Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam: Truyền tải lịch sử hữu nghị thông qua môn học lịch sử |
Kỷ niệm 69 năm cuộc tiến công pháo đài Moncada, Cuba |
Thời kỳ khó khăn...
Chia sẻ về tình hình Cuba hiện nay, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén và Tiến sỹ Khoa học kinh tế Ruvislei González Saez - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam cùng chung nhận định, Cuba đang ở thời kỳ rất khó khăn giữa bối cảnh quốc tế phức tạp, đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, sự bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cuba...
Quang cảnh buổi nói chuyện chia sẻ thông tin về tình hình Cuba hiện nay (Ảnh: Thành Luân). |
Tròn 60 năm kể từ ngày Mỹ đơn phương ra lệnh cấm vận Cuba. Đây là lệnh cấm vận dài nhất trong lịch sử hiện đại, tác động đến các hoạt động kinh tế, cản trở sự phát triển bền vững của Cuba, nhất là khi Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường thêm các biện pháp cấm vận khác, thậm chí áp dụng cả bên ngoài lãnh thổ Mỹ và Cuba.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến đảo quốc này: cửa khẩu đóng cửa, sản xuất đình trệ, giá vật tư, nguyên liệu tăng cao vì đứt gãy chuỗi cung ứng khiến Cuba thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất hàng hóa, đặc biệt là sản xuất thuốc, đẩy giá cả trong nước lên cao.
Năm 2021, lạm phát của Cuba tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020, GDP của Cuba chỉ tăng 2%, thấp hơn mục tiêu 6% đặt ra trước đó. Năm 2020, GDP của Cuba đã giảm mạnh 10,9%, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1993. Du lịch, trụ cột đóng góp nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho Cuba sau xuất khẩu dịch vụ, bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể khôi phục được.
Cuba hiên ngang và không ngừng đổi mới
Tiến sỹ Khoa học kinh tế Ruvislei González Saez - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam khẳng định: "Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Cuba có ý chí để vượt qua những khó khăn đó".
Ngày 23/6/2021, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lần thứ 29 do Cuba đệ trình lên án các lệnh cấm vận thương mại, tài chính và kinh tế của Mỹ đối với Cuba trong suốt hơn 60 năm qua với 184 phiếu thuận, 3 phiếu trắng của Colombia, Ukraine, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và 2 phiếu chống của Mỹ, Israel.
Song song với quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, Cuba đã tìm những biện pháp để cải cách và tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.
Từ trái qua: PGS.TS Nguyễn Viết Thảo - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén và Tiến sỹ Khoa học kinh tế Ruvislei González Saez - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam (Ảnh: Thành Luân). |
Theo Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolás Hernández Guillén, quá trình Cuba đổi mới nhận thức về phát triển kinh tế diễn ra từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Cuba (4/2011). Tại đại hội này, Cuba thừa nhận cơ chế thị trường. Đến Đại hội VII (4/2016), Cuba thừa nhận kinh tế tư nhân và kinh tế có đầu tư trực tiếp nước ngoài như một thành phần quan trọng. Đại hội VII cũng đưa ra khái niệm của mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Cuba.
Đến Đại hội VIII (4/2021), Cuba tiến thêm một bước mới trong nhận thức khi nhìn nhận khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ là thành phần quan trọng mà còn là thành phần cơ bản của nền kinh tế trên một số lĩnh vực (như khai khoáng) và thừa nhận kinh tế tư nhân trên nhiều sự mở rộng khác nữa. Đại hội cũng xác định tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, xem đây là những thành phần kinh tế rất quan trọng ở Cuba hiện nay. Đến nay có hơn 4.000 doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ được thành lập tại Cuba. Đặc biệt, tại Đại hội VIII, lần đầu tiên Cuba tách bạch giữa chức năng quản lý của nhà nước với chức năng quản trị doanh nghiệp.
Cuba thực hiện xóa bỏ việc lưu hành song song hai đồng tiền là đồng peso Cuba được dùng trong trao đổi nội địa và đồng peso hoán đổi chủ yếu dùng trong việc mua bán sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu để chuyển sang dùng một loại tiền duy nhất. Cuba hủy bỏ một số bao cấp miễn phí nhưng vẫn tiếp tục duy trì hệ thống chính sách y tế, giáo dục miễn phí cho toàn dân.
Khởi động cuộc cải cách giá - lương - tiền từ ngày 1/1/2021, Cuba điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 210 peso lên 2.100 peso, đồng thời cố gắng điều chỉnh tình trạng lương công nhân, lao động chân tay thu nhập cao hơn người làm ngành y, giáo dục...
Cuba cũng ưu tiên phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch y tế. Bên cạnh đó, đảo quốc này tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học, lĩnh vực đã trở thành một trong những cơ sở tiên tiến và chuyên biệt nhất cho sự phát triển của Cuba. Nhờ sự phát triển của công nghệ sinh học mà Cuba đảm bảo được sản xuất thuốc men, chăm sóc tốt sức khỏe của người dân trong nước, đồng thời chia sẻ giúp đỡ nhiều nước khác trên thế giới. Cuba là quốc gia đầu tiên tại châu Mỹ Latinh và tại Caribe phát triển thành công vaccine phòng virus SARS-CoV-2. Vaccine Abdala do Cuba sản xuất đạt hiệu quả phòng bệnh 92,28% sau khi tiêm đủ 3 liều.
Cảm ơn những chia sẻ từ Đại sứ Cuba tại Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba bày tỏ niềm phấn khởi và tự hào về đất nước Cuba kiên cường, năng động và sáng tạo. Ông đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ, trực tiếp và toàn diện của Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba đối với đất nước, nhân dân Cuba anh em. |
Sẵn sàng phối hợp với Đại sứ quán Cuba tổ chức các hoạt động đoàn kết, hữu nghị |
Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba: Tăng cường kết nối từ cấp trung ương tới địa phương |