Sức bật cho đối ngoại nhân dân địa phương: Tự cường, phối hợp và liên kết

2024-12-20 19:35:23
Năm 2022, Cụm Liên hiệp hữu nghị địa phương số 3 sẽ có nhiêu hoạt động phối hợp
Mong muốn giao lưu, xúc tiến hợp tác, đầu tư giữa Đà Nẵng và các địa phương Liên bang Nga năm 2022

Ba chuyển biến lớn

Năm 2021, VUFO có hàng loạt các hoạt động là: ban hành các quy định, quy chế; hướng dẫn, tổ chức; hội thảo, hội nghị, tập huấn; làm việc trực tiếp, trực tuyến theo chuyên đề… với các liên hiệp địa phương và nhiều tổ chức thành viên. Nội dung các hoạt động là phổ biến, phân tích về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, phương hướng, phương thức làm công tác ĐNND… Cộng với sự tích cực phối hợp của mỗi địa phương thì vấn đề về nhận thức ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến. Song hành với các hoạt động này, VUFO đã tiếp xúc, làm việc với nhiều cấp ủy, chính quyền các tỉnh thành về nội dung nêu trên. Nhận thức, tư duy, quan niệm về ĐNND ở các cơ quan này cũng như các sở ban ngành địa phương cũng được nâng lên. Lãnh đạo một số tỉnh thành phát biểu: khi được tiếp nhận những thông tin, tài liệu chính thức, toàn diện về công tác ĐNND và làm việc, trao đổi trực tiếp với VUFO, họ đã thay đổi nhận thức sâu sắc hơn về lĩnh vực này. Nhiều địa phương nhanh chóng vào cuộc quán triệt, cải thiện, thúc đẩy công tác ĐNND. Nhiều liên hiệp hữu nghị địa phương đã được kiện toàn bộ máy, tổ chức theo hướng nâng cao chất và lượng, thực chất và hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Văn Doanh.

Một kết quả nữa cũng về thay đổi nhận thức ở cộng đồng địa phương là công tác ĐNND không chỉ của cơ quan chuyên trách là hệ thống liên hiệp hữu nghị mà của nhiều sở, ban, ngành và các tổ chức nhân dân, chính trị, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp… Lợi ích cho những đối tượng tham gia công tác này rõ rệt, thiết thực. Với các tỉnh thành vùng biên, vùng phát triển du lịch, đầu tư nước ngoài nhiều thì tính khả thi và tiềm năng thụ hưởng càng cao. Sự phối hợp, cộng hưởng giữa hoạt động chuyên môn với ĐNND càng thuận lợi, hữu ích. Điển hình là ở Lào Cai, Cao Bằng nhiều đơn vị ngoài hệ thống liên hiệp hữu nghị đã triển khai các mô hình kết nghĩa bản - bản, kết nghĩa đồn biên phòng, giao lưu hữu nghị trong quy mô nhỏ… với nước bạn.

Chuyển biến thứ hai là đổi mới về phương thức hoạt động. Năm 2021, VUFO đã ban hành quyết định chia cụm cho các liên hiệp hữu nghị địa phương để phối hợp hoạt động. 52 liên hiệp hữu nghị các tỉnh thành phố được chia thành 5 cụm căn cứ theo các tính chất địa lý, mô hình tổ chức, tiềm lực. Mục tiêu là chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và phối hợp tổ chức các hoạt động chuyên môn. Các hoạt động ĐNND đã nâng cao rất nhiều về hiệu quả công tác, tiềm lực cũng như tinh thần.

Chuyển biến thứ ba là về chiến lược tổ chức hoạt động. Các địa phương đã xác định: không ôm đồm nhiều mục tiêu, nhiều hạng mục mà chủ động “chọn việc” khả thi, hiệu quả. Đó là những hoạt động, những kênh có lợi thế, trọng tâm của mỗi địa phương.

Ví dụ trong hoạt động đối ngoại, hòa bình, đoàn kết, phi chính phủ thì Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai có nhiều thuận lợi nên triển khai rộng mở, đa dạng các hình thức, đối tác. Các địa phương như Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị… thì tập trung khai thác quan hệ hữu nghị vùng biên thông qua các hoạt động như kết nghĩa, thăm hỏi giúp đỡ nhau. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ triển khai các hoạt động hỗ trợ người Campuchia gốc Việt gặp khó khăn khi về nước…

Từ những đổi mới nêu trên, năm 2021, hệ thống các liên hiệp hữu nghị tỉnh thành nói riêng, công tác ĐNND địa phương nói chung đã thích ứng, khắc phục khó khăn dịch bệnh nâng cao một bậc quan trọng về chất lượng bộ máy, chất lượng hoạt động. Nhận thức chung về ĐNND trong và ngoài hệ thống cải thiện cơ bản và đáng kể. Nhiều hoạt động được tổ chức thành công. Nhiều cơ chế, mô hình, phương thức mới được hình thành. Nhiều chủ trương, kế hoạch được sáng tạo, xây dựng đặt nền tảng cho công tác lâu dài.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ tích cực trong hoạt động phòng, chống Covid-19.

Ba kinh nghiệm quý

Khó khăn không nhỏ ở một số địa phương là cấp ủy, chính quyền, sở ngành chưa hiểu đúng, hiểu đủ và chưa chỉ đạo, tổ chức kịp thời về công tác ĐNND. Tuy nhiên, những liên hiệp hữu nghị địa phương nào chủ động báo cáo, giải thích, đề xuất, tham mưu kịp thời, tích cực với cấp trên cũng như tuyên truyền, vận động với các đơn vị, tổ chức khác tốt thì hiệu quả công việc cao. Mặt khác, những liên hiệp hữu nghị này thường cũng bám sát, tranh thủ sự hướng dẫn, định hướng từ VUFO. Khi được quan tâm hỗ trợ, được giao việc, biết cách làm thì chắc chắn hiệu quả tăng lên. Từ đó uy tín, nguồn lực, sức lan tỏa cũng tỷ lệ thuận.

Điển hình là gần đây hoạt động của các Liên hiệp hữu nghị ở Yên Bái và Lào Cai là những tỉnh miền núi khó khăn nhiều, thuận lợi ít nhưng đã có nhiều kết quả tích cực. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Yên Bái đã tăng gấp đôi thành viên. Lào Cai trước đây mới làm tốt hoạt động ĐNND biên giới, phi chính phủ thì nay đã phát triển thêm cả hoạt động đào tạo, liên kết, phối hợp thêm với nhiều tỉnh thành.

Kinh nghiệm thứ hai là tính chủ động của các liên hiệp hữu nghị địa phương. Chủ động xác định phương hướng, mục tiêu, xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình. Chủ động kết nối, liên kết, phối hợp. Chủ động tham mưu, đề xuất. Có ý kiến cho rằng: công tác ĐNND ở địa phương nếu không làm thì không nhìn thấy việc gì mà làm. Nếu làm thì làm không hết việc. Tức là chúng ta phải rất chủ động nghĩ việc, nghĩ cách và hành động.

Kinh nghiệm thứ ba là cần liên kết và hợp tác. Đó là trong hệ thống liên hiệp hữu nghị cần có sự kết hợp giữa các địa phương với nhau. Ở bên ngoài là kết hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể như biên phòng, công an, ngoại vụ, Hội chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… Những đơn vị này ngày càng hoạt động sôi động về ĐNND, nếu chúng ta kết hợp được thì vừa mạnh về nguồn lực, vừa tăng uy tín, vừa thêm kinh nghiệm và chắc chắn cơ hội thành công sẽ càng cao.

Hội nghị ký giao ước Chương trình phối hợp hoạt động đNND cụm số 1 (giai đoạn 2021-2025).

Ba định hướng cơ bản

Năm 2022, trong công tác thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các liên hiệp hữu nghị địa phương, VUFO sẽ tiếp tục tập trung quan tâm đến những tổ chức, đơn vị yếu kém. Việc trước hết là chúng ta cần triển khai tốt chương trình khảo sát, tổng hợp, phân tích và đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động của các liên hiệp hữu nghị địa phương. Các vấn đề về mô hình, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, nguồn lực, thuận lợi, khó khăn… cần được làm rõ. Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng các nhóm giải pháp, các khâu đột phá, những mũi nhọn, mô hình thí điểm… Sau một thời gian cần thiết, có thể đúc kết thành một số mô hình mẫu về tổ chức hoạt động của các liên hiệp hữu nghị địa phương để các tỉnh thành có thể tham khảo, vận dụng.

Thứ hai, VUFO sẽ tích cực hơn nữa, kiên trì, đồng bộ các biện pháp để thuyết phục, phổ biến, tuyên truyền, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… tới các cơ quan thẩm quyền trung ương và địa phương nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng về phát triển ĐNND nói chung và liên hiệp hữu nghị các địa phương nói riêng.

Thứ ba, VUFO sẽ sát sao, kiên trì hỗ trợ các đơn vị, tổ chức thành viên này của mình trong các hoạt động lớn nhỏ cũng như đối tác, cơ hội, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng… Mục tiêu nhằm phát huy, nhân rộng những mô hình, cách làm tốt; khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện tại.

Chương trình Du xuân hữu nghị gắn kết các Đại sứ quán, VUFO và Liên hiệp địa phương.

Với phương châm "đổi mới, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả" và sự thích ứng nhanh, linh hoạt, hệ thống Liên hiệp hữu nghị nói chung và các tổ chức thành viên ở địa phương sẽ tiếp tục gặt hái thêm những thành công, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của ĐNND góp phần thực hiện tốt vai trò một trong "ba trụ cột" Đối ngoại của Đảng, nhà nước ta.

Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Ấn Độ
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước
Top