Dạy con nối nghiệp ông cha: Chỉ một tình yêu rối nước

2025-01-17 18:43:53

Tôi gặp Võ Thùy Dương tại Nhà hát Múa rối Thăng Long trong giờ nghỉ 30 phút giữa 2 suất diễn của chị. Vội vàng thay bộ đồ bảo hộ vì “mặc mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh nên ra ngoài phải cởi ngay để tránh bị hấp hơi”, vội vàng ăn bữa cơm tối để chuẩn bị cho suất diễn lúc 18g 30', Dương bảo công việc của chị là thế, không dừng lại được. Ăn xong, chị lại cùng những chú tễu, bà lão chăn vịt, tiên, phượng ra múa phục vụ khán giả gần xa.

Mẹ truyền con nối

Là một trong số ít nghệ sĩ múa rối theo nghiệp gia đình, Võ Thùy Dương tâm sự chị bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mẹ - nghệ sĩ múa rối Vũ Minh Tâm. Là thế hệ đầu tiên của Nhà hát Múa rối Thăng Long, nghệ sĩ Vũ Minh Tâm theo nghề từ năm 18 tuổi.

“Lúc ấy, tôi còn trẻ lắm, thấy nhà hát tuyển diễn viên là tôi thi vào và bắt đầu gắn đời mình với những con rối” - nghệ sĩ Minh Tâm nhớ lại. Những năm tháng khó khăn, nghệ sĩ đi diễn không biết gửi con cho ai, bà đành phải đưa con theo mình. Võ Thùy Dương bén duyên múa rối từ ngày ấy.

Võ Thùy Dương luôn hạnh phúc rạng ngời bên những con rối. Ảnh: Hoàng Dương

Những ngày tha thẩn cùng mẹ đi tập vở, diễn các tích trò dựa theo truyện cổ tích “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”… đã nhen lên trong Thùy Dương tình yêu với nghệ thuật múa rối. “Trẻ con hồi ấy làm gì có nhiều thứ chơi. Với tôi, được sờ vào những con rối, vào những bộ quần áo óng ánh đã là niềm hạnh phúc. Tôi như được lạc vào thế giới khác, thú vị và sống động. Từ ấy, tôi xin mẹ được tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật thiếu nhi” - chị kể.

Ngay khi tốt nghiệp lớp 12, Thùy Dương xin tuyển vào Nhà hát Múa rối Thăng Long, nơi mẹ chị đã gắn bó suốt mấy chục năm trời, dù bà đã khuyên con cân nhắc kỹ khi chọn nghề. “Nghệ sĩ múa rối chúng tôi rất khó khăn, lương thấp, lại không có những vinh quang như nghệ sĩ các lĩnh vực khác. Tôi đã phân tích kỹ cho Dương nhưng cháu quyết theo nghề này. Đến giờ, cháu cũng đã ít nhiều có sự nghiệp, tôi mừng vì điều đó” - bà Tâm bày tỏ.

“Ban đầu, chúng tôi học theo kiểu truyền nghề, nghệ sĩ lớp trên dạy nghề cho nghệ sĩ lớp dưới” - Võ Thùy Dương kể. Được tuyển dụng vào nhà hát, chị đi học tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, sau đó mất thêm nhiều năm để học nghề của các thế hệ đàn anh. Miệt mài học nghề, miệt mài diễn, năm 2003, Thùy Dương đã giành được huy chương vàng cho tiết mục “Tiếng gọi trẻ thơ” và huy chương bạc tiết mục “Vũ điệu chim công” tại Liên hoan Múa rối quốc tế 2003. 4 năm sau đó, tại Festival Múa rối quốc tế tại Hà Nội, chị lại giành huy chương bạc với nhân vật Mỵ Châu trong vở “Trấn Cổ Loa thành”.

Sau người chị Võ Thùy Dương, cô em gái Võ Thùy Dung cũng nối nghiệp gia đình gia nhập đội ngũ diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long. Cô lại ngâm mình trong nước hằng ngày để gắn bó cuộc đời với những chú rối.

Vinh quang sau tấm mành

Thật mừng khi nghệ thuật múa rối nước đang có sức hấp dẫn du khách. Nhiều khán giả trong và ngoài nước đã tỏ ra thích thú khi được xem múa rối nước. Song, để điều khiển những chú rối tinh nghịch, các nghệ sĩ không phải lúc nào cũng có thể vui vẻ.

Một tiết mục của Nhà hát Múa rối Thăng Long - cái nôi ươm mầm tài năng cho Võ Thùy Dương

“Hè cũng như đông, quanh năm chúng tôi phải ngâm mình trong nước, trung bình mỗi ngày diễn 6 ca, tuần 3 buổi. Không ít người bị cảm, nôn vì ngâm dưới nước lạnh. Không phải chỉ mùa đông nước mới lạnh như châm kim, ngay cả giữa mùa hè nóng gần 40 độ C, nghệ sĩ múa rối chúng tôi cũng phải mặc thêm quần nỉ và đi tất cho đỡ lạnh” - Thùy Dương kể.

Đó là chưa nói đến bệnh nghề nghiệp là khớp, vì ngâm nước nhiều nên hầu như ai cũng bị viêm khớp lẫn dạ dày vì ăn xong phải diễn ngay, không nghỉ ngơi, không chờ tiêu cơm. Tuy là lao động nghệ thuật nhưng múa rối nước cần các diễn viên phải có sức khỏe để có thể điều khiển được các con rối, như chú Tễu cần phải tới 4 người, tiết mục “Lân tranh cầu” cũng rất mất sức.

Thùy Dương cho rằng chính vì lao động nghệ thuật vất vả mà lại không vinh quang như các nghệ sĩ sân khấu khác nên thế hệ diễn viên trẻ lựa chọn múa rối không nhiều. “Văn hóa dân gian không sôi động, lại không được xuất hiện trước công chúng mà phải ẩn sau tấm mành nên ít diễn viên chọn ngành này. Chỉ những ai thực sự yêu văn hóa truyền thống, đam mê mới tồn tại và phát triển được với nghề, tôi tin như thế” - Võ Thùy Dương tâm sự.

Vẫn phải làm thêm nghề tay trái

Dù có thể sống được bằng nghề nhưng Thùy Dương bảo để có tiền lo cho con cái đi học, chị vẫn phải làm thêm nghề tay trái là thiết kế thời trang với thương hiệu Dáng.

Bảo Hân - cô con gái 12 tuổi của Võ Thùy Dương, cũng rất đam mê nghệ thuật, không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào thưởng thức các chương trình mới của mẹ.

Hỏi Thùy Dương liệu có cho cô con gái nối nghiệp mình, chị cười: “Vẫn biết là con rất đam mê, tôi cũng hướng con theo nghiệp mình nhưng bây giờ, nhiệm vụ đầu tiên là phải học văn hóa”.

Theo Người Lao Động

Nguồn bài viết : Club Ace 21 E-Gaming Club

Top