ sẽ có hướng dẫn riêng để có thể dạy tối thiểu 6 buổi/tuần, đồng thời không tổ chức những môn học tự chọn... Dù vậy, việc không tổ chức được 2 buổi/ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy ở tiểu học. Cũng theo ông Tài, các sở GD-ĐT đang rà soát và sẽ bố trí GV có năng lực, nhiệt huyết để đảm nhiệm ngay lớp 1 trong năm học tới.
Giáo viên là yếu tố quan trọng trong việc đổi mới giáo dục.
Năm 2019, ngành giáo dục và các địa phương cũng sẽ tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất triển khai chương trình cho lớp 1. Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT, cho biết: Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát và xây dựng thêm trường, đồng thời Bộ cũng gỡ khó khi cho phép các địa phương này nâng tầng các trường học để có thêm lớp học... Đáng chú ý, sẽ điều chỉnh lại tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, hiện nay quy định về sĩ số học sinh/lớp với từng cấp học nhưng sắp tới sẽ quy định cụ thể về diện tích tối thiểu cần đạt cho một học sinh để đảm bảo không gian học tập cho các em.
Thay đổi lớn về tập huấn giáo viên
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: Ngay sau khi có chương trình sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng GV, bắt đầu từ đội ngũ cốt cán, sau đó làm đại trà.
Năm 2019 sẽ tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng GV lớp 1. Việc đào tạo, bồi dưỡng lần này ngoài trang bị kiến thức sẽ đặc biệt chú trọng tới kỹ năng sư phạm, “Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch chọn lọc GV kinh nghiệm nhất để có thể dạy được lớp cuốn chiếu ban đầu, phải là GV tốt nhất cho các khối”, ông Minh khẳng định.
Tại cuộc họp gần đây nhất về công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chỉ đạo: Cần tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào phương pháp bồi dưỡng để xóa bỏ dần phương pháp tập huấn truyền thống - tập trung về cùng một địa điểm - vừa tốn kém, lãng phí lại không hiệu quả.
“Phải khắc phục triệt để tình trạng “điểm danh, ghi tên” trong tập huấn, bồi dưỡng GV bằng cách đổi mới nội dung, phương pháp, chú trọng khâu kiểm tra đánh giá. Có như vậy, GV mới gắn quyền lợi và trách nhiệm vào các khóa tập huấn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giảm áp lực không đáng có cho giáo viên
Năm 2019, ông Phùng Xuân Nhạ chia sẻ một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GD-ĐT sẽ làm là giảm áp lực không đáng có, tạo động lực cho GV. Qua các buổi đi thực tiễn, hội thảo, lắng nghe chia sẻ của chính các nhà giáo đang đứng lớp và điều hành tại các trường, ông Nhạ khẳng định GV hiện đang chịu nhiều áp lực đến từ thủ tục hành chính, sổ sách, các cuộc thi; áp lực từ cha mẹ về thành tích học tập của con em mình...
Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi với chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và qua các cuộc đối thoại trực tiếp với GV tại địa phương, cơ sở giáo dục. Từ đó, trong năm 2019 sẽ có những điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan đến đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục.
V. H (t/h)
Nguồn bài viết : SBO Thể Thao