Chiều 30/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên bế mạc.
Tại phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội khóa XV; thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Với 458/460 đại biểu có mặt tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trong kỳ họp này, nhiều dự án luật có tính chất phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng cũng đã được Quốc hội xem xét một cách thấu đáo và tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc được coi là điểm nghẽn.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau hai ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Các đơn vị có liên quan tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khẩn trương sửa đổi Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai các chương trình tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2025, ban hành Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Khẩn trương ban hành, triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi), ngập, lụt, sạt lở đất sau bão số 3.
Quốc hội cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng; tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu vàng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chậm nhất tháng 6 năm 2025, tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thành lập các sàn giao dịch ngoại hối (Forex) trái quy định của pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp sau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ.
Các đơn vị có liên quan cần xây dựng kế hoạch dự trữ một số loại thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng “tại chỗ” của các địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động, tiếp nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về y tế của các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Quốc hội yêu cầu hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước về cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động sự tham gia hiệu quả của các hội nghề nghiệp. Trong năm 2024, thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Khẩn trương hoàn thiện bộ công cụ đánh giá năng lực, làm cơ sở kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cấp hệ thống quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, kết nối với hệ thống dịch vụ công quốc gia, địa phương; phấn đấu Quý I năm 2025, xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng khi sử dụng thực phẩm chức năng, bảo đảm an toàn. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng nội dung đã được xác nhận hoặc nội dung chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người./.